Thái Nguyên: Hàng chục hộ dân sống phấp phỏng dưới đường điện cao thế

Dự án đường dây tải điện 220kV Tuyên Quang - Thái Nguyên đã đi vào hoạt động hơn 10 năm nay. Nhưng cũng từng đó thời gian, nhiều hộ dân sinh sống tại huyện Đại Từ (Thái Nguyên) phải trải qua biết bao sợ hãi bởi hiện tượng nhiễm điện tại khu vực này.

Gần chục năm qua, nhiều hộ dân luôn sống trong cảnh sợ hãi dưới đường điện cao thế tại Đại Từ, Thái Nguyên. Ảnh: Q.Anh

Gần chục năm qua, nhiều hộ dân luôn sống trong cảnh sợ hãi dưới đường điện cao thế tại Đại Từ, Thái Nguyên. Ảnh: Q.Anh

Rất nhiều vụ tai nạn được người dân địa phương dẫn chứng ra cho chúng tôi. Đó là trường hợp của cháu Dương Công Sơn (10 tuổi, trú tại xóm Đồng Trăn, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ) vào năm 2011. Khi đó, cháu Sơn đang ngồi trong nhà bị sét đánh trúng đường dây 220KV, phóng điện vào người khiến toàn bộ cơ thể bỏng nặng. Gần đây nhất là câu chuyện của con trai chị Phạm Thị Sen (trú tại xã Phúc Trìu, Đại Từ) cũng bị điện phóng vào người khi đang ngồi ao chè dưới bếp.

Không chỉ bị tổn hại về sức khỏe, mà việc trồng trọt, chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Vân (ở xóm Bình Sơn, xã Bình Thuận, huyện Đại Từ) cho biết: “Sống trong khu vực này chúng tôi chẳng dám nuôi trồng thứ gì. Nuôi con vật gì cũng chết sớm hoặc có chăng khi chúng sinh sản cũng bị đẻ non, dị tật. Thậm chí, cây chè là cây chủ lực cũng trồng không còn hiệu quả, những công cụ lao động bằng kim loại đều không dám sử dụng vì sợ nhiễm điện”.

Một số hộ dân có nhà quá gần đường điện nên phải bỏ đi nơi khác thuê trọ hoặc phải dọn xuống chuồng trâu, bếp để đảm bảo an toàn. Như trường hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Bình và bà Nguyễn Thị Tiến (trú tại xóm Phú Thịnh, xã Hùng Cường, huyện Đại Từ). Nằm ngay dưới đường điện cao áp, ông Bình buộc phải dời ngôi nhà, dọn xuống chuồng trâu, rộng chừng 10m2 để sống tạm.

Ở một khía cạnh khác, nhiều người dân đang sinh sống dưới đường điện cho rằng, việc đền bù vẫn chưa thỏa đáng. Bà Vân chia sẻ: “Tự nhiên chúng tôi thành vô gia cư. Nhà tôi ở mặt đường lớn, thuận lợi kinh doanh buôn bán. Khi đường điện đi qua, hai thửa đất thổ cư của gia đình gần như để không. Chính quyền địa phương không thỏa thuận với gia đình tôi, không cấp đổi sổ đỏ đất thổ cư mà chỉ nói muốn cấp thì chỉ cấp thành đất nông nghiệp”.

Liên quan tới vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Cừ, Chánh văn phòng UBND huyện Đại Từ cho biết: “Thực tế trong quá trình thi công, chính quyền cũng có một số sai sót, như thống kê kiểm đếm thiếu. Cái này liên quan đến cơ chế chính sách, trong thẩm quyền của chúng tôi khó có thể khắc phục được. Chính quyền không thu hồi vĩnh viễn đất của người dân, có chăng chỉ là phần móng chân cột, tuy nhiên móng đó là không nhiều, trung bình mỗi móng chân chỉ mất khoảng 9-10m2. Đất của bà con, những khu vực vào hành lang an toàn điện sẽ được chuyển đổi từ đất thổ cư sang đất nông nghiệp, để đảm bảo cây trồng, xây dựng nhà cửa không cao vượt mức cho phép, vi phạm đến an toàn. Khi chuyển đổi thành đất nông nghiệp đã có hỗ trợ cho nhân dân. Còn những phần chưa chuyển đổi sẽ bị hạn chế công trình và khi ấy ngành điện sẽ có hỗ trợ. Chúng tôi cũng rất ủng hộ cách đề nghị của người dân. Nhưng cơ chế của mình chưa cho phép, chưa có hướng xử lý nào”.

Cũng theo ông Cừ, đây là một trong những dự án trọng điểm của nhà nước. Mà đã gọi là dự án trọng điểm của nhà nước thì cơ chế áp vào giá chứ thực chất không có sự thỏa thuận. Nếu có chỉ là cách thức thỏa thuận về giải phóng mặt bằng chứ không phải thỏa thuận về giá. Ông Cừ nói: “Chính quyền địa phương cũng hiểu những bức xúc của người dân. Chúng tôi có trực tiếp gặp, nếu bà con có bức xúc thì cứ làm đơn gửi lên cấp cao hơn để chờ hướng xử lý”.

Q.Anh – X.Thắng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/thai-nguyen-hang-chuc-ho-dan-song-phap-phong-duoi-duong-dien-cao-the-2016110710411765.htm