Thái sư Trần Thủ Độ: Bung phá rào cản, kiến tạo vương triều

Thái sư Trần Thủ Độ (1194-1264) nay đã được đặt tên đường phố ở Thủ đô Hà Nội. Thế nhưng, điều đó chưa hẳn là “định luận” với nhân vật lịch sử lừng lẫy này. Là người đảm lược, kiến tạo nên vương triều Trần, là trụ cột quốc gia trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, nhưng ông lại bị các sử gia chê trách nhiều ở khía cạnh đạo lý, nhân văn.

Lăng mộ của Thái sư Trần Thủ Độ tại huyện Hưng Hà,
tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Quốc Lê).

Cuộc chuyển ngôi ngoạn mục

Không phải đến khi Trần Thủ Độ nắm quyền Điện tiền chỉ huy sứ và thừa dịp vua Lý Huệ Tông truyền ngôi cho con gái Lý Chiêu Hoàng thì họ Trần mới ngấp nghé ngôi báu nhà Lý. Thực tế, ngay khi xảy ra biến loạn Quách Bốc đánh tận vào kinh đô Thăng Long (tháng 7/1209), hoàng gia phải chạy giặc và Thái tử Sảm phiêu dạt về làng Lưu Gia vùng Hải Ấp (Hưng Hà, Thái Bình) lấy Trần Thị Dung thì họ Trần đã ấp ủ mưu sâu. Vua Lý Cao Tông có đề phòng dòng họ Trần – một thế lực mạnh ở miền Hải Ấp bằng việc không công nhận cuộc hôn nhân của Thái tử khi chạy loạn nên chỉ sai người về nhà Điện tiền chỉ huy sứ Tô Trung Từ đón Thái tử về kinh.

Khi vua Lý Cao Tông mất, Thái tử Sảm lên ngôi (tức vua Lý Huệ Tông) đã cho đón Trần Thị Dung về triều, lập làm Nguyên phi (năm 1211). Trần Tự Khánh – anh trai Trần Thị Dung được phong chức Chương Nghĩa Hầu.

Năm 1224, vua Lý Huệ Tông mắc bệnh cuồng và truyền ngôi cho công chúa Chiêu Thánh (con gái thứ hai của Trần Thị Dung). Lúc này, thế lực binh quyền trong nước đã thuộc về tay Trần Thủ Độ (em con chú của Trần Thị Dung) khi ông được cất nhắc lên làm Điện tiền chỉ huy sứ.

Là người quyết đoán, Trần Thủ Độ từng đánh đông dẹp Bắc giữ ngai vàng cho nhà Lý. Nhưng chắc hẳn ông đã suy nghĩ rất nhiều về sự chông chênh của ngai vàng nhà Lý khi đặt toàn bộ trọng trách giang sơn vào tay một đứa trẻ mới 7 tuổi. Lúc này, tuy Trần Thừa nắm giữ chức Thái úy phụ chính nhưng thật sự Trần Thủ Độ mới là người điều khiển toàn bộ vương triều.

Trần Thủ Độ quả quyết, bạo dạn cương cường trong mọi trường hợp nhưng ông đã không tham lam cá nhân mù quáng. Ông không giành ngôi về tay mình mà cùng với sự ủng hộ ngầm của Thái hậu Trần Thị Dung, lợi dụng việc đùa giỡn trẻ con của vua Lý Chiêu Hoàng khi hắt nước vào người hầu Chánh thủ cục chi hậu Trần Cảnh (con Trần Thừa) rồi lại ném khăn vào người mà bảo: “cho đấy” mà ép vua lấy chồng rồi nhường ngôi cho chồng.

