Thạc sĩ, kỹ sư về làng làm bún

Gia đình nhiều đời làm nghề bún tại Linh Chiểu, Triệu Sơn, H. Triệu Phong, Quảng Trị, họ được cha mẹ không ngại vất vả lo cho đi học đến nơi đến chốn, những mong tương lai các con sẽ rạng danh hơn...

Gia đình nhiều đời làm nghề bún tại Linh Chiểu, Triệu Sơn, H. Triệu Phong, Quảng Trị, họ được cha mẹ không ngại vất vả lo cho đi học đến nơi đến chốn, những mong tương lai các con sẽ rạng danh hơn... Đột ngột, 3 chàng kỹ sư, thạc sĩ kinh tế, kế toán ấy tuyên bố bỏ việc, về... làm bún, khiến cả làng choáng váng. Thế nhưng, họ đã có câu trả lời với gia đình rằng, kiến thức đã học không hề lãng phí, trái lại còn bổ trợ khá đắc lực để họ lập nên thương hiệu bún sạch Vạn Linh.

“Lĩnh vực nghề truyền thống đầy hấp dẫn, về làng khởi nghiệp đáng lắm chứ”, Vinh tự tin vào con đường đã chọn.

“Lĩnh vực nghề truyền thống đầy hấp dẫn, về làng khởi nghiệp đáng lắm chứ”, Vinh tự tin vào con đường đã chọn.

Tin các thanh niên trút áo về làng khởi nghiệp làm bún chấn động lan ra cả làng Linh Chiểu. “Nhà thằng Cảnh, thằng Ánh mấy đời làm bún, thôi thì ít nhiều có kinh nghiệm, chứ thằng Vinh có biết chi mô, mà dù răng cho ăn học đàng hoàng, cứ đúng ngành nghề mà tìm việc, về làm bún nặng nhọc, bán buôn cực khổ để làm chi chứ?”, người làng cứ xôn xao. Họ nghĩ cũng có lý, bởi 3 chàng trai của làng không phải “vô công rỗi nghề”, lại chữ nghĩa, bằng cấp đầy mình. Nguyễn Hữu Vinh (1990, tốt nghiệp chuyên ngành Xây dựng trường Đại học GTVT, học tại cơ sở 2 TPHCM). Từ khi đang là sinh viên, Vinh cùng nhóm bạn đã từng lập công ty về thiết kế, đồ họa và hoạt động hiệu quả. Đến khi tốt nghiệp năm 2013, Vinh tiếp tục gắn bó với Cty.

Tuy nhiên, gia đình gặp biến cố, cần Vinh về trụ cột, gánh vác lo toan nên cậu quyết định bỏ ngang công việc đang tiến triển tốt tại TPHCM. “Đó là một quyết định không phải dễ dàng, cũng trăn trở nhiều lắm”, Vinh nhớ lại. Hồi mới về làng, nhìn người bạn Nguyễn Đăng Tôn Cảnh học xong thạc sĩ Quản trị kinh tế ( ĐH Kinh tế Huế), đang làm kỹ sư Cty Xi măng tại tỉnh. Đứa em hàng xóm học lớp dưới thời phổ thông là Nguyễn Phước Ánh tốt nghiệp CĐ Kinh tế kế hoạch Đà Nẵng cũng đã tìm được việc tại TP Đông Hà, Vinh có chút chạnh lòng. Thế nhưng, khi cùng nhau trò chuyện, cả 3 lại chung khát vọng, hướng về làng nghề làm bún Linh Chiểu. Làm thế nào để đưa sản phẩm bún làng nghề quê mình vươn rộng ra thị trường trong và ngoài tỉnh? Hay ta làm bún khô? Một ý kiến đưa ra. “Cũng hay nhưng cần vốn lớn, với lại bún tươi của làng mình đã nổi tiếng rồi, tại sao ta không bắt đầu từ đây, sáng tạo, đột phá và chuyên nghiệp hơn?”, lại thêm một ý kiến nữa...

Cơ sở bún sạch Vạn Linh hứa hẹn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều người.

