Thách thức cho ICC

Thanh Văn

(Cadn.com.vn) - Ba quốc gia Châu Phi gồm Burundi, Gambia và đặc biệt là Nam Phi đã tuyên bố chuẩn bị rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Động thái này, không chỉ gây thất vọng, mà còn được cho là có thể khiến con đường đi tìm công lý càng gập ghềnh.

ICC, mới được thành lập vào năm 2002, để truy tố thủ phạm tội diệt chủng và các tội ác đại chúng khác. Tuy nhiên, ICC không mấy được tín nhiệm, nhất là tại các quốc gia Châu Phi. Nhiều quốc gia ở lục địa đen cho rằng, tòa án này chủ yếu chống lại người Châu Phi. Nhiều nhà lãnh đạo các nước Châu Phi hoặc bực bội về sự thiên vị này hoặc nhiều khả năng sợ sẽ trở thành người tiếp theo bị ICC truy tố.

Quyết định rút khỏi ICC của Nam Phi là hệ quả của những tranh cãi gay gắt và kéo dài giữa quốc gia này với ICC liên quan đến việc bắt giữ Tổng thống Sudan Omar al-Bashir – nhân vật đang bị ICC truy nã với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, chống lại loài người và tội diệt chủng – khi ông này đến quốc gia này hồi tháng 6-2015. Theo “Quy chế Rome”, Nam Phi phải có nghĩa vụ bắt giữ bất cứ ai theo lệnh bắt của ICC, song nước này đã không thực hiện. Với Burundi, việc rút khỏi ICC diễn ra sau khi LHQ tuyên bố mở cuộc điều tra các cáo buộc lạm dụng nhân quyền tại quốc gia này. Trong khi đó, Gambia muốn ra khỏi ICC vì cho rằng, tòa án này chỉ tìm cách truy tố các công dân Châu Phi.

ICC thật sự đang lo ngại trước những động thái này, đồng thời kêu gọi các nước thành viên tìm kiếm sự đồng thuận với các quốc gia Châu Phi muốn rút khỏi tòa án này. Tổ chức vì Công lý và Trách nhiệm Châu Phi (AGJA) hôm 28-10 cũng kêu gọi 3 quốc gia trên ở lại ICC. Trên thực tế, nếu có nhiều quốc gia rút khỏi ICC, sứ mệnh mang lại công lý cho các nạn nhân bạo lực, diệt chủng có thể sẽ bị chậm lại.

ICC cho đến hiện nay có 124 thành viên, và vẫn là thử nghiệm mới trong việc đi tìm công lý trên toàn thế giới. ICC ra đời với mục tiêu “diệt tận gốc” các tội ác diệt chủng. Người sáng lập ICC, Tổng thư ký LHQ lúc bấy giờ Kofi Annan, một người Châu Phi, từng mô tả ICC là “bước tiến dài trong cuộc diễu hành hướng đến quyền con người và các quy tắc của pháp luật”. Rõ ràng, việc một số quốc gia rút khỏi ICC không thể hoàn toàn giết chết mục tiêu này. Nhưng một mục đích công lý cao quý như vậy, một khi thả lỏng, rất khó đi đến thành công.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_156855_tha-ch-thu-c-cho-icc.aspx