Tết xa xứ của những cánh chim 'đi mây về gió'

Với đặc thù công việc “đi mây, về gió”, thời gian các tiếp viên hàng không hay phi công trong ngành ở dưới mặt đất cũng rất hiếm hoi, bởi thế việc không về ăn Tết với gia đình là điều dễ hiểu.

Năm hết Tết đến, mọi người háo hức chuẩn bị cho một năm mới sắp đến. Hầu hết những ngành nghề được hưởng 7-10 ngày nghỉ trong năm, không ít những con người được mệnh danh là luôn "đi mây về gió" trong ngành hàng không vẫn phải miệt mài làm việc trên bầu trời.

Bất kể dịp lễ, Tết, phi công luôn phải làm việc ngày đêm trên bầu trời (Ảnh: NVCC).

Tết nơi đất khách

Nhiều năm trở lại đây, tiếp viên hàng không được xếp là một trong những ngành nghề “hot” bởi đặc thù công việc được cho là nhẹ nhàng, tự do và lương cao. Không ít những cô gái trẻ, chàng trai đều mơ ước được khoác lên mình bộ đồng phục của các hãng hàng không nổi tiếng và đặt chân đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, đó chỉ là hình ảnh hào nhoáng bên ngoài của các “nam thanh, nữ tú” này, không phải ai cũng biết được rằng những công việc gắn với ngành hàng không vốn luôn vất vả và đầy cám dỗ.

Với đặc thù công việc “đi mây, về gió”, thời gian các tiếp viên hàng không hay phi công trong ngành ở dưới mặt đất cũng rất hiếm hoi. Do vậy, việc họ không có nhiều khoảnh khắc dành cho gia đình hay được thưởng thức những giờ phút sum họp ngày lễ Tết cũng là điều dễ hiểu.

Những bữa cơm Tết xa nhà, bên đồng nghiệp. (Ảnh: NVCC)

Phạm Hải Yến (24 tuổi, TP.Hồ Chí Minh) tuy mới vào nghề được 3 năm nhưng cả 3 năm cô đều không được ăn Tết ở nhà. “Do đảm trách nhiệm vụ lữ hành quốc tế, nên nếu tính cả năm nay là 4 năm mình không được đón Tết cổ truyền Việt Nam. Nghề tiếp viên hàng không không có khái niệm ngày lễ hay ngày Tết. Trong khi mọi người háo hức về quê ăn Tết, bọn mình lại phải xách vali đi phục vụ những chuyến bay chở hành khách về đoàn tụ cùng gia đình”, Hải Yến tâm sự.

Nhớ lại Tết đầu tiên xa nhà, cô gái sinh năm 1993 cho hay: “Từ lúc học xong phổ thông, thi vào Học viện hàng không Việt Nam, mình cũng đã xác định công việc sẽ như vậy nhưng vì chưa quen nên 1, 2 năm đầu xa nhà nỗi nhớ nhà cứ thường trực. Cứ hạ cánh, việc đầu tiên là mua sim nội địa gọi về gia đình, được nghe bố mẹ, chị gái kể chuyện gia đình đón Tết mà nước mắt cứ trào ra...”.

Cô gái 24 tuổi cũng nói thêm, thật ra không phải 100% quân số trong ngành phải trực bay dịp Tết, nhưng cũng do muốn có thêm thu nhập, giúp đỡ gia đình nên cô gái trẻ vẫn cố gắng vượt qua nỗi nhớ nhà mỗi khi Tết đến, xuân về.

Cùng tâm trạng với Hải Yến, tiếp viên Đ.K.O. (27 tuổi, Đống Đa, Hà Nội – nhân vật xin được giấu tên) đã gắn bó với công việc này gần 5 năm, suốt thời gian đó, người thân trong gia đình phải quen với việc không còn thấy con gái ở nhà thường xuyên mỗi dịp sum vầy ngày Tết.

K.O. chia sẻ: “Tiếp viên hàng không chúng tôi không có khái niệm ngày lễ, ngày Tết khi ngày nào cũng có nhiều chuyến bay phải phục vụ. Nếu may mắn, mỗi dịp Tết Nguyên đán tôi dành được 1 ngày ở nhà quây quần cùng người thân. Không thì sẽ đón Tết ngay trên máy bay hoặc tại một đất nước khác.

Ví dụ, nếu có chuyến bay đúng đêm giao thừa, những thành viên trong tổ bay cùng chuyến sẽ chuẩn bị đồ ăn Việt Nam mang đi để cùng phá cỗ bên nước ngoài. Dù là chuyến bay đêm hay sáng sớm, chúng tôi vẫn có nhiệm vụ phục vụ khách hàng về thăm quê hương hoặc đi du lịch xuyên Tết. Sau công việc mới dành thời gian đón Tết cùng đồng nghiệp và gia đình”.

Lý giải đặc thù khắc nghiệt của công việc này, K.O cho biết đã xác định gắn bó với nghề tiếp viên hàng không hay phi công đều phải tập quen với lịch làm việc dày đặc như vậy.

