Thái Nguyên: Tăng cường bảo vệ môi trường nước hồ Núi Cốc

Trước nguy cơ ô nhiễm nguồn nước hồ Núi Cốc ngày càng cao, mới đây UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu các sở, ngành và địa phương tăng cường công tác bảo vệ nguồn tài nguyên quý này.

Nhà máy nước Tích Lương có nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 75% dân cư TP Thái Nguyên. Nguồn nước được lấy hoàn toàn từ hồ Núi Cốc.

Hồ Núi Cốc là một phần thượng lưu của lưu vực Sông Công, nằm trên địa bàn các huyện Đại Từ, Phổ Yên và TP Thái Nguyên của tỉnh Thái Nguyên. Hồ hiện đang tiếp nhận nguồn nước chủ yếu từ sông Công và một số dòng suối khác của huyện Đại Từ như: suối Mỹ Yên (xã Bình Thuận), suối Chấm (xã Lục Ba), suối Kẻn (xã Vạn Thọ).

Theo Công ty Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên, nguồn nước hồ Núi Cốc đang được khai thác sử dụng tổng hợp như cấp phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sinh thái, phát điện và phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế xã hội khác.

Xác nhận từ Công ty CP nước sạch Thái Nguyên cho hay có đến 80% nước sinh hoạt của người dân tại các đô thị lớn như TP Thái Nguyên, Sông Công và KCN Samsung đã và đang sử dụng nguồn nước từ hồ Núi Cốc.

Qua kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc và Công nghệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên) thì chất lượng nguồn nước sông, suối tại các cửa xả đổ vào hồ Núi Cốc đều bị ô nhiễm nhẹ hợp chất hữu cơ, coliform và dinh dưỡng. Chất lượng nước chưa thật sự đảm bảo cho mục đích sử dụng cấp nước sinh hoạt theo Quy chuẩn Việt Nam. Bản thân các sông, suối này trước khi đổ vào hồ đã phải tiếp nhận rất nhiều loại nguồn thải khác nhau, đặc biệt từ nguồn thải từ chính Khu du lịch hồ Núi Cốc và từ thị trấn Đại Từ với các chất ô nhiễm như hữu cơ, As, Fe, dầu mỡ, nitrit…

Qua phân tích, đánh giá của các nhà chuyên môn thì có nhiều yếu tố ảnh hưởng xấu đến nguồn nước hồ Núi Cốc. Ngoài các yếu tốt thủy văn, địa hình, môi trường sinh học, xói mòn, bồi lắng thì còn do các yếu tố tác động khác từ con người. Yếu tố trước tiên phải kể đến là các hoạt động sản xuất công nghiệp. Trên địa bàn huyện Đại Từ (khu vực thượng lưu của hồ Núi Cốc) hiện đang có gần 1.200 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó có 68 cơ sở khai thác khoáng sản cùng nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản. Phần đông các cơ sở khai thác, do công nghệ lạc hậu đã làm thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng đến môi trường nước các nhánh sông đầu nguồn. Ước tính, hàng năm, các cơ sở này thải ra lưu vực hàng nghìn mét khối nước thải cùng hàng chục triệu tấn chất thải rắn. Điển hình là các đơn vị như: Mỏ than Núi Hồng, Xí nghiệp thiếc Đại Từ, Công ty Cơ khí mỏ Việt Bắc…

Từ năm 2013 mỏ khoáng sản đa kim Núi Pháo (xã Hà Thượng, Đại Từ) chính thức đi vào hoạt động khai thác, ngày càng trở thành mối quan tâm hàng đầu gây ô nhiễm nguồn nước cho dù đến nay chưa có cơ quan chức năng nào kiểm tra đánh giá. Tuy nhiên, nhìn vào lượng hóa chất mà mỏ Núi Pháo sử dụng để khai khoáng trong một năm vượt gấp 28 lần đăng ký sử dụng theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cũng khiến không ít người giật mình.

Không những thế, qua nhiều lần kiểm tra nguồn nước thải từ dự án Núi Pháo luôn có các hàm lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép.

