Thảm án đẫm máu xung quanh kiểu tóc đặc thù của Thanh triều

Quy định ngặt nghèo về kiểu tóc đã trở thành nguyên nhân chính của hai thảm án chấn động Thanh triều.

Thảm án đẫm máu xung quanh kiểu tóc đặc thù của Thanh triều

Kiểu tóc cạo nửa đầu, tết đuôi sam phía sau vốn là đặc trưng của đàn ông tộc Mãn. Sau này, cùng với sự thống trị của triều đình nhà Thanh, kiểu tóc này được áp đặt đối với người Hán trên phạm vi toàn Trung Hoa.

Ít ai biết rằng, đằng sau công cuộc "cải cách" về đầu tóc của Thanh triều lại là những trang sử đẫm máu. Tất cả bắt nguồn từ "luật rừng" do giai cấp thống trị đặt ra: "cắt tóc còn đầu, để tóc mất đầu".

"Luật rừng" bắt nguồn từ một kẻ "phản đồ" người Hán

Nguồn cơn của mối họa đầu tóc này bắt nguồn từ một phản thần của triều Minh là Tôn Chi Giải.

Tôn Chi Giải vốn là người Hán, sinh tại Sơn Đông, từng làm Tiến sĩ trong những năm Thiên Khải dưới thời nhà Minh.

Lúc bấy giờ, thái giám Ngụy Trung Hiền lũng đoạn triều chính, Tôn Chi Giải cũng theo phe hoạn quan càn quấy triều đình. Sau khi Sùng Trinh lên ngôi, bè lũ thái giám bị dẹp tan, họ Tôn cũng bị cách chức làm thứ dân, từ đó liền đem lòng oán hận đối với Minh triều.

Tới lúc quân Thanh đánh vào Sơn Đông, Tôn Chi Giải gia nhập vào hàng ngũ quân đội Thanh triều nhằm phản lại nhà Minh. Sau này, kẻ phản thần họ Tôn ấy được Thuận Trị phong làm Lễ bộ Thị lang.

Khi triều đình mới thành lập, Thuận Trị thấy đại cục chưa ổn định, vẫn cho phép người Hán và quan lại quy hàng của triều Minh được phép để tóc dài, mặc Hán phục. (Tranh: nguồn Baike).

Duy chỉ có Tôn Chi Giải thân là Hán tộc, nhưng lại mặc đồ của người Mãn, để kiểu tóc tết đuôi sam như nam tử của Mãn tộc. Hành động này khiến họ Tôn bị đuổi ra khỏi triều, phải chịu sự chê cười của những quan lại người Hán, còn Mãn tộc thì khinh bỉ ra mặt.

Bấy giờ, Tôn Chi Giải liền tìm cách tấu lên Thuận Trị đế:

"Bệ hạ bình định Trung Quốc, cách tân mọi sự, nhưng quan lại vẫn có người mặc Hán phục, nghĩa lại Hán tộc không tuân theo bệ hạ, không hàng phục giang sơn của bệ hạ."

Thuận Trị từ lâu đã muốn dùng tìm cách đánh bại tinh thần dân tộc của người Hán, nay lại có Tôn Chi Giải gợi ý, liền ban chiếu chỉ công bố "luật rừng" trên cả nước.

Phàm là những người không chịu cạo đầu đều sẽ bị xếp vào "trọng tội", phải chịu án tử. (Tranh: nguồn Qulishi.com).

Theo đó, Hoàng đế ra lệnh toàn bộ nam tử trên lãnh thổ Đại Thanh phải cạo nửa đầu, tết tóc đuôi sam giống như Mãn tộc.

Đây chính là "tuyên ngôn tàn sát" gây ra hai sự kiện thảm sát đẫm máu chấn động Thanh triều. "Để đầu không để tóc, để tóc không còn đầu" đã trở thành câu nói bất hủ phản ánh thứ "luật rừng" của Thanh triều.

Một đạo luật – hai thảm án

"Dương Châu thập nhật" và "Gia Định tam đồ" là hai sự kiện đẫm máu nhất trong thời gian thống trị của triều đại Mãn Thanh, cũng là hai thảm án tàn sát chấn động lịch sử Trung Quốc.

Vào năm 1644, Lý Tự Thành chiếm được Bắc Kinh, hoàng tộc và quan lại Minh triều lánh nạn về phía Nam, chọn Nam Kinh làm kinh đô, lập nên nhà Nam Minh.

Tới năm Thuận Trị thứ 2 (1645), quân Thanh tiến đánh xuống phía Nam, tướng của nhà Nam Minh là Sử Khả Pháp chỉ huy quân triều đình chống lại và giành được một số thắng lợi nhất định.

Tuy nhiên, triều đình Nam Minh lúc này lại lục đục trong việc điều động binh mã, để cho quân Thanh chiếm được Dương Châu. Quân dân trong thành đã anh dũng chống lại. Quân địch liền nã pháo vào thành, khiến bức tường thành phòng thủ cuối cùng của Dương Châu sụp đổ.

Sau khi chiếm được Dương Châu, tướng nhà Thanh là Đa Đạc ép dân chúng phải cạo tóc theo kiểu của người Mãn. Bách tính trong thành nhất quyết không tuân theo.

Bất mãn trước thái độ của dân chúng, lại thêm binh sĩ thương vong quá lớn, Đa Đạc đã hạ lệnh "làm cỏ" toàn bộ thành Dương Châu, tạo nên một cuộc đại tàn sát kéo dài suốt 10 ngày, sử cũ gọi là "Dương Châu thập nhật".

Theo cuốn "Dương Châu thập nhật ký" của Vương Tú Sở, số dân chúng bị giết trong sự kiện này lên tới 80 vạn người. (Ảnh: nguồn internet).

Một số nguồn sử liệu khác lại khẳng định con số này chỉ dừng ở mức 20, 30 vạn. Dù vậy, từng ấy người vong mạng cũng đủ để chứng minh cuộc tàn sát này thảm khốc tới mức nào.

Không chỉ dừng lại ở việc chém giết, nạn nhân thê thảm nhất của những cuộc thảm sát trên chính là phụ nữ. Mặc dù không bị mất mạng, nhưng cơ số họ đều trở thành công cụ mua vui, vũ nhục cho binh lính.

Sau khi Dương Châu thất thủ, quân Thanh đã tiến đến Nam Kinh, chính quyền Hoàng Quang Đế bị tiêu diệt.

Sau đó, quân Thanh bắt toàn thể dân chúng Giang Nam phải theo phong tục Mãn Thanh như phải cạo tóc ở phía trước đầu và để bím tóc ở phía sau, ai trái lệnh sẽ bị chém, khiến nhân dân Giang Nam bất bình.

Sau Dương Châu, Gia Định trở thành địa điểm thứ hai chịu cảnh "tắm máu" vì thứ "luật rừng" của Thanh triều. (Tranh: nguồn internet).

Quân dân Gia Định đã chống lại quân Thanh trong ba tháng, bị quân Thanh tàn sát ba lần với hơn 20.000 người chết, sử gọi là "Gia Định tam đồ".

Đối với cuộc đại tàn sát thứ hai ấy, có sử gia từng cất lời than đầy đau đớn: "Tam đồ (ba lần giết chóc) để lại cho tòa thành ấy (chỉ thành Gia Định) sự hủy diệt, chỉ còn lại những kẻ không biết đạo đức là gì được sống sót."

theo Trí Thức Trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/tham-an-dam-mau-xung-quanh-kieu-toc-dac-thu-cua-thanh-trieu-20160630113539383.htm