Thăm biểu tượng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội

Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội như một biểu tượng chiến thắng của quân dân Thủ đô.

Là một trong năm di tích còn được bảo tồn nguyên vẹn trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long, Cột cờ Hà Nội là một công trình lịch sử mang tính biểu tượng của thủ đô Hà Nội.

Được xây dựng từ năm 1805 - 1812 dưới thời vua Gia Long, công trình có tên gọi chính thức là Kỳ đài Hà Nội, nằm trên phần đất phía Nam của Hoàng thành Thăng Long.

Cột cờ có kết cấu dạng tháp, cao 41m, gồm ba tầng đế và một thân cột. Các tầng đế cột cờ có hình vuông, nhỏ dần lên trên, chồng lên nhau, xung quanh ốp gạch.

Thân cột hình trụ bát giác thon dần lên phía trên, có 39 ô cửa sổ hình hoa thị và 6 ô cửa sổ hình dẻ quạt. Bên trong có 54 bậc thang xoáy trôn ốc dẫn lên đỉnh. Đỉnh cột cờ là một lầu hình bát giác, có 8 cửa sổ tương ứng 8 cạnh. Giữa lầu là một trụ tròn cao đến đỉnh lầu, là chỗ để cắm cán cờ.

Khi người Pháp phá thành Hà Nội, họ định phá luôn Cột cờ. May mắn là cuối cùng công trình do người Pháp muốn biến nó thành đài quan sát.

Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội như một biểu tượng chiến thắng của quân dân Thủ đô.

Sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, hình ảnh Cột cờ Hà Nội đã được in trang trọng trên đồng tiền được phát hành đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, Cột cờ Hà Nội là nơi tổ chức Lễ Thượng cờ báo hiệu sự thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội ta đã sử dụng nơi đây làm đài quan sát phòng không, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.

Năm 1989, Cột cờ Hà Nội đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Việt Nam.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/tham-bieu-tuong-thang-loi-cua-cach-mang-thang-tam-o-ha-noi-918042.html