Thách thức chính trị đang giăng mắc chờ tân Tổng thống Mỹ

Việc cực kỳ quan trọng cho bất cứ ai trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ chính là cơ hội thay thế các thẩm phán Tòa án Tối cao và cả các thẩm phán của 13 tòa phúc thẩm liên bang, 77 thẩm phán tòa sơ thẩm liên bang.

Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, ngoài một loạt vụ bê bối cá nhân và chính trị, ông Donald Trump và bà Hillary Clinton đang cạnh tranh nhau để chứng tỏ ai là người có năng lực nhất để điều hành nền kinh tế, an ninh quốc gia và giải quyết tình trạng suy giảm sự thịnh vượng của tầng lớp trung lưu.

Nhưng việc chỉ định các chức danh cho Tòa án Tối cao và các quyết định sau đó của tòa này sẽ quyết định các chính sách của tổng thống mới, nhậm chức vào tháng 1/2017, sẽ theo đuổi có thành công hay không và sẽ thay đổi nước Mỹ trong thế hệ mới như thế nào. Các thẩm phán Tòa án Tối cao được chỉ định đến hết đời và chưa ai bị sa thải khỏi vị trí này.

Bối cảnh

Tòa án Tối cao vốn là một trọng tài không thiên vị và có nhiệm vụ diễn giải hiến pháp để xác định liệu các điều luật hoặc hành động của chính phủ có vi hiến hay không.

Nếu chúng vi hiến, chính phủ phải vô hiệu hóa hoặc sửa đổi chúng. Tuy nhiên, một số thẩm phán đã biến tòa án này thành một cơ quan ra các quyết định vốn thực sự thuộc thẩm quyền của các thành viên Quốc hội dân bầu – dựa vào “chủ nghĩa tích cực tư pháp”.

Ảnh: Washington Post

Ví dụ năm ngoái, Tòa án Tối cao đã trao quyền cho các cặp đồng giới kết hôn hợp pháp.

Một số thẩm phán Tòa án Tối cao đã bắt đầu trượt khỏi nhiệm vụ thuần túy diễn giải hiến pháp dựa trên việc thực hiện mục đích của các nhà lập nước cách đây 200 năm – triết lý về chủ nghĩa nguồn gốc - sang việc diễn giải hiến pháp có tính đến cảm xúc, mong muốn của nhóm luật sư, công luận và chính giới để ảnh hưởng đến các quyết định pháp lý.

Ví dụ, Tòa án Tối cao đã tạo ra một loại quyền đặc biệt theo các luật phân biệt giới tính cho những người đồng tính. Tòa án Tối cao nghe các lập luận về tính hợp hiến của các đạo luật địa phương trong đó đề nghị người đồng tính sử dụng phòng vệ sinh không theo giới tính mà theo “đặc điểm nhận dạng”.

Cả ông Trump và bà Clinton đã bỏ quên chủ nghĩa nguồn gốc, biến Tòa án Tối cao thành một “cánh tay nối dài” cho các mong muốn của đảng cầm quyền. Ví dụ bà Clinton đã nhiều lần tuyên bố rằng bà sẽ làm cho Tòa này “đại diện cho những người như các bạn”, ý muốn nói những người ủng hộ bà. Một số thẩm phán lập tức bày tỏ đồng ý với học thuyết này.

Bằng cách quên đi chủ nghĩa nguồn gốc, bất cứ đảng phái chính trị nào, nhóm vô thần hay nhóm luật sư nào có đủ quyền lực đều có thể sử dụng Tòa án Tối cao để vượt mặt Quốc hội dù họ không đại diện cho một đa số. Tòa án Tối cao đang ngày càng trở thành một sự thay thế cho Quốc hội. Cần phải nói rằng các tòa án luôn có động cơ chính trị. Nhưng gần đây, họ đã thể hiện điều này một cách lộ liễu.

Trước đây, Phó Tổng thống Joe Biden và thượng nghị sĩ lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Harry Reid cho rằng đảng Dân chủ từ chối công nhận các ứng cử viên mà đảng Cộng hòa đề cử vào tòa án là vì lý do chính trị, và vì vậy họ không đồng ý với người Dân chủ.

Ngay cả các thẩm phán cũng bắt đầu khác với trước và chính trị hóa một cách công khai. Thẩm phán Ruth Bader Ginsberg chẳng hạn, gần đây phát biểu rằng không nên bầu ông Trump làm tổng thống.

Hai điểm này hiện nay thể hiện như thế nào?

Tổng thống Barack Obama đã cho thấy những thất bại trước Quốc hội. Bằng chứng là cơ quan này thường xuyên không thông qua các dự luật của ông vì sự thỏa hiệp giữa phe Dân chủ và Công hòa và các phe phái khác ngày càng hạn chế thậm chí không thể đi đến thỏa hiệp.

Đáp lại rào cản này, Tổng thống Obama đã ban hành “các sắc lệnh hành pháp” chỉ thị chính quyền của mình theo đuổi các chính sách của ông ngay cả khi Quốc hội không (hoặc sẽ không) thông qua.

Trong một số trường hợp, ông Obama đã chỉ thị chính phủ bỏ qua các đạo luật hiện hành. Chính quyền phải thực các mệnh lệnh này cho tới khi bị các tòa án chặn lại. Nhiều thành phố ở Mỹ, do phe Dân chủ lãnh đạo, đã chọn cách không thực thi các đạo luật nhập cư bất hợp pháp, và chính quyền Obama đã không có hành động nào chống lại họ.

Những người, kể cả các thành viên Quốc hội và các quan chức địa phương và cấp bang, tin rằng các hành động của ông hay việc ông không hành động gì là vi hiến chỉ có thể ngăn ông bằng cách kiện chính quyền của ông lên các tòa án liên bang và cuối cùng là lên Tòa án Tối cao. Vào một thời điểm năm 2014, các tòa đã ra phán quyết 12 đạo luật hành pháp của ông Obama là vi hiến và buộc ông rút lại các văn bản này.

Cần phải khẳng định rằng ai trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ sẽ đều có cơ hội không chỉ thay thế các thẩm phán Tòa án Tối cao mà cả các thẩm phán của 13 tòa phúc thẩm liên bang, 77 thẩm phán tòa sơ thẩm liên bang. Điều này rất quan trọng vì các tòa án này có thể quyết định tính hợp hiến của các vấn đề trước khi chúng được chuyển lên Tòa án Tối cao.

Như vậy, nếu Tòa án Tối cao chuyển từ quan điểm bảo thủ về hiến pháp sang triết lý mang tính nguồn gốc, thì bà Clinton nếu đắc cử sẽ nhiều khả năng được Tòa hợp hiến hóa các mệnh lệnh của mình.

Nếu phe Dân chủ có thể giành chiếc ghế tổng thống cũng như Quốc hội và Tòa án Tối cao, thì nước Mỹ trên thực tế sẽ là một hệ thống “độc đảng”, có thể trong nhiều thập kỷ.

Còn tiếp

GS TS. Terry F. Buss (Học viện Hành chính quốc gia Mỹ viết riêng cho Tuần Việt Nam)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/bau-cu-my-nuo-c-my-tren-thu-c-te-se-la-mo-t-he-tho-ng-do-c-da-ng-338265.html