Thái Nguyên: Tiếp tục thanh lý Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Sông Công

Sau nhiều lần tổ chức bán đấu giá không thành, mới đây tỉnh Thái Nguyên lại tiếp tục hạ giá thanh lý Nhà máy xử lý và tái chế rác thải tại xã Tân Quang, TP Sông Công

Công nghệ mới thành…đống sắt gỉ

Nhà máy Xử lý và Tái chế rác thải Sông Công, được xây dựng bằng công nghệ MBT - CD.08 do Cty TNHH Thủy lực - Máy hoàn thiện và thi công tại xã Tân Quang, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Với tổng mức đầu tư lên đến 35,2 tỷ đồng, Nhà máy Xử lý và Tái chế rác thải Sông Công nhận được nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Đan Mạch 18,45 tỷ đồng (52,4%); 5,4 tỷ đồng (15,3%) vốn góp của Cty TNHH Thủy lực - Máy và 11,35 tỷ đồng (32,3 %) vốn đối ứng từ ngân sách của địa phương.

Theo thuyết minh, đây là công nghệ xử lý và tái chế chất thải rắn sinh hoạt thành nhiên liệu dạng viên đốt và gạch không nung, không chôn lấp. Hàng loạt tính chất ưu việt nổi trội của công nghệ trên được mô tả là công nghệ xanh thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm thứ cấp, không chiếm nhiều đất, không phát tán bụi và mùi, tất cả rác thải phải được xử lý theo hướng năng lượng tái tạo. Đặc biệt, với công suất 50 tấn rác thải/ngày, Nhà máy Xử lý và Tái chế rác thải Sông Công hứa hẹn sẽ góp phần quan trọng cải thiện môi trường tại địa phương.

Tháng 5/2011, công trình được xây dựng hoàn thiện và được chủ đầu tư bàn giao cho UBND TX Sông Công (nay là TP Sông Công) quản lý.

Chỉ sau một thời gian chạy thử, nhà máy đã rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, thỉnh thoảng khởi động lại để phục vụ các đoàn khách đến tham quan rồi lại... đóng cửa. Từ đó đến nay, cả một khối lượng tài sản là dây chuyền thiết bị máy xử lý rác còn mới nguyên trị giá nhiều chục tỷ đồng nằm đắp chiếu không hoạt động. Qua nắng mưa, nhiều chỗ đã bị hoen gỉ báo hiệu sự xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, 23 công nhân tuyển thêm, được cho đi đào tạo tại Hà Nam để về vận hành hệ thống thiết bị máy móc hiện đại, thì từ đó đến nay cũng đã phải chuyển sang làm những công việc của người lao công là thu gom rác mang đi chôn lấp...

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đóng cửa (theo giải thích của Giám đốc nhà máy) là do 02 sản phẩm chính của nhà máy là viên đốt và gạch không nung từ rác thải sản xuất ra không tiêu thụ được trên thị trường. Sản phẩm làm ra cũng được nhà máy giới thiệu đến một số cơ sở, song đều bị từ chối vì viên đốt nhiệt lượng thấp, nhiều tro, sản phẩm gạch không nung có độ cứng không đạt yêu cầu. Đã có lần để "biểu diễn" cho khách tham quan, Công ty TNHH Thủy lực đã trộn thêm than vào viên đốt và cho thêm vôi vào sản phẩm gạch nhưng cũng không đạt chất lượng như quảng cáo.

Ngoài ra, dây chuyền xử lý rác của nhà máy khi đi vào vận hành công suất không đạt được như thiết kế ban đầu, máy móc thường xuyên hỏng hóc, không có phụ tùng thay thế.

Bán thanh lý cũng khó

Sau cuộc kiểm tra của Đoàn công tác của Bộ Xây dựng do Thanh tra Bộ chủ trì cùng Vụ Khoa học- Công nghệ và Môi trường, Cục Hạ tầng kỹ thuật và Báo Xây dựng hồi tháng 4/2014 những nỗ lực cuối cùng của tỉnh Thái Nguyên và Cty TNHH Thủy lực –Máy nhằm khôi phục hoạt động cho nhà máy đều bất thành.

Tỉnh Thái Nguyên cũng đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư vào để tìm giải pháp khắc phục toàn bộ hoặc một phần “đống sắt vụn” nhưng quá đắt tiền này. Nhưng, tất cả các nhà đầu tư sau khi xem xét đều “một đi không trở lại”.

Trước thực tế trên, từ năm 2015 tỉnh Thái Nguyên cũng đã nhiều lần tổ chức đấu giá tài sản tài sản nhà nước thanh lý là nhà máy xử lý và tái chế rác thải công suất 50 tấn/ngày tại xã Tân Quang, TP Sông Công với khối tài sản gồm các hạng mục tài sản là nhà và công trình xây dựng trên đất là: Tổng nhà điều hành; Tổng nhà ăn + bếp; Tổng nhà thường trực (2 nhà); Tổng nhà để xe (2 nhà); Tổng nhà vệ sinh chung; Tổng nhà tách lọc; Tổng xây dựng viên đốt công nghiệp; Tổng kho cơ khí; Tổng sân đường bê tông + cổng hàng rào; Đường bê tông, kè đá hàng rào (PS); Tổng bể chứa + cấp nước ngoài nhà + cống thoát nước; Tổng san nền; Tổng đường dây 22KV và TBA 250KVA-22/0,4KV; Cấp điện hạ thế 0,4KV + chiếu sáng; Tổng nhà bơm, mái nhà bơm; Tổng phòng điều khiển; Tổng bồn hoa cây xanh; Móng trạm cân điện tử 40T; Trụ đỡ téc nước inox; Phần cẩu trục nâng bốc rác cho dây chuyền xử lý rác; Dây truyền xử lý và tái chế rác thải và Trạm cân điện tử 40 tấn.

Vậy nhưng, khối tài sản được đầu tư xây dựng với số vốn gần 40 tỷ đồng này lien tục được hạ giá từ 20.179.126.000đ (hồi tháng 8/2015) xuống còn 18.161.213.400 đồng (tháng 11/2015) cũng không có nhà đầu tư nào quan tâm.

Mới đây, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thông báo bán đấu giá tài sản tài sản nhà nước thanh lý là nhà máy xử lý và tái chế rác thải công suất 50 tấn/ngày tại xã Tân Quang, TP Sông Công với tổng giá khởi điểm chỉ còn 12.014.000.000đ.

Nhiều người kỳ vọng với mức giá chỉ bằng 1/3 giá trị đầu tư ban đầu sẽ có thể có nhà đầu tư “ngó ngàng” đến “đống sắt vụn”. Trong khi đó dư luận trong tỉnh vẫn chưa hết hồ nghi bởi trách nhiệm của những cá nhân tập thể trong vụ việc đầu tư nhà máy đầy lãng phí này đến nay vẫn chưa được làm rõ.

Thái Nguyên Nhân

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/thai-nguyen-tiep-tuc-thanh-ly-nha-may-xu-ly-va-tai-che-rac-thai-song-cong.html