Tết ngày càng kém vui

Dù chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ nhưng tại các đô thị lớn, không khí năm mới vẫn chưa rộn ràng; vẻ buồn tẻ thể hiện rất rõ trong nhịp sống thường ngày so với cùng dịp những năm trước

Những năm trước, cao điểm mua sắm rơi vào 20 ngày cận Tết nhưng năm nay, Tết cổ truyền đã đến nơi mà sức mua nói chung vẫn ì ạch, hiện chỉ nhúc nhích ở nhóm hàng biếu tặng, quần áo thời trang, hàng tiêu dùng.

Sức mua ở chợ, siêu thị nhích chậm

Nằm cạnh Co.opmart Phú Lâm (quận 6, TP HCM), sáng cuối tuần (18-1) mà chợ Phú Lâm thưa vắng khách đến lạ. Chị Đặng Ngọc Thanh - bán hóa mỹ phẩm, túi xách trong nhà lồng chợ - cho biết vào thời điểm này 3-4 năm về trước, chị phải thuê thêm người phụ bán hàng nhưng năm nay, chợ Tết hẩm hiu, một người trông coi quầy sạp mà vẫn rất thảnh thơi. Theo chị, năm trước chợ Tết đã “chậm”, năm nay còn “rùa” hơn, doanh thu trung bình mỗi ngày chỉ 3-4 triệu đồng. Nhiều khách quen vẫn chưa ghé mua hàng, chờ thưởng Tết rồi mới tính. “Chợ bây giờ chủ yếu phục vụ người lao động thu nhập thấp. Vào cuối tuần, sức mua không tăng thêm, tức là năm nay nhiều người ăn Tết buồn. Hy vọng vài ngày nữa công nhân lãnh lương - thưởng, sức mua sẽ tăng” - chị Thanh nói.

Tại các chợ “nhà giàu” như Bến Thành, An Đông, nếu như vào những ngày này năm trước đã tấp nập khách mua khô hải sản, mứt, trà... thì nay chợ cũng đã bắt đầu đông nhưng khách xem hàng, dọ giá là chính. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các siêu thị lớn, khách rất đông nhưng chưa mua nhiều. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết: Nhìn vào cơ cấu hàng hóa ở siêu thị là thấy rõ xu hướng tiêu dùng Tết đã thay đổi. Người dân không còn mua dự trữ dài ngày để ăn Tết mà chủ yếu mua để biếu, tặng và đãi khách. Bia, nước ngọt, giỏ quà, bánh mứt... là những mặt hàng bán chạy nhất hiện nay.

Theo giám đốc tiếp thị của một công ty chuyên về bánh, thị trường năm nay “buồn” hơn hẳn mọi năm. Tình hình kinh tế chưa được cải thiện, lương - thưởng nhìn chung giảm thấp khiến người tiêu dùng chi tiêu dè sẻn, cắt giảm mua sắm Tết.

Các quầy bán đồ Tết ở TP Cần Thơ thưa vắng khách Ảnh: CA LINH

Đến giờ này mà tượng con rắn của Tết Quý Tỵ vẫn còn trong Công viên 29 Tháng 3 ở Đà Nẵng Ảnh: HOÀNG DŨNG

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú, cho biết sức mua tại hệ thống siêu thị ở thủ đô đã bắt đầu tăng nhưng chủ yếu là mua sắm phục vụ nhu cầu gia đình, còn hàng Tết thì bán rất chậm. “Dự báo sức mua Tết này cùng lắm là bằng Tết trước, trong khi sức mua năm trước đã quá thấp so với nhiều năm trước đó nữa. Các đại lý, siêu thị mini sẽ phải giảm giá mạnh cho dù doanh thu thấp, chứ nếu giữ giá cao thì tổn thất lớn hơn. Theo ông Phan Bội Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lan Chi Business (Hà Nội), công ty đã chuẩn bị sẵn sàng hàng hóa phục vụ cho dịp Tết với mức tăng hơn 50% so với các tháng bình thường. Nhiều công ty thực phẩm cũng tăng cung song vẫn tỏ ra quan ngại khi sức mua có xu hướng chậm hơn các năm.

