Thái Bình: Thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa

- Những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa ở Thái Bình được đặc biệt quan tâm, đến nay đã có 98% gia đình chính sách đạt được mục tiêu có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú. 280/286 xã, phường, thị trấn trong tỉnh được UBND tỉnh công nhận là đơn vị làm tốt công tác thương binh-liệt sĩ.

Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Thái Bình là một trong những tỉnh đóng góp nhiều sức người, sức của. Nhân dân Thái Bình đã tiễn đưa hơn 40 vạn lượt người con tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Ngoài ra, còn đóng góp trên 100 triệu ngày công và trên 1,5 triệu tấn lương thực, thực phẩm cho cách mạng. Kháng chiến thắng lợi, Thái Bình có 95 tập thể và 74 cá nhân được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT, Anh hùng lao động; 2.178 bà mẹ liệt sĩ được tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; 23 vạn người được thưởng Huân, Huy chương kháng chiến. Toàn tỉnh có 51.144 liệt sĩ, gần 32.500 thương, bệnh binh các loại; 28 ngàn người là nạn nhân chất độc da cam/đioxin; gần 6.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày. Tỉnh Thái Bình hiện cũng đang quản lý 89 nghĩa trang liệt sĩ với gần 14 nghìn mộ liệt sĩ và 107 nhà bia, đài tưởng niệm liệt sĩ. Đồng chí Đặng Khiêu - Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình cho biết: Đến nay, các “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời và hỗ trợ thêm hàng tháng từ 100.000đ trở lên. Ngành Lao động- Thương binh và Xã hội Thái Bình đã xác nhận gần 1.500 liệt sĩ, 5.250 thương binh, 5.898 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 106 người hoạt động tiền khởi nghĩa. 19.214 người hoạt động kháng chiến chống Mỹ và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đã từng bước được giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng. Gần 9.300 người là thanh niên xung phong được hưởng chế độ trợ cấp, trong đó trợ cấp một lần là 7.599 người với số tiền là 11,4 tỷ đồng, trợ cấp hàng tháng là 1.700 người… Các chế độ điều dưỡng, điều trị đối với thương, bệnh binh và người có công được thực hiện chu đáo. Hàng năm, có trên 2.500 trường hợp được an dưỡng, điều dưỡng tập trung. Phong trào Đền ơn đáp nghĩa được duy trì và phát triển. Từ năm 1999 đến nay, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh đã nhận được trên 32 tỷ đồng của các đơn vị, cá nhân đóng góp. Nguồn quỹ này đã hỗ trợ rất đắc lực cho việc xóa nhà ở tạm bợ, dột nát và tu sửa, nâng cấp các nhà bị hư hỏng của các gia đình chính sách. Tỉnh đã xây mới và tu sửa được 12.617 nhà, trong đó có 2.917 nhà tình nghĩa với số tiền trên 23,7 tỷ đồng và tu sửa, nâng cấp 9.700 nhà với tổng kinh phí trên 29,7 tỷ đồng. Công tác quy tập mộ liệt sĩ, đón hài cốt liệt sĩ ở tỉnh ngoài về địa phương, tu sửa, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ và xây dựng nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ được thực hiện tốt. Hầu hết các mộ liệt sĩ đã được xây dựng bằng nguyên vật liệu bền, đẹp. Đối với các hài cốt liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế mới được phát hiện cũng được tỉnh quan tâm đón về. Thời gian qua, đã tổ chức đón 11 hài cốt hy sinh tại Campuchia và Cộng hòa DCND Lào về địa phương. Chủ trương đón nhận thương, bệnh binh nặng về điều dưỡng tại gia đình được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đã có 1.350 bệnh binh nặng được đưa về gia đình chăm sóc, chiếm 93,5% số thương binh nặng. Anh em được quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa và phát triển kinh tế gia đình nên đều có sức khỏe ổn định, đời sống khá, gia đình hạnh phúc. Số thương binh nặng còn lại chưa có điều kiện về an dưỡng tại gia đình được chăm sóc tận tình, chu đáo tại 2 đơn vị trực thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh nên sức khỏe ổn định, bệnh tật ít tái phát. Để động viên các đối tượng người có công trong toàn tỉnh, hàng năm vào các dịp lễ, Tết và ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, tỉnh Thái Bình trích ngân sách 10 tỷ đồng để mua quà thăm hỏi các đối tượng. Các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và tổ chức xã hội cũng trích kinh phí của đơn vị để thăm hỏi thêm các đối tượng người có công trong tỉnh. Đồng chí Đặng Khiêu, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình khẳng định: Cùng với chế độ đãi ngộ của Nhà nước, phong trào đền ơn đáp nghĩa ở Thái Bình đã góp phần quan trọng trong việc chăm sóc, giúp đỡ các gia đình đối tượng chính sách, tạo điều kiện cho nhiều gia đình vươn lên. Đến nay, toàn tỉnh đã có 98% gia đình chính sách có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú, trong đó có nhiều gia đình có mức sống khá. Không ít các đồng chí thương bệnh binh nặng và thân nhân liệt sĩ trở thành chủ doanh nghiệp có mức sống cao. 280/286 xã, phường, thị trấn trong tỉnh được UBND tỉnh công nhận là đơn vị làm tốt công tác thương binh-liệt sĩ. Đời sống các gia đình chính sách ổn định và từng bước cải thiện đã góp phần giữ vững ổn định về chính trị- xã hội cho các địa phương trong tỉnh. Đó cũng là thành quả của một đạo lý nhân văn của dân tộc Việt Nam “ Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người con đã không tiếc máu xương để đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=417177&co_id=30179