Tên lửa Kalibr: Quân bài 'lạnh gáy' giúp Nga đột phá vị thế đại dương

Ngày 18/8, tàu ngầm hạt nhân Nga đã phóng tên lửa hành trình Kalibr đánh trúng mục tiêu ở khu vực Arkhangelsk phía tây bắc nước Nga.

"Ngày hôm nay, tàu ngầm hạt nhân đa chức năng Severodvinsk của Hạm đội Bắc Hải đã phóng thành công một tên lửa hành trình Kalibr trên biển. Hải quân đã tiến hành vụ phóng ngầm dưới nước từ khu vực thử nghiệm của Hạm đội Bắc Hải ở biển Barent. Mục tiêu được xác định là ở bãi thử nghiệm Chizha thuộc vùng Arkhangelsk ," Hải quân Nga cho biết trong một thông cáo báo chí.

Theo tuyên bố, tên lửa bay được 373 dặm (khoảng 600km). Bộ Quốc phòng Nga cũng đã phát hành một video về vụ thử.

Tên lửa Kalibr được phóng từ biển Địa Trung Hải. (Ảnh: Sputnik)

Hiện thực hóa học thuyết hải quân Nga

Những vụ phóng như vậy là một nội dung trong việc thực hiện học thuyết của Nga về các hoạt động hải quân vào năm 2030, được thông qua hồi đầu tháng 7. Theo tài liệu này, các tên lửa hành trình tầm xa và tầm cao sẽ trở thành những vũ khí cốt lõi của lực lượng hải quân Nga vào năm 2025.

"Bản thân học thuyết này và các bước đi thực tế hiện thực nó đã chỉ ra rằng Nga đang sẵn sàng thách thức các tham vọng địa chính trị của Tây Âu trên đất liền và trên biển ... Nga hướng tới việc phát triển hải quân tương đương với Mỹ và mọi vụ phóng tên lửa của Nga đang khiến các đối tác phương Tây phải tính tới lợi ích của Moscow", cây viết của RIA Novosti và nhà bình luận chính trị Alexander Khrolenko cho biết trong một bài bình luận.

Theo tác giả này, các loại vũ khí như tên lửa Kalibr sẽ giúp Nga tăng cường sự hiện diện trên đại dương toàn cầu trong khi không vi phạm “Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung” (INF).

Kalibr lần đầu tiên được sử dụng trong chiến đấu bởi Hạm đội Hải quân Nga ở biển Caspi nhằm vào các mục tiêu của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria vào tháng 11/ 2015. Các tên lửa Kalibr đã được bắn ra liên tục từ các tàu lớp Buyan-M của Nga và các tàu ngầm lớp Varshavyanka hướng tới các mục tiêu IS. Do tên lửa Kalibr có tầm bắn lên đến 2.500 km, các vụ phóng được thực hiện từ biển Caspi và biển Địa Trung Hải.

Các tên lửa Kalibr gồm nhiều loại có độ chính xác cao, có thể phóng từ các bệ phóng trên mặt đất, máy bay, tàu ngầm và tàu chiến trong điều kiện thời tiết phức tạp. Chúng có thể phá hủy một loạt các mục tiêu trên mặt đất và trên biển. Kalibr có thể được trang bị nhiều loại đầu đạn, bao gồm đất đối không, không đối đất và đất đối đất.

"Kể từ khi chúng được sử dụng trong chiến đấu lần đầu tiên, tên lửa Kalibr đã vượt hàng ngàn dặm dọc theo các tuyến đường phức tạp và đã bắn trúng mục tiêu, trong khi không bị phát hiện bởi hệ thống tình báo và hệ thống radar của NATO. Mỹ đã rất lo ngại về khả năng của Kalibr khi xem xét khái niệm về "sự sát thương phân tán", Khrolenko đã viết.

Khái niệm về "sự sát thương phân tán" được Hải quân Mỹ đưa ra năm 2015 để chỉ sự chuyển đổi chiến thuật, bao gồm việc tổ chức lại và trang bị lại hạm đội mặt nước, sắp xếp lại tàu chiến thành các nhóm nhỏ tác chiến mặt nước, đồng thời tăng thêm số lượng vũ khí chống hạm.

Dễ dàng “tổn thương” đối thủ

Chuyên gia Khrolenko cũng chỉ ra rằng Kalibr sẽ khiến kẻ thù tiềm tàng của Nga dễ bị tổn thương trong bất kỳ lĩnh vực tác chiến nào - đất liền, biển và trên không.

Hệ thống Kalibr trên biển bao gồm các tên lửa chống hạm 3M-54 / 3m-54-1 và tên lửa tầm xa 3M-14 với đầu đạn nặng 400 kg. Tên lửa 3M-14 có thể đạt tốc độ tối đa 700 m/s và có tầm bắn hơn 2.000 km.

Một trong những yếu tố khó nhất trong chương trình phát triển tên lửa hành trình là điều hướng tên lửa đánh trúng mục tiêu. Một tên lửa hành trình dự kiến sẽ di chuyển qua hàng ngàn cây số dọc theo một tuyến đường phức tạp để nhắm vào mục tiêu một cách chính xác cao độ.

Tên lửa 3M-14E (một thành tố của hệ thống Kalibr) có công nghệ và thuật toán điều hướng tiên tiến nhất. Tên lửa này có một hệ thống định vị tự động kết hợp. Việc kiểm soát tên lửa dựa trên một hệ thống dẫn đường nội bộ, bao gồm một thiết bị đo độ cao và một máy thu GPS / GLONASS. Tên lửa này có thể di chuyển ở độ cao 20 m so với mặt biển và cao 50-150 m so với mặt đất, sau đó giảm xuống độ cao còn 20 m khi tiến gần mục tiêu.

Tên lửa này cũng có thể di chuyển theo một quỹ đạo phức tạp và có thể được định hình lại trong suốt chuyến bay, ví dụ như để tránh một khu vực phòng thủ tên lửa hoặc cảnh quan môi trường phức tạp. Đầu đạn được lên nòng vào giai đoạn cuối của hành trình bay, phá vỡ hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương với tốc độ nhanh. Còn mục tiêu được phát hiện với thiết bị tìm kiếm mục tiêu tự động.

(Theo Sputnik)

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/ten-lua-kalibr-quan-bai-lanh-gay-giup-nga-dot-pha-vi-the-dai-duong-250931.html