Ngoài phố buồn hiu

Trong chợ và siêu thị là vậy, mua bán ngoài đường phố càng ảm đạm hơn. Trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội những ngày này, các cửa hàng đồng loạt treo biển “sale off” với mức giảm khá mạnh, từ 30%-70% nhưng hầu hết đều vắng người mua. Theo chị Nguyễn Thị Loan, chủ cửa hàng quần áo “Made in Vietnam” trên đường Láng Hạ, các năm trước, cửa hàng chị chỉ giảm giá khoảng 20%-40%, năm nay giảm 50%-60% mà vẫn không ăn thua. “Giảm giá mạnh vẫn khó bán hàng, lượng bán ra nhỉnh hơn tháng cuối năm 2013 một chút nhưng không đáng kể. Cả hàng mới lẫn cũ đều đang tiêu thụ rất chậm” - chị Loan nói.

Các loại hoa, cây cảnh chơi Tết cũng xuống đường muộn hơn, hiện vẫn chưa được người tiêu dùng để mắt. Vào thời điểm này mọi năm, các tuyến phố Lạc Long Quân - Âu Cơ (gần vườn đào Nhật Tân), Nguyên Hồng, Hàng Lược… đã tấp nập đào, quất chưng Tết; còn nay mới chỉ lác đác đào Tết trên vài tuyến phố; khách dừng chân chủ yếu để... ngắm, hiếm người mua.

Tại TP Cần Thơ, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, những ngày gần đây, cảnh mua bán rất đìu hiu. Từ hôm 15-1, các sạp bán bánh mứt Tết trên đường Nguyễn An Ninh (quận Ninh Kiều) đã mở nhưng vắng khách. Chủ sạp bánh mứt Thanh Tâm cho biết: “Mấy ngày nay chỉ bán lai rai, nhiều nhất là các loại rượu; còn các loại kẹo, hạt dưa, hạt điều, mứt… tiêu thụ rất chậm. Sức mua giảm hẳn so với mọi năm”. Chị Lê Khánh Phượng (ngụ đường 30 Tháng 4, quận Ninh Kiều) nói: “Mọi năm, tôi lấy bánh mứt về bán lẻ nhưng Tết này thấy ít người mua nên phải chuyển sang gói giỏ quà bán sỉ”.

Ở Đà Nẵng cũng vậy. Chưa có năm nào những ngày cận Tết tại TP của sông Hàn lại buồn như năm nay. Trời lại thật lạnh, kèm theo mưa phùn khiến không khí sắp Tết ở Đà Nẵng trở nên... giống ngày thường! Những tuyến đường mua sắm lớn như Hùng Vương, Lê Duẩn, Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Linh còn buồn tẻ. Đường Ông Ích Khiêm chuyên bán bàn ghế, tủ giường, bàn thờ, lư hương, đèn trang trí... cũng vắng vẻ, buồn hiu. Chị Trần Thị Hạnh - chủ quầy bán đèn trang trí, đồ gỗ trên đường Ông Ích Khiêm - than: “Tôi buôn bán ở đây đã hơn 10 năm rồi. Chưa có năm nào những ngày gần Tết lại vắng khách như năm nay. Hình như ai cũng khó khăn nên mua sắm dè dặt”.

Việc trang trí đón Tết trên các tuyến đường và công viên ở Đà Nẵng cũng đơn điệu, không còn lộng lẫy như trước nữa. Ngay cả Công viên 29 Tháng 3 - điểm tham quan luôn đông đúc vào dịp Tết ở Đà Nẵng - nay vẫn còn hiu quạnh, thậm chí những tượng con rắn của Tết Quý Tỵ đến giờ vẫn còn...

Do kinh tế khó khăn

Theo Công ty nghiên cứu thị trường AC Nielsen, tình hình kinh tế khó khăn đã tác động lớn đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam. Xu hướng tiêu dùng chủ đạo trong năm là tiết kiệm. Người tiêu dùng ưu tiên hàng đầu cho các mặt hàng thiết yếu và có phần thắt lưng buộc bụng đối với những mặt hàng xa xỉ.

