Thái Lan xem xét lại toàn bộ chính sách sản xuất và phân phối đường

Cục Mía đường Thái Lan (OCSB) cho biết quốc gia Đông Nam Á này sẽ xem xét lại toàn bộ hệ thống sản xuất và phân phối đường mía lần đầu tiên trong vòng 3 thập niên qua.

Thái Lan xem xét lại toàn bộ chính sách sản xuất và phân phối đường. Ảnh minh họa: reuters

Quyết định trên được Thái Lan, nhà sản xuất đường lớn thứ hai trên thế giới sau Brazil, đưa ra sau những cáo buộc của Brazil tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho rằng Thái Lan "hỗ trợ" các nhà sản xuất đường khiến giá đường toàn cầu sụt giảm, gián tiếp tăng thị phần mặt hàng đường của nước này trên quốc tế.

Theo Cục Mía đường Thái Lan, nước này sẽ tiến hành thay đổi hệ thống chia sẻ lợi nhuận 70:30, đã được áp dụng từ năm 1984, bằng việc hủy bỏ hệ thống hạn ngạch và thả nổi giá đường nội địa.

Tổng thư ký OCSB, ông Somsak Jantararoungtong cho biết cơ quan này đã hoàn thiện kế hoạch và sẽ trình Nội các để thông qua trong một vài tuần tới.

Hệ thống chia sẻ lợi nhuận 70:30 giữa nhà sản xuất đường và trồng mía thực chất là hình thức hỗ trợ tài chính từ Quỹ mía đường đối với các nhà trồng mía.

Quỹ Mía đường được trích một phần từ doanh thu từ mặt hàng đường hàng năm.

Trong trường hợp thiếu hụt ngân sách, các khoản vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp sẽ được bổ sung.

Kế hoạch của Thái Lan nhằm thay đổi hệ thống 3 hạn ngạch đường để hạn chế tình trạng thiếu hụt đường. Hạn ngạch A sẽ dự trữ khoảng 2,2-2,5 triệu tấn đường phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Hạn ngạch B đối với xuất khẩu đường của nhà nước. Hạn ngạch C, thiết lập khối lượng đường sẽ được xuất khẩu bởi các nhà sản xuất đường tư nhân.

Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan cũng sẽ áp dụng chính sách thả nổi giá bán lẻ tại thị trường nội địa.

Để kiểm soát giá thực phẩm và tỉ lệ lạm phát, Chính phủ sẽ duy trì giá trần đối với đường, với giá bán lẻ cố định ở mức 23,50 Bạt/kg (tương đương khoảng 0,6 USD). Việc áp dụng mức giá trần chỉ được thực hiện khi tình trạng khan hiếm đường diễn ra.

Với diễn biến chung của toàn khu vực, giá đường toàn cầu, sau khi chạm đáy, được kỳ vọng sẽ tăng trong những năm tới.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, dự báo tiêu dùng đường trong năm 2016/17 sẽ đạt mức kỷ lục 174 triệu tấn dựa trên khối lượng sản xuất 169 triệu tấn./.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/thai-lan-xem-xet-lai-toan-bo-chinh-sach-san-xuat-va-phan-phoi-duong/24437.html