Nhà cải cách

Giành ngôi về họ Trần, được cất nhắc lên chức Thái sư, nên Trần Thủ Độ dốc lòng đánh dẹp các loạn đảng. Sau khi Đoàn Thượng ở xứ Đông (Hải Dương, Hưng Yên) và Nguyễn Nộn ở lộ Bắc Giang tan rã, Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ đã có nhiều cải cách chính trị. Trước hết là xây dựng bộ máy nhà nước trung ương tập quyền vững mạnh, thống nhất từ trung ương đến cấp cơ sở làng xã. Ông chia nước làm 12 lộ. Mỗi lộ đặt chức Chánh và Phó An phủ sứ kiêm từ việc hộ khẩu, tiền thóc, ngục tụng đều giữ hết quyền bính trong tay. Dưới quyền An phủ sứ có các chức quan Đại tư xã, Tiểu tư xã, cùng với chức xã chính, Sử giám, gọi là xã quan.

Thái sư Trần Thủ Độ lại đặt ra sổ trướng tịch để ghi chép nhân khẩu trong xã, từ quan văn, quan võ, binh lính, hoàng nam, trung lão, tàn tật, người ngụ cư… Thậm chí, khi giao việc xong rồi, ông còn về một số địa phương kiểm tra gắt gao.

Thứ hai là đề cao tư tưởng pháp trị, định ra luật lệ, quy chế hành chính. Năm Canh Dần (1230), Thái sư Trần Thủ Độ xét các lệ của triều trước, định ra quy chế hành chính, soạn thành Quốc triều thống chế gồm 20 quyển. Các tội đồ định theo thứ bậc khác nhau. Đó là bước khởi đầu cho bộ hình luật của nhà Trần được hoàn thiện do Trương Hán Siêu và Nguyễn Trung Ngạn soạn sau đó khoảng 100 năm.

Kể từ khoa thi năm Kỷ Hợi (1247), danh vị Tam khôi cũng mới được đặt ra. Lịch sử khoa cử trong suốt giai đoạn phong kiến nổi danh kể từ khoa thi này khi chọn ra những nhà khoa bảng trẻ tuổi nhất như: Trạng nguyên Nguyễn Hiền (12 tuổi), Bảng nhãn Lê Văn Hưu (17 tuổi), Thám hoa Đặng Ma La (14 tuổi).

Thái sư Trần Thủ Độ làm việc khách quan và chấp pháp nghiêm minh, không tư vị người thân kể cả từ vợ, anh ruột, họ hàng. Là người có công kiến tạo vương triều, có tài trị nước, và đến cả vua cũng ít khi dám trái ý ông, nhưng không vì thế mà Thái sư Trần Thủ Độ lộng quyền, gây bè kéo cánh. Chuyện kể: vua Thái Tông vì quý trọng ông nên cho rằng Trần An Quốc – anh ruột Trần Thủ Độ xứng đáng làm tể tướng. Thái sư Trần Thủ Độ thẳng thắn: “An Quốc là anh thần, nếu là người giỏi thì thần xin nghỉ việc. Nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử anh thần được. Nếu cả hai anh em đều giữ quyền bính cả thì việc triều đình sẽ ra sao?”. Năm 1238, khi đi duyệt định hộ khẩu, Linh Từ quốc mẫu (Trần Thị Dung – lúc này là vợ ông), có xin cho một người họ hàng được làm Câu Đương (chức dịch trong xã). Thái sư đồng ý. Khi xét duyệt đến xã ấy, ông cho gọi người họ hàng của vợ đến, bảo: “Ngươi vì có công chúa xin cho nên không thể giống như những Câu Đương khác, nên cần chặt một ngón chân để phân biệt với người khác”. Người đó kêu van xin mãi, ông mới tha. Từ đấy trở đi, không ai dám đến xin ông việc riêng nữa. Hay như chuyện vợ ông ngồi kiệu qua thềm cấm dành cho vua bị ngăn lại. Ông không vì giọt nước mắt kêu khóc làm mình làm mẩy của vợ mà hạch tội người lính, trái lại còn ban thưởng vì người lính đã làm tốt chức trách của mình…

Ba câu chuyện trên diễn ra đã cách nay ngót 800 năm mà còn đầy tính thời sự. Khi chuyện bố bổ nhiệm con, cơ quan nhiều lãnh đạo cùng họ… diễn ra ở không ít nơi, không ít nhiệm kỳ.