Một số nghiên cứu của các công ty khảo sát thị trường GfK, Kantar Worldpanel công bố hồi đầu quý IV/2013 cũng cho thấy người Việt có xu hướng cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua hàng. Người Việt Nam ngày càng lo lắng hơn về tương lai. Niềm tin về việc làm, chi phí và tiêu chuẩn cuộc sống đều giảm sút.

Tết công nghiệp

Tết nhất đã cận kề. Gặp nhau, nhiều người than Tết năm nay sao mà buồn thế! Buồn không phải do đi làm ăn xa, không về được mà vì Tết đến rồi nhưng sao chẳng thấy không khí chộn rộn, háo hức như ngày xưa.

Những năm trước đây, ai cũng thấy “vui như Tết” vì ngày Tết là được ăn ngon, “đói cả năm, no dồn ba ngày Tết”; con trẻ háo hức vì tấm áo mới... Bây giờ thì những chuyện đó không còn mấy hấp dẫn; trẻ con thấy bánh kẹo là lắc đầu, thấy ăn là sợ.

Thật ra, dịp Tết, người ta ăn uống chẳng bao nhiêu, cái vui chính là thời gian trước Tết. Lúc này ai cũng muốn “tống cựu, nghinh tân”. Cả hàng phố gặp nhau mọi người vui vẻ thăm hỏi nhau, tạo ra không khí rộn ràng. Các bà, các chị í ới gọi đi chợ, siêu thị, khuân đồ về chất đầy nhà. Còn năm nay, xem ra các bà, các chị có phần hờ hững. Dịch vụ vệ sinh, tân trang nhà cửa mọi năm phải từ chối khách; năm nay thì ế quá, tịnh không thấy ai gọi. Ông thợ sửa xe máy đầu phố Tết nào cũng trưng bảng đánh bóng đồ đồng, kiếm được cũng khá; năm nay chỉ còn vài ngày nữa là Tết mà mới nhận được vài ba bộ.

Trước Tết đã vậy, trong Tết ở thành phố 10 triệu dân như TP HCM bỗng thấy yên ắng lạ. Người giàu thì đi du lịch nước ngoài, người kha khá thì đi chơi trong nước. Lúc trước, Tết là dịp nghỉ làm dài nhất trong năm nên đi chơi xả láng. Năm nay, được nghỉ Tết đến 9 ngày mà chẳng hào hứng mấy!

Bất luận ra sao thì Tết bây giờ không còn là dịp duy nhất để ăn, để chơi, để tiêu pha nữa. Không phải không có lý khi nhiều người nói Tết chẳng qua là ngày nghỉ kéo dài mà thôi. Có người nói vì sợ suy thoái kinh tế chưa dứt nên dân tình tiết kiệm theo kiểu “quân tử phòng thân...”, làm cho Tết kém vui. Chắc cũng có nguyên nhân đó nhưng có điều không thể không thấy là xu hướng Tết công nghiệp đã xuất hiện và có thể vài năm nữa sẽ thay dần cho Tết truyền thống. Điều này đã xảy ra ở nhiều nước châu Á phát triển khác, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore. Người dân ở những nước này chủ yếu đón Tết vào lúc giao thừa, buổi sáng đầu năm đến chùa hoặc đi chúc Tết người cao tuổi trong gia tộc là xong. Cũng bởi xu hướng ấy mà vài năm trước, nhiều nhà khoa học đề nghị nước ta nên chỉ có một cái Tết, không nên “vừa ta vừa tây”, cho đỡ rườm rà. Và nên chọn Tết dương lịch như Nhật Bản cho hợp thông lệ quốc tế. Cũng có ý kiến nên đơn giản hóa Tết; không nên kéo dài ngày, để dồn lực cho nhiều chuyện khác, cần hơn.

Tết công nghiệp có thể kém vui so với Tết cổ truyền của dân tộc nhưng xem ra khó tránh được xu thế thời đại. Hơn nữa, biết đâu ở Tết công nghiệp lại tạo ra những thói quen mới, hình thức mới, tập tục mới hấp dẫn không kém với các tập tục trước đó (!)...

Nguyễn Minh Hòa

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/tet-ngay-cang-kem-vui-20140118211747401.htm