Cuộc họp bàn bên hồ sen của làng đương mùa nở rộ của 3 chàng thanh niên cũng tạo cơ duyên để đặt tên thương hiệu là Vạn Linh. “Linh gắn với tên gọi làng Linh Chiểu, còn chữ Vạn thì bất ngờ hơn. Đương mùa sen nở, hương thơm tỏa ngát, nên chúng em liên tưởng đến Phật giáo và từ Vạn bật ra”, Vinh chia sẻ. Để toàn tâm thể hiện quyết tâm này, Cảnh và Ánh bỏ hẳn việc, xách ba lô về làng cùng Vinh bắt tay thực hiện kế hoạch với chiến lược bài bản, khoa học. Ban đầu, người làng có phần ngỡ ngàng nhưng dần dà, họ cảm nhận được sự nghiêm túc và khát vọng thực sự của 3 chàng trai này. “Nhìn thư sinh rứa ai cũng ngại nhưng đúng là bản lĩnh lắm, không ngại học hỏi kinh nghiệm, với lại, những kiến thức đã học giúp ích cho các cậu ấy rất nhiều, táo bạo trước cách làm mới, lần đầu tiên có tại Quảng Trị”, anh Nguyễn Hữu Hải, thôn Linh Chiểu chia sẻ đầy tin tưởng.

Bún sạch Vạn Linh được đóng gói, có hạn sử dụng 2 ngày, chất lượng đảm bảo các yêu cầu: không chất bảo quản, tẩy trắng, hàn the. Nếu như Vinh chuyên về quảng bá, giới thiệu thì Cảnh và Ánh đảm trách các khâu sản xuất, đóng gói. Nhưng khi đưa ra thị trường, cả 3 đều vào cuộc. Hiện xưởng bún Vạn Linh cho ra lò khoảng 1 tấn/1 ngày. Sau khi đóng gói bằng máy chân không công suất lớn, 3 chàng trai đều trực tiếp chở bún đến các điểm tiêu thụ. “Thời gian đầu, người tiêu dùng vẫn còn lạ lẫm với sản phẩm đóng gói, thua lỗ xảy ra nhưng chúng em đã lường trước nên kiên trì, động viên nhau. Ngoài ra, nhóm còn thiết lập “đường dây nóng” và điểm bán hàng lẻ tại TP Đông Hà, phục vụ cho khách hàng một cách thuận lợi nhất, đến thời điểm này cơ bản bún sạch Vạn Linh đã được nhiều người biết đến, tin dùng, nhất là các nhà hàng, quán ăn”, các chàng trai phấn khởi chia sẻ.

Bún Vạn Linh được nhiều người đón nhận.

Với giá 1kg 10 ngàn đồng, chỉ cao hơn bún tại các chợ 1 ngàn đồng nhưng chi phí đầu tư nhiều hơn, đảm bảo chất lượng đúng tiêu chí đăng ký thì dễ dàng, các ông chủ trẻ Vạn Linh chưa lãi nhiều. Hẳn nhiên mục tiêu của họ vẫn còn dài phía trước. “Hiện chúng em thuê thêm 6 lao động. Kế hoạch đầu tư quy mô nhà xưởng cũng đang được triển khai. Sắp tới, chúng em sẽ mở rộng thị trường tại Huế và sẽ đưa bún sạch Vạn Linh đến với người tiêu dùng Đà Nẵng. Chắc chắn, tương lai gần tới sẽ có thêm sản phẩm bún khô Vạn Linh”, Vinh cho biết dự định của cả nhóm.

Tại Hội chợ thương mại do H. Triệu Phong tổ chức từ 22 đến 28-3-2017, thương hiệu bún sạch Vạn Linh cũng đã có mặt trong gian hàng ẩm thực và được đông đảo bà con đón nhận. Sau gần 1 năm đi vào hoạt động, nhóm bạn của Vinh đã khẳng định họ đã đi đúng hướng, không ít người từ e ngại nay đã tỏ rõ sự khâm phục. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng, khát vọng của Cảnh, Vinh và Ánh sẽ là động lực, lan tỏa mở lối khởi nghiệp, lập thân cho nhiều bạn trẻ khác. “Lĩnh vực nghề truyền thống đầy hấp dẫn, về làng khởi nghiệp đáng lắm chứ?”, Vinh nói như mời gọi.

Bài, ảnh: Bảo Hà

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_163703_thac-si-ky-su-ve-lang-lam-bun.aspx