Tên lửa DF-ZF Trung Quốc có thể tiêu diệt mọi mục tiêu chỉ trong 1 giờ

Tên lửa DFZF Trung Quốc có thể trở thành vũ khí tấn công chiến lược tiêu diệt mọi mục tiêu trên thế giới chỉ trong vòng một giờ.

Tên lửa DF-ZF đủ sức xuyên thủng lưới phòng không đa tầng

Tên lửa DF-ZF Trung Quốc được thử nghiệm thành công gần đây nhất vào ngày 22/4 chỉ vài ngày sau khi Nga tiến hành thành công một vụ thử tên lửa siêu thanh RS-18A từ một căn cứ quân sự gần biên giới với Kazakhstan theo Giao thông.

Theo tờ Washington Free Beacon dẫn lời các quan chức Lầu Năm Góc cho biết, các vệ tin h đã theo dõi tên lửa DF-ZF ngay sau khi nó được phóng đi từ bệ phóng với tốc độ vài nghìn km/h để tới một khu vực ở miền Tây của Trung Quốc.

Các quan chức tình báo Mỹ nhận định rằng, Trung Quốc muốn sử dụng tên lửa siêu thanh để mang đầu đạn hạt nhân vượt qua những hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi.

Tên lửa siêu thanh Trung Quốc. Ảnh minh họa

Được biết, tên lửa siêu thanh do Trung Quốc mới phóng đi có thể bay với tốc độ từ 6.000 tới hơn 11.000 km/h và trở thành vũ khí tấn công chiến lược thông thường, có khả năng tiêu diệt mọi mục tiêu trên thế giới chỉ trong vòng một giờ.

Theo nhận định của chuyên gia quân sự Mỹ, tên lửa DF-ZF là vũ khí tối tân có thể mang theo đầu đạn hạt nhân hoặc tiến hành các nhiệm vụ tấn công chính xác bằng vũ khí thông thường đủ sức xuyên thủng lưới phòng không đa tầng của một cụm tàu sân bay chiến đấu đối phương.

Đây là một vũ khí gần như không thể đánh chặn bằng các hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường sử dụng các thiết bị cảm biến và hệ thống radar mặt đất lẫn trên biển để bám bắt mục tiêu, bởi DF-ZF có thể chuyển hướng khi bay. Điểm yếu duy nhất của vũ khí này là không được trang bị hệ thống xử lý hiệu suất cao, khiến nó bị hạn chế đáng kể về tính năng theo thiết kế.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, DF-ZF là một vũ khí chủ yếu để phòng thủ chứ không phải tấn công dù có thể mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân. Đây sẽ là công cụ răn đe các nước trong khu vực của Trung Quốc, và có lẽ chỉ có các vũ khí laser năng lượng cao mới đủ sức đối phó với nó.

Randy Forbes, một thành viên của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ cho rằng, những vụ thử tên lửa siêu thanh của Trung Quốc đang trở thành một vấn đề đáng quan tâm và lo ngại. "Việc Trung Quốc thực hiện nhiều lần các vụ thử tên lửa siêu thanh, cho thấy Bắc Kinh đang có ý định tăng cường sức mạnh thông thường của quân đội lẫn sức mạnh hạt nhân. Việc này có tác động nghiêm trọng tới sự ổn định của khu vực châu Á".

Hiện tại, Bắc Kinh đang giữ bí mật về chương trình phát triển tên lửa DF-ZF và tuyên bố vụ thử tên lửa siêu thanh này không nhằm vào bất kỳ nước nào mà chỉ phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học.

Nhận định về vũ khí tên lửa siêu thanh của Trung Quốc, trước đó, Zing News dẫn thông tin trên tờ Want China Times, hệ thống vũ khí của Trung Quốc sẽ tạo ra hiểm họa lớn hơn đối với an ninh của Mỹ.

Cùng chung nhận định trên, Richard Fisher, chuyên gia người Mỹ về phát triển quân sự Trung Quốc đánh giá, hệ thống tên lửa của Mỹ sẽ gặp khó khăn hơn để ngăn chặn nó. Theo Fisher, Trung Quốc đã xác định tên lửa siêu thanh là công nghệ quân sự cốt lõi trong tương lai và họ sẽ đầu tư nhiều vào nó.

Trung Quốc có thể làm thay đổi vị thế của mình bằng sức mạnh quân sự

Nói đến sức mạnh tấn công của Trung Quốc bằng các loại vũ khí tối tân, Chuyên gia Roger Cliff thuộc tổ chức tư vấn RAND Corp cho rằng, quân đội Trung Quốc đang trải qua quá trình phát triển mạnh mẽ và có thể đọ sức cùng Mỹ và phương Tây chỉ trong vài năm tới, thông tin trên VNE.

Sức mạnh quân sự Trung Quốc đang khiến Mỹ đau đầu. Ảnh: VNE

Theo chuyên gia này, dù quân đội Trung Quốc vẫn còn những điểm yếu về cấu trúc, hậu cần và văn hóa tổ chức, ảnh hưởng đến hiệu quả của các loại vũ khí và khí tài, việc đánh bại được Trung Quốc trong các cuộc xung đột khu vực sẽ là điều rất khó khăn và tốn kém đối với Mỹ. Hơn nữa, Trung Quốc có nhiều lợi thế về địa hình.

Ông Cliff nhận định thập niên 2020 nhiều khả năng sẽ là thời kỳ chuyển giao quyền lực ở Đông Á. Quyền lực ở khu vực này sẽ chuyển từ nước Mỹ có khả năng bảo vệ đồng minh trước bất cứ cuộc tấn công nào sang một Trung Quốc có thể dùng vũ lực thách thức quyền kiểm soát trên biển và trên không. Ông cho rằng việc đối đầu với Trung Quốc trên phương diện này là quá nguy hiểm và tốn kém cho bất kỳ nước nào, kể cả Mỹ.

Một báo cáo về tương quan sức mạnh quân sự Mỹ - Trung gần đây của RAND cũng cho rằng, Trung Quốc tỏ rõ tự tin về tiềm lực quân sự của mình. Trung Quốc "có khả năng thu hẹp khoảng cách trong mọi khía cạnh và thậm chí còn vượt lên ở một số lĩnh vực", khiến "xu thế sức mạnh tổng thể đang không có lợi cho Mỹ".

Tốc độ thay đổi, hiện đại hóa trong quân đội Trung Quốc diễn ra nhanh hơn của Mỹ. "Trung Quốc đang bật nhảy, còn Mỹ thì đang lê bước", báo cáo nhận định. Tốc độ hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc, những khoản đầu tư tiền tỷ, mức tăng ngân sách hai con số cho quốc phòng, và những loại vũ khí mới mà nước này đang chế tạo, mua sắm đều thể hiện mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là áp đảo sức mạnh quân sự Mỹ và lấn át trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ.

Theo các chuyên gia, để giành chiến thắng trước Trung Quốc, quân đội Mỹ phải có khả năng đánh bại chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2AD) của Trung Quốc. Một số người cho rằng cách hiệu quả nhất để phá chiến lược A2AD là sử dụng chiến tranh thông tin, tác chiến điện tử để vô hiệu hóa những hệ thống vũ khí phòng thủ của Trung Quốc, đặc biệt là các hệ thống vệ tinh, trinh sát, dẫn đường và liên lạc.

An Dương (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/ten-lua-df-zf-trung-quoc-co-the-tieu-diet-moi-muc-tieu-chi-trong-1-gio-d104875.html