Thâm cung bí sử (100 - 4): Những lá thư không gửi

Rồi đơn vị chúng tôi được lệnh tiến sâu hơn nữa vào chiến trường. Trong chiến tranh mọi mệnh lệnh đều không được báo trước, cấp trên bảo đi là đi, bảo đánh là đánh.

Em ra tận đơn vị chia tay tôi. Em đưa cho tôi một chiếc dù pháo sáng: “Cái này mắc trong hầm chữ A thay màn, mưa dột nóc hầm không ướt và muỗi không vào được. Nhớ luôn viết thư cho em nhé”. Rồi em chui xuống căn hầm chỉ huy của tôi và bảo: “Anh xuống đây”. Chúng tôi ôm hôn nhau rất dài. “Không biết đến bao giờ em mới lại được gặp anh”. “Hơi lâu đấy. Có lẽ phải hết chiến tranh”. Em khẽ thở dài: “Bao lâu em cũng đợi anh”.

Chúng tôi tiến sâu mãi vào chiến trường. Tôi chưa bao giờ nguôi nhớ em. Giữa hai trận đánh, tôi chui xuống hầm lấy giấy bộc phá viết thư cho em. Nhớ thì viết thế thôi chứ ở chiến trường không thể gửi thư được. Nhưng tôi tin ở mối giao cảm của hai trái tim. Khi tôi nhớ em thì em cũng nhớ tôi.

Chúng tôi xa nhau gần hai năm rồi. Chẳng hiểu em và trung đội thanh niên xung phong bây giờ ra sao? Mọi người có khỏe không? Trung đội còn đủ người không? Rồi đơn vị tôi được tuyên dương danh hiệu anh hùng. Nhân dân thành phố Vinh gửi đơn lên Bộ Quốc phòng đề nghị cho chúng tôi ra Vinh để được khao quân. Đơn vị chúng tôi được thành lập ở Vinh và tất cả đều là lính Nghệ An. Bất ngờ đề nghị của nhân dân thành phố Vinh được Bộ Quốc phòng chấp nhận. Chúng tôi hành quân về hậu phương. Ngày đó được về hậu phương là một hạnh phúc lớn. Chúng tôi sẽ có những ngày xa chiến hào, xa bom đạn. Mỗi người sẽ được về thăm mẹ vài hôm. Chúng tôi ngồi trên xe tải, vỗ tay vào thùng xe, hát vang rừng. Bỗng tôi thấy phía trước có một người con gái cầm mũ tai bèo vẫy xe xin đi nhờ. Trông dáng người cô ta giống em quá. Tim tôi đập rộn lên. Đúng là em thật. Tôi dừng xe, bế em đặt vào buồng lái. “Em đi đâu thế này?”. “Em ra hậu phương để học trường quân y. Xe của anh chạy về đến đâu?”. “Đơn vị anh về đến Vinh”. “Thế thì tốt rồi. Ra Vinh em sẽ lên tàu ra Hà Nội và từ Hà Nội bắt xe về quê”. “Anh không cho em đi vất vả như thế. Xe của anh sẽ đưa em về tận nhà”.

Quê em ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Tôi đưa em về quê trong mùa vải đang ra hoa, đi đâu cũng nghe mùi thơm hoa vải. Em giới thiệu tôi với bố mẹ của em: “Đây là chàng trai con nhặt được trong rừng”. Mẹ em cười rất tươi: “Đến đây thì ở lại đây. Bao giờ bén rễ xanh cây mới về”. “Anh đừng ngạc nhiên, mẹ em hay nói vần như thế đấy”. “Thì mẹ anh cũng hay nói vần như thế mà, xuất khẩu thành thơ. Các cụ tài thật”. “Thế bao giờ thì anh cho em nó về quê anh thăm bà? Có đi có lại mới toại lòng nhau”. “Sáng mai con về đơn vị. Tiện xe hai đứa chúng con về thăm mẹ con luôn”. Em nhìn tôi cười: “Chỉ được cái nhanh nhảu đoảng. Em vừa từ trong chiến trường ra, chưa kịp hoàn hồn, mặt hốc hác, da xanh lét về thăm mẹ sao được. Anh cứ để lại địa chỉ rồi tự em sẽ về thăm mẹ”.

Tối hôm đó chúng tôi ngồi dưới gốc nhãn bên bờ ao. Tôi nói nửa đùa, nửa thật: “Chuyện của chúng mình anh đã báo cáo với trung đoàn rồi. Bây giờ lại báo cáo với bố mẹ em rồi. Coi như chúng ta đã là vợ chồng. Đêm nay anh sẽ lẻn vào giường em”. Em tát khẽ má tôi: “Dám không? Anh còn phải trở lại chiến trường, còn em thì phải đi học”.

(Còn nữa)

Tiểu phẩm của Khánh Hoàng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/tham-cung-bi-su-100-4-nhung-la-thu-khong-gui-20170324104835715.htm