Thái tử Saudi Arabia: Trẻ tuổi và thích binh pháp Tôn Tử

Thái tử trẻ tuổi của Saudi Arabia được nhận định là người tham vọng, cứng rắn trước các đối thủ và hiện đại hơn phong cách thường thấy của hoàng gia Saudi.

Phó thái tử Mohammad bin Salman Al Saud, 31 tuổi, vừa thay thế người anh họ 57 tuổi Muhammad bin Nayef bin Abdulaziz Al Saud để trở thành thái tử mới của Saudi Arabia.

Dù vậy, từ khi còn làm phó thái tử, Mohammad bin Salman đã là người có ảnh hưởng lớn nhất đến cha mình, Quốc vương Salman. Theo AFP, ông quyền lực đến nỗi được các nhà ngoại giao phương Tây gọi là "quý ông đủ chức vụ".

Phó thái tử Mohammad bin Salman tại Hội nghị G20 ở Hàng Châu (Trung Quốc) năm 2016. Ảnh: AFP.

Nắm từ kinh tế đến quân sự

Mohammmad là người khởi xướng "Tầm nhìn 2030", một kế hoạch nhằm thay đổi toàn diện Saudi Arabia từ kinh tế đến xã hội. Ông giữ chức chủ tịch cả Hội đồng các Vấn đề Kinh tế và Phát triển Saubi Arabia lẫn cơ quan quản lý công ty dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco.

Trong tư cách bộ trưởng quốc phòng, Mohammad bin Salman chịu trách nhiệm cho chiến dịch can thiệp quân sự của Saudi Arabia vào Yemen, chống lại lực lượng nổi dậy Houthi.

Suốt một năm qua, trong khi thái tử Mohammad bin Nayef hiếm khi xuất hiện trước công chúng, phó thái tử Mohammad bin Salman thường xuyên có những chuyến công du nước ngoài quan trọng. Hồi tháng 3, ông đến Washington D.C. để gặp Tổng thống Donald Trump. Chuyến thăm Nhà Trắng của phó thái tử đã tạo tiền đề cho chuyến thăm Saudi Arabia 2 tháng sau đó của tổng thống Mỹ.

Việc Tổng thống Trump chọn Saudi Arabia là nước đầu tiên ông đến thăm trên cương vị tổng thống Mỹ đã củng cố vai trò của Saudi Arabia tại Trung Đông và làm "bằng chứng" cho sự thành công của phó thái tử trong chính sách đối ngoại của Saudi.

Tân Thái tử Mohammad bin Salman cũng là người bác bỏ mọi khả năng đối thoại với Iran và chủ trương dùng biện pháp cứng rắn với Qatar.

Thái tử Mohammad bin Salman Al Saud, khi đó là phó thái tử, trong cuộc gặp song phương với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Washington D.C.. Ảnh: AFP.

Trẻ tuổi và tham vọng

Bloomberg từng miêu tả Mohammad bin Salman là vị hoàng tử "làm việc 16 giờ/ngày", chịu ảnh hưởng từ bài viết của thủ tướng Anh trong thời chiến Winston Churchil và binh pháp Tôn Tử. Ông tốt nghiệp ngành luật của Đại học Quốc vương Saud. Dù luật lệ của Saudi Arabia cho phép đàn ông lấy nhiều vợ, Thái tử Mohammad bin Salman chỉ mới kết hôn một lần.

Khác với sự kín tiếng thường thấy của các quan chức Saudi, Mohammad bin Salman từng chia sẻ chi tiết về các hoạch định kinh tế trong nhiều cuộc phỏng vấn.

Tháng 4/2016, trong một cuộc họp báo hiếm hoi, phó thái tử Mohammad bin Salman đã thoải mái trả lời các câu hỏi từ báo chí trong nước lẫn quốc tế suốt 50 phút.

Chuyên gia Frederic Wehrey từ Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie (Washington D.C.) nhận xét vị hoàng tử 31 tuổi đã vươn lên "quyền lực và sự ảnh hưởng hiếm có trong một thời gian rất ngắn".

Một nhà ngoại giao phương Tây nhận xét ông là một người "rất sáng sủa, thông minh và xuất sắc trong mọi việc ông ấy làm".

"Ông ấy có tiếng là người hiếu thắng và tham vọng", Bruce Riedel, một cựu nhân viên CIA, nói với AFP.

Cựu đại sứ Mỹ tại Saudi Arabia dưới thời tổng thống George H.W. Bush, ông Chas Freeman cho rằng các láng giềng sẽ nhìn nhận việc lập thái tử mới như quyết tâm của Saudi Arabia nhằm thống trị khu vực này.

Hình ảnh của Mohammad bin Salman, khi đó là phó thái tử, xuất hiện cùng Quốc vương Salman trong một buổi hòa nhạc ở thành phố Jeddah (Saudi Arabia) vào tháng 1 năm nay. Ảnh: AFP.

Cuộc tranh cãi Qatar

Các nhà quan sát cho rằng việc Mohammad bin Salman trở thành thái tử là chuyện sớm muộn. Vấn đề là thời điểm Quốc vương Salman chọn để xúc tiến việc này trùng với cuộc khủng hoảng ngoại giao với Qatar.

Wall Street Journal dẫn lời hai nguồn thạo tin cho biết trước đó, thái tử Mohammed bin Nayef chủ trương giải quyết các vướng mắc với Qatar thông qua đối thoại, trong khi phó thái tử Mohammad bin Salman muốn sử dụng biện pháp cứng rắn hơn với Doha. Phó thái tử chiến thắng và Saudi Arabia tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vào ngày 5/6 vừa qua.

Sau vụ bất đồng giữa thái tử và phó thái tử, Hội đồng Trung thành Saudi Arabia đã họp lại và bỏ phiếu về việc thay thế thái tử. Hội đồng Tận trung bao gồm 34 thành viên đại diện cho các nhánh của hoàng gia Saudi, đóng vai trò như một cơ quan tư vấn cho Quốc vương Salman trong việc chọn người kế vị.

Lời tham vấn của hội đồng không có giá trị bắt buộc đối với Quốc vương Saudi. Tuy nhiên, việc 31/34 thành viên hội đồng thông qua việc phế truất thái tử cũ, lập thái tử mới cho thấy sự đồng thuận trong hoàng gia Saudi về vấn đề này.

Phương Thảo

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thai-tu-saudi-arabia-tre-tuoi-va-thich-binh-phap-ton-tu-post756532.html