“Trở thành tiếp viên hàng không là niềm tự hào và vinh dự của chúng tôi. Nhìn bên ngoài trông chúng tôi có vẻ vất vả, cô độc với cảnh “ăn hàng, ở không” nhưng nghề này đem lại cho tôi nhiều điều tuyệt vời không gì so sánh được. Tiếp viên hàng không không phải chỉ có ăn ngon, mặc đẹp, đi du lịch nhiều mà giống “làm dâu trăm họ”.

Chúng tôi được học hỏi nhiều nền văn hóa của các nước trên thế giới và đóng nhiều vai trò trong mỗi chuyến bay, vừa là người phục vụ chu đáo, pha chế giỏi, vừa trở thành y tá, cứu hộ, bảo mẫu, thậm chí cả nhân viên cứu hỏa... Tôi có duyên gắn bó với nghề này và luôn có cơ hội được làm việc tốt, đem niềm vui đến cho mọi người. Điều quan trọng là biết cách cân bằng, giữ gìn sức khỏe và dành thời gian cho gia đình. Tôi may mắn khi luôn tìm được niềm vui và hạnh phúc trong công việc", nữ tiếp viên xinh đẹp trải lòng.

Những “cánh chim” không mỏi

Đã nhiều năm làm tiếp viên hàng không, Trần Phương Nhung (SN 1988, TP. HCM) cũng quen với những cái Tết xa gia đình ở xứ người.

Phương Nhung chia sẻ: "Có thời điểm 3 năm liền tôi không được đón Tết cùng gia đình. Nhìn mọi người háo hức chuẩn bị quà cáp về quê ăn Tết, mình lại xách vali đi phục vụ hành khách trên các chuyến bay đôi khi cũng tủi thân, nhớ nhà. Gia đình, người thân đều thông cảm nhưng cũng xót xa khi con gái phải làm việc xa quanh năm suốt tháng. Giờ quen rồi, có năm tôi được ăn Tết tại nhà, năm sau lại ăn Tết xứ người nhưng cứ có thời gian sẽ tranh thủ gọi điện về hỏi thăm, dành thời gian cho gia đình".

Chàng phi công trẻ Bùi Công Đức (26 tuổi, Hà Nội) hiện đang hoàn thiện khóa học của mình tại Australia cũng đã quen với cuộc sống nơi đát khách và việc cùng chuẩn bị đón các ngày lễ của Việt Nam ở đây. Khóa học để trở thành phi công của những chàng trai này đầy khắc nghiệt và vất vả, Đức cùng các học viên khác ngập đầu trong thi cử, bài vở và thực hành lái máy bay một cách chuẩn xác nhất.

“Tôi lựa chọn trở thành phi công nối nghiệp bố mình sau khi đã tốt nghiệp đại học tại Việt Nam. Đây là công việc luôn gắn liền với bầu trời bất kể dịp lễ Tết nào. Chúng tôi đang hoàn thiện nốt những tháng cuối cùng trước khi trở về nước làm việc. Cộng đồng người Việt học phi công ở đây cũng khá gắn bó, chúng tôi phải chờ đợi đồ ăn, đặc sản quê hương từ người thân gửi sang để chuẩn bị đón Tết tại nước ngoài. Quá trình học tập, làm việc đều phải quen với việc xa nhà, dù buồn nhưng chúng tôi vẫn muốn cố gắng chuẩn bị mâm cỗ giao thừa đón Tết đúng chất Việt Nam”, Đức tâm sự.

Với một số tiếp viên hàng không may mắn hơn, tuy không đón năm mới cùng gia đình nhưng được bay những chặng tới các quốc gia đón Tết Âm lịch giống Việt Nam, khiến nỗi nhớ nhà cũng phần nào vơi đi. Nguyễn Thủy Dương (SN 1991 tại Hà Nội) kể lại: “Năm ngoái là chặng bay đầu tiên mình phải đón Tết ở nước ngoài, nhưng khá thú vị khi mình được quá cảnh tại Hàn Quốc, cùng bạn bè tổ chức đón Tết cổ truyền”.

Thủy Dương cho biết, không khí ngày đầu năm mới ở nước ngoài cũng giống Việt Nam, đường sá không còn không khí nhộn nhịp ngày thường, các hàng quán cũng đóng cửa. Năm ngoái, Thủy Dương cùng đoàn bay đáp xuống Hàn Quốc vào mùng Một Âm lịch, mọi người cùng tới nhà đồng nghiệp Hàn Quốc ăn Tết, được thưởng thức món ăn cổ truyền của Hàn và nhận quà tặng đầu năm.

“Do biết trước lịch công tác sẽ bay vào ngày 30 Tết, bọn mình đã chuẩn bị sẵn bánh chưng mang lên máy bay, mua thêm một số đồ ăn Việt vì biết rằng hàng quán ngày hôm đó tại Hàn sẽ đóng cửa. Có lẽ gia đình mình khá thoáng, nên khi gọi về bố mẹ phấn khởi lắm, cả gia đình facetime nói chuyện, chúc tụng, còn hát cho nhau nghe nữa....”, Thủy Dương hào hứng nói.

Tết năm nay, Dương không phải xuất ngoại, cô được đón giao thừa trong nước nhưng chắc rằng kỷ niệm về cái Tết đầu tiên tại xứ người sẽ mãi không quên trong ký ức của cô.

Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/tet-xa-xu-cua-nhung-canh-chim-di-may-ve-gio-a312485.html