Cụ thể, theo Báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên: Riêng năm 2015, Công ty Núi Pháo đã sử dụng tới 94.215 tấn hóa chất, trong khi đó theo kế hoạch khai thác được phê duyệt Công ty Núi Pháo chỉ được phép sử dụng 26.438 tấn hóa chất/năm. Số loại hóa chất được Công ty Núi Pháo sử dụng tăng hơn 13 loại so với báo cáo ĐTM đã được Bộ Tài nguyên& Môi trường phê duyệt năm 2008. Các hóa chất có khối lượng sử dụng vượt quy định là Nari Hydroxit vượt 10 laanfm đồng sunfat vượt 1,3 lần và chất tạo đông tụ trong tuyển nổi- Quebracho D2 vượt 1,6 lần…

Còn theo kết quả báo cáo kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên thì tại khu vực Trạm xử lý nước thải của Công ty Núi Pháo có những hệ thống đường ống xả nước thải không qua Trạm xử lý nước thải ra môi trường, kết quả phân tích đã phát hiện hàm lượng Xianua vượt quy chuẩn 32 lần, với lưu lượng trên 10.000 m3....

Trong nước mặt suối Cát tiếp nhận nước thải của Công ty Núi Pháo đã phát hiện xianua (hóa chất để tuyển quặng) vượt giới hạn cho phép đối với nước mặt từ 30 lần - 217 lần. Từ năm 2015, tại khu vực xóm 6, xã Hà Thượng - khu xóm nằm xung quanh hồ chứa quặng đuôi có hiện tượng xuất lộ nước tự nhiên, gây úng ngập đất đai, vườn bãi của người dân. Kết quả phân tích nước xuất lộ trong khu đất nhà dân có hàm lượng sắt, mangan cao vượt tiêu chuẩn cho phép 2-5 lần.

Trong khi đó, trong một tài liệu đóng góp ý kiến cho quy hoạch chung TP Thái Nguyên đầu năm 2013 các nhà chuyên môn đã cảnh báo: “khi khai thác mỏ Núi Pháo này, nếu không có biện pháp xử lý nước thải thật tốt thì hồ Núi Cốc chính là vật được tế thần của nó”.

Nước tại Hồ Khe Vối (xã Hà Thượng, Đại Từ) được xác định bị ô nhiễm nặng nề do khai thác khoáng sản của Dự án Núi Pháo.

Nhận thức rõ mối nguy hại nói trên, ngày 14/3/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Văn bản số 890/UBND-CNN gửi các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công Thương, Công an tỉnh và các địa phương gồm huyện Đại Từ, huyện Định Hóa, thành phố Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên yêu cầu bảo vệ, khai thác hợp lý tài nguyên, bảo đảm an toàn, chất lượng môi trường nước của hồ Núi Cốc.

Văn bản của UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Hồ Núi Cốc có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thái Nguyên, với nhiệm vụ: cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, cấp nước cho hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, giảm nhẹ lũ cho hạ lưu sông Công.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan kiểm tra, rà soát, thống kê toàn bộ các nguồn thải phát sinh trong khu vực và phía thượng lưu hồ Núi Cốc có tác động, ảnh hưởng gây ô nhiễm nguồn nước hồ; xây dựng ngay kế hoạch, biện pháp kiểm soát, giám sát nghiêm ngặt việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở phát sinh nguồn thải.

Đồng thời hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh (nhà hàng, khách sạn, trang trại chăn nuôi, khai thác và chế biến khoáng sản,...) thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, không được phép xả nước thải chưa xử lý đạt quy chuẩn ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước hồ, lưu vực hồ Núi Cốc; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của các cơ sở trong công tác bảo vệ môi trường.

Chủ tịch UBND: huyện Đại Từ, huyện Định Hóa, thành phố Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ sở trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn các hành vi xả thải gây ô nhiễm nguồn nước hồ, lưu vực hồ Núi Cốc.

Ngoài ra, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng giao Công an tỉnh thường xuyên theo dõi, nắm bắt địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi xả thải, đổ thải không đúng quy định, gây ô nhiễm nguồn nước hồ, lưu vực hồ Núi Cốc đảm bảo phát triển du lịch gắn liền với bảo vệ, khai thác hợp lý tài nguyên, bảo đảm an toàn, chất lượng môi trường nước của hồ Núi Cốc; phù hợp với điều kiện môi trường sinh thái và lợi ích của các bên liên quan.

Thái Nguyên Nhân

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/thai-nguyen-tang-cuong-bao-ve-moi-truong-nuoc-ho-nui-coc.html