Tên lửa hành trình Nga: Khả năng răn đe ngang hạt nhân

Bộ trường Quốc phòng Nga Sergei Shoigu vừa tiết lộ rằng, thay thế vũ khí hạt nhân với tư cách là yếu tố kiềm chế, chính là tên lửa hành trình.

Trong tương lai, vũ khí chính xác có thể thay thế các loại vũ khí hạt nhân với tư cách là yếu tố kiềm chế. Sự chuyển đổi này sẽ làm giảm mức độ căng thẳng quốc tế và tăng cường sự tin tưởng trong đấu trường quốc tế, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết.

Theo nhà lãnh đạo quân sự Nga, theo kế hoạch mà Bộ quốc phòng nước này đã vạch ra, đến năm 2021, tiềm năng lực lượng răn đe phi hạt nhân chiến lược của Nga sẽ tăng gấp 4 lần, tạo cơ hội để giải quyết hoàn toàn vấn đề ngăn chặn phi hạt nhân.

Ông Shoigu nói trong một bài giảng dành cho ban lãnh đạo bộ quốc phòng và đại diện công luận rằng, cùng với lực lượng hạt nhân, các lực lương răn đe phi hạt nhân được trang bị thống nhất sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.

Cùng với lực lượng răn đe hạt nhân, lực lượng răn đe phi hạt nhân sẽ đóng vai trò giải quyết phần lớn những vấn đề trong thời bình và thời chiến, trong ngăn chặn và chấm dứt cuộc xung đột vũ trang, cũng như cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Theo Đại tướng Sergei Shoigu, cơ sở cho nhóm răn đe phi hạt nhân là nhóm phương tiện tác chiến mang vũ khí chính xác cao là các tàu mặt nước và tàu ngầm với tên lửa hành trình, ngoài ra còn có các máy bay ném bom tầm xa mang tên lửa hành trình tầm xa.

Phát triển ồ ạt các lớp tàu mặt nước mang tên lửa Kalibr

Ngày 7-10 - 2015, Hải quân Nga đã chính thức tham gia chiến dịch tấn công Tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) ở Syria với vụ 4 chiến hạm của Hạm đội Caspian phóng 26 quả tên lửa hành trình Kalibr-NK từ vùng biển Caspian, xuyên qua lãnh thổ Iran và Iraq.

Đây là lần đầu tiên hải quân Nga sử dụng tên lửa hành trình phóng từ trên biển để tấn công các mục tiêu mặt đất trong một cuộc chiến thực sự, đồng thời đây cũng là lần tấn công bằng tên lửa hành trình đầu tiên của các lực lượng vũ trang nước này.

Do thiếu kinh phí, Nga đang từ bỏ các thiết kế chiến hạm mặt nước hạng nặng, chuyển sang đóng các tàu hộ vệ hạng trung và cỡ nhỏ, đồng thời ồ ạt triển khai hệ thống Kalibr-NK cho các chiến hạm này, mở ra xu hướng mới trên thế giới về lực lượng tấn công tầm xa trên biển.

Nga đang phát triển ồ ạt các loại tàu nổi và tàu ngầm mang tên lửa hành trình

Hiện Nga đang có rất nhiều lớp tàu, với tổng cộng hàng chục chiếc được trang bị hệ thống Kalibr-NK, với dòng tên lửa hành trình chống hạm/tấn công mặt đất tương ứng là 3M-54T và 3M-14T. Ngoài ra, các hệ thống này còn có thể phóng cả tên lửa P-800 Oniks.

Trong đó, chiếc lớn nhất (lớp Đô đốc Gorshkov - trên dưới 4500 tấn) cũng chỉ có lượng giãn nước bằng một nửa các tàu chiến mang tên lửa Tomahawk của Mỹ. Ngoài ra, còn có tàu hộ vệ tên lửa hạng nặng thuộc Project 11356Р/М, lớp Đô đốc Grigorovich (4000 tấn).

Số còn lại bằng 1/5 các khu trục hạm Mỹ bao gồm tàu hộ vệ Project 20385 lớp Gremyashchy, tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9, Project 11661K (lớp 2000 tấn), số lượng lớn bằng chỉ bằng 1/10 (tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ Project 21631, lớp Buyan-M, lớp dưới 1000 tấn).

Ngoài ra, hải quân Nga còn đang tiếp tục trang bị hệ thống tên lửa hành trình Kalibr-NK trên các tàu hộ vệ hạng nhẹ Project 22800, lớp Karakurt (800 tấn) và các tàu hộ tống Project 22160, đóng theo phương pháp modul với 3 cấu hình khác nhau (1300, 1500, 1800 tấn);

Đến năm 2020, khi tất cả các lớp tàu này được biên chế đầy đủ với ít nhất là 4 tàu mỗi lớp (Đô đốc Gorshkov), đa số là 6 tàu, nhiều nhất là 18 tàu (Project 22800, lớp Karakurt; Byan-M từ 16-18 tàu); hải quân Nga sẽ có số lượng tàu mang tên lửa hành trình Kalibr rất lớn.

Tàu ngầm diesels-điện và tàu ngầm hạt nhân

Ngoài các tàu mặt nước, các tàu ngầm Nga cũng được trang bị các hệ thống Kalibr-PL. Đặc biệt là các tàu ngầm thông thường (diessel-điện) thuộc Project 06363, lớp Varshavyanka có lượng giãn nước 3000 tấn cũng có thể mang theo các tên lửa này.

Mỗi tàu ngầm lớp Project 06363 được trang bị 14 ngư lôi các loại và 4 tên lửa hành trình của hệ thống Kalibr-PL. Các tên lửa này có thể tiêu diệt mục tiêu chiến hạm ở phạm vi đến 660 km và mục tiêu bờ ở cự ly 2500km - 3.500 km tùy thuộc biến thể tên lửa.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/ten-lua-hanh-trinh-nga-kha-nang-ran-de-ngang-hat-nhan-3327151/