"Thâm cung bí sử" (66 - 6): Bàn tay với bàn tay

GiadinhNet - Hồng Hà thật sự say mê công việc của đoàn làm phim. Sau mỗi ngày làm việc, em lại ngồi suy nghĩ và bàn với tôi công việc của ngày mai.

Chúng tôi về làng Ngũ Xá quay về cảnh đúc đồng, đi Thái Bình để quay về nghề khảm bạc. Chúng tôi vào Huế để làm về mỹ thuật cung đình. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường mời chúng tôi đi thăm một làng chài ở Phá Tam Giang. Hồng Hà rất ấn tượng về chuyến đi này. Và em đã viết bài thơ xóm chài, với câu mở đầu đầy bất ngờ: "Lưới ngủ chờ đêm". Hoàng Phủ Ngọc Tường thảng thốt: "Cái gì? Lưới ngủ chờ đêm ư? Câu thơ tài tình quá. Tôi ở đây từ bé đến giờ, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy lưới ngủ". Hồng Hà là như vậy. Viết về xứ Đoài, em có câu thơ: "Ngai ngái trăng cổ thành". Viết về thân phận của người đàn bà, em có câu: "Mái tóc xám, những sợi trầm ruổi trong chiều lời hát". Nhìn thấy lưới ngủ. Cảm nhận được mùi của ánh trăng cổ thành. Thấy được thân phận của người phụ nữ qua từng sợi tóc, đó là Hồng Hà. Đêm trên sông Hương, tôi nói về cảm nhận của tôi đối với những câu thơ lạ lùng của Hồng Hà. "Không phải anh nịnh em đâu, nhưng chỉ có em mới có những câu thơ như thế". Hồng Hà nói: "Cảm ơn anh! Nhưng anh nói điều đó trước mặt em đã là nịnh rồi". Bất ngờ, tôi nắm lấy bàn tay Hồng Hà và đọc lại câu cuối cùng trong bài thơ "Người đàn bà bên hồ" của em: "Một nửa đời người, ngóng đợi một bàn tay". Và tôi thì thầm: "Bàn tay em ngóng đợi một nửa đời người là đây". Hồng Hà để yên bàn tay em trong tay tôi và nói: "Xin anh cho em được yên. Em đã bị một vết bỏng trong tim rồi". "Sắc sắc không không mà em. Vết bỏng đó có thể là có thật mà cũng có thể là hư vô". Hồng Hà nắm tay tôi chặt hơn. Tôi vui sướng biết rằng em đã chấp nhận bàn tay của tôi. Chúng tôi đi bên nhau, im lặng.

Công việc làm phim diễn ra rất thuận lợi. Hai nhân viên UNESCO tỏ ra hài lòng về tiến độ cũng như chất lượng của những cảnh quay mà chúng tôi đã thực hiện. Công lớn thuộc về Hồng Hà. Em khó tính trong từng thước phim một, từng lời bình. Mười ngày trước khi bàn giao bản gốc bộ phim cho UNESCO, Hồng Hà nói với tôi: "Sắp phải chia tay các bạn quốc tế rồi! Em sẽ mời các bạn ấy một bữa bún ốc để cả đời này không quên được". Hồng Hà bắt tay chuẩn bị món bún ốc của em. Em chọn ốc mít ở ngoài chợ, đem về bỏ đói ba ngày, sau đó cho ốc ăn bằng gà tươi và sữa đậu nành. Hai ngày trước khi luộc ốc, Hồng Hà đem ốc phơi trên gác thượng và không cho ăn uống gì cả. Khi ốc đã thật đói và thật khát, Hồng Hà mới cho ốc ăn món trứng gà trộn với sữa đậu nành, hạt tiêu bột và bột ngũ vị. Vì đói và vì khát, nên ốc ăn rất nhanh. Cả chậu thức ăn đổ vào, ốc ăn chùn chụt, chỉ một lúc là hết sạch. Ốc đó mang luộc lên, thơm váng nhà. Người ta nói nhạt như nước ốc, nhưng nước ốc ấy không nhạt mà thơm và ngọt.

Đón đọc loạt "Chuyện thâm cung bí sử gia đình" tại mục Gia đình trên Giadinh.net.vn vào thứ 2, thứ 4, thứ 6 hàng tuần

> Đọc toàn bộ Thâm cung bí sử tại đây

(Còn nữa)
Khánh Hoàng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/tham-cung-bi-su-66-6-ban-tay-voi-ban-tay-20140707110517223.htm