Thứ ba, Thái sư Trần Thủ Độ đẩy mạnh công cuộc trị thủy, làm thủy lợi và khuyến khích phát triển nông nghiệp. Đỉnh cao của việc trị thủy là vào năm Mậu Thân (1248) hạ lệnh cho các lộ đắp đê từ đầu nguồn sông Cái (sông Hồng) đến bãi biển đề phòng nước ngập, gọi là đê Quai Sanh (hay Đỉnh Nhĩ đê). Nước ta có đê kể từ đó. Ông còn cho đặt chức Hà đê chánh, phó sứ trông coi việc thủy lợi, đê điều (tương đương Tổng cục trưởng, Tổng cục phó Tổng Cục Thủy lợi bây giờ). Vấn đề sở hữu đất ruộng tư cũng được nhà Trần đặt ra. Khi cần thiết, thuế ruộng cũng được giảm.

Đầu thần chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo

Năm 1258, khi thế nước dần mạnh lên cũng là lúc quân xâm lược Nguyên Mông tràn vào. Quân đội nhà Trần liên tiếp thua trận. Trên đường bỏ kinh thành chạy về phía Nam, vua Trần Thái Tông hỏi em ruột - Thái úy Trần Nhật Hiệu về kế sách. Thái úy không nói, lấy tay chấm nước sông, viết lên mạn thuyền hai chữ “nhập Tống”, ý chỉ đầu hàng, chịu nội thuộc. Vua bèn dời thuyền đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ thì được trả lời đanh thép: “Đầu thần chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo”.

Vào lúc gian nan nhất, khi người nắm binh quyền cao nhất là Thái úy Trần Nhật Hiệu còn sợ giặc, và sau đó (1285) Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc hàng giặc thì câu nói của Thái sư Trần Thủ Độ chính là “nhất ngôn hưng bang” (một lời làm mạnh nước). Tinh thần bất khuất của Trần Thủ Độ đã được Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo nối tiếp ở trận đánh Nguyên Mông lần thứ hai năm 1285: “Xin bệ hạ hãy chém đầu thần trước rồi hãy hàng giặc”. Hoặc quyết tâm “xin đánh” của hội nghị Diên Hồng.

Phá rào đạo lý

Sử gia các đời đều đánh giá rất cao công lao của Thái sư Trần Thủ Độ nhưng về khía cạnh đạo đức, ông lại bị chê trách. Những việc như bức tử vua Lý Huệ Tông bằng câu nói “nhổ cỏ phải nhổ tận rễ”, hay tàn sát hoàng tộc họ Lý tại Hoa Lâm (Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội). Để giữ vương triều Trần, Trần Thủ Độ bất chấp những ràng buộc của đạo lý, cương thường của Nho giáo. Ông ép Vua Trần Thái Tông phế hoàng hậu Chiêu Thánh (trước là vua Lý Chiêu Hoàng), lập Thuận Thiên (chị gái Chiêu Thánh) làm hoàng hậu, trong khi Thuận Thiên là chị dâu của vua (là vợ Trần Liễu, thân phụ Trần Hưng Đạo) đang có mang. Và nữa là chuyện cùng Trần Thị Dung “đạo diễn” để vua Trần Thái Tông phế hoàng thái hậu Trần Thị Dung (sau khi vua Lý Huệ Tông băng hà) làm công chúa và gả cho chính ông.

Bung phá mọi rào cản, kể cả đạo lý, quyết làm bằng được theo ý mình để kiến tạo một vương triều. Cái sức mạnh kinh khủng đó đã làm nên diện mạo kỳ vĩ của danh nhân Trần Thủ Độ, và cũng khiến ông trở nên một nhân vật lịch sử gây tranh cãi triền miên.

Từ Khôi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/thai-su-tran-thu-do-bung-pha-rao-can-kien-tao-vuong-trieu/111702