Tết thầy

“Mùng một Tết cha, mùng ba Tết thầy”… Xưa các bậc cha mẹ sửa lễ cho con mang đến hoặc đích thân mang đi “Tết thầy” thế nào tôi không biết, chỉ biết ở những vùng quê nghèo mọi việc đều thật giản dị chân tình. Chẳng có vật phẩm quà cáp nọ kia, bọn trò nhỏ đến nhà thầy chỉ mang theo những nụ cười hồn nhiên, bẽn lẽn. Đến tận lúc trưởng thành, lời “ơn Thầy” vẫn khó nói ra.

Ngày bé, còn học ở trường làng, tôi chưa thấm hết ý nghĩa của tập tục đẹp ấy, cũng chưa biết đến cái tình, cái nghĩa và những lệ bộ của việc “đi Tết thầy”. Với bọn trẻ ngày ấy, những ngày giáp Tết chỉ xôn xao chuyện được nghỉ Tết và đi trực trường.

Đạo thầy trò - nét văn hóa luôn được duy trì.

Thường cứ đến ngày 27, 28 tháng chạp là học sinh được nghỉ học, kỳ nghỉ Tết kéo dài một tuần, nhưng từ khi rời trường đến lúc đi học lại là cả một sự chuyển đổi - vắt qua năm khác, một sự khởi đầu mới. Mấy ngày Tết thôi mà khi trở lại trường sau kỳ nghỉ, có bao nhiêu chuyện để kể, để khoe.

Còn chuyện trực trường ngày Tết thì rất vui. Gọi là trực, nhưng thực ra đã có mấy bác bảo vệ trường trông coi tài sản. Trừ ngày ba mươi và mồng một Tết, cứ mỗi buổi, mỗi lớp lại cử 1 nhóm đến trường. Nhóm học sinh này phải thay nhau vệ sinh sân trường, rồi trông coi những thứ như bàn ghế, bảng đen và cả những liếp cửa của lớp mình. Tụi trẻ chỉ mong vậy, để được đưa những đồ Tết nhà mình đến trường, cùng chia nhau ăn, vui chơi đủ trò. Thành lệ, cứ ngày mồng hai, mồng ba lại rủ nhau đi thăm thầy cô. Cái cách “Tết thầy” của bọn trẻ con đầy ngộ nghĩnh hồn nhiên…

Cấp 1, cô giáo ở gần thì rủ nhau đi bộ. Lớn lên chút nữa, biết đi xe đạp thì lại rồng rắn trên xe đạp tới nhà thầy cô. Mà ngày đó, đi “Tết thầy” với chúng tôi chỉ là đến chơi nhà vậy thôi, chẳng có quà cáp gì cả. Thầy cô còn mời tụi trẻ nào bánh kẹo, bánh chưng, mứt gừng, bánh gai... Thăm thầy cô xong, cả bọn lại kéo nhau về trường chơi, hay rủ nhau “tạt” vào xem hội hè đâu đó... Ngày đó thầy cô nghèo, trường học cũng đơn sơ, nhưng tình cảm sao nhiều lắm. Lớn lên rồi, đi xa quê làm ăn đủ phương trời, mà bạn bè mỗi lần gặp nhau vẫn ôn chuyện trường lớp, thầy cô “ngày xưa”... Nhà thầy cô lại trở thành nơi để chúng tôi tụ họp, “điểm danh” bạn bè và hỏi thăm tin tức về nhau. Những chuyện đời buồn vui cũng được nói ra dễ dàng và chia sẻ chân thành hơn…

Nói chuyện Tết, chuyện thầy, lại nhớ chuyện trường. Thầy cô chúng tôi ngày ấy nghèo lắm, dạy một lũ trò đa phần gia cảnh bần hàn trong ngôi trường cũng mái tranh vách đất xác xơ. Còn nhớ, từ ngày bé thơ học mẫu giáo, rồi suốt những năm cấp 1, cấp 2 hầu như lúc nào chúng tôi cũng học trong những lớp học mái rạ, vách đất.

Mỗi lần chuẩn bị cho năm học mới, phụ huynh không đóng các loại lệ phí trường lớp bằng tiền như bây giờ, mà góp tre, rơm, tranh, rạ để tu bổ lại các lớp học cho con em mình. Bởi trường học là vách đất, mái tranh hoặc rạ nên sau một năm học và kỳ nghỉ hè, mưa nắng rồi trâu bò thả rông làm hỏng gần hết. Những ngày gần khai giảng, là lúc mà các phụ huynh cùng những học sinh lớp 7, lớp 8 bận rộn với việc tu sửa trường lớp. Tôi nhớ, ngày đó, vào năm học mới, mỗi học sinh đóng góp 1 cây tre, 10 liếp tranh hoặc 20 liếp rạ (ở quê tôi rạ được gọi là “toóc”) và bó rơm to. Do rạ không bền bằng tranh, nên lớp học nào lợp bằng rạ thì năm nào cũng phải thay mái mới. Còn mái tranh cũng trụ được vài năm, còn hàng năm chủ yếu là dặm lại, thay những chỗ mái thủng hoặc cũ nát quá.

Khi những phụ huynh thay nhau sửa và lợp lại mái, thì những học sinh lớp trên sẽ đỡ đần người lớn bằng cách trát vách lớp học. Những bó rơm được thả xuống một hố đất và tưới nước đầy lên trên. Sau đó, bỏ đất sét pha vào trộn đều cùng rơm trong nước. Lũ học sinh chúng tôi xắn quần nhảy xuống hố giẫm đều chân cho rơm và đất nhuyễn, quyện chặt vào nhau. Thỉnh thoảng lại dùng cây tráo, lật cho đều khối rơm và đất đó, cho đến khi thật đều và nhuyễn thì có thể mang ra trát vách.

Những dóng tre được chẻ đều và buộc bằng lạt, tạo thành những mắt lưới cỡ lớn trên các cột tre định hình bốn vách tường của lớp học. Rơm đất được vắt đều, trát vào các mắt đó để thành tường. Tất cả đều làm bằng tay. Phải là người khéo tay mới trát đều, phẳng được, sau đó khoét những ô cửa sổ lớp học. Sau vài ngày, tường sẽ khô, rắn lại và nổi gân những sợi rơm vàng trên màu nâu hoặc thâm đen của đất, lúc đó bắt đầu quét vôi. Một lớp học mới đã hình thành.

Những ngày học đầu tiên trong lớp bao giờ cũng nồng nặc mùi vôi, mùi rơm, mùi bùn đất… Và những người thầy của chúng tôi mới hôm qua còn hì hụi vác đất, trát vách, leo nóc lợp mái cùng phụ huynh học sinh, thì hôm nay đã đĩnh đạc giảng bài, bàn tay đưa những nét phấn dẫn bọn trẻ vào không gian trí tuệ. Những năm học tuổi thơ của tôi và bè bạn qua đi trong những lớp học như vậy.

Đến nay, đã 30 năm trôi qua, tất cả đã thay đổi nhiều. Về quê bây giờ hầu như không còn nhà vách đất, mái tranh, rạ nữa! Cuộc sống đã khá giả lên nhiều, với nhà xây mái ngói. Trường làng của tuổi thơ tôi cũng đã xây mấy tầng, có nhà kính, có tường rào bao quanh. Chỉ có thầy tôi là đã già lắm rồi, tay run run nhận gói quà nhỏ nhiều khi chỉ là gói bánh, chai rượu… mà lứa học trò thành đạt phương xa về thăm dâng tặng.

Minh Tuệ

Nguồn TTXVN: http://baotintuc.vn/van-hoa/tet-thay-20130207092113311.htm