Tên gọi ‘dầu cù là’ xuất phát từ đâu?

Dầu cù là nổi danh trong Nam ngoài Bắc thì bất cứ loại dầu nào có tác dụng chữa bệnh (dầu cao) đều được gọi là dầu cù là, bất kể là người ở đâu sản xuất.

Theo tác giả Nguyễn Đức Hiệp viết trên tờ Thời báo Kinh Tế Sài Gòn số ra ngày 23/8/2012, dầu “cù là” có nghĩa là dầu từ Myanmar bởi dân Nam Bộ xưa kia gọi tên quốc gia này là Cù Là. Cũng theo tác giả, đầu thế kỷ XIX thì người Cù Là (Myanmar) đã tới miền Tây buôn bán. Cách chợ Rạch Giá khoảng 13 cây số có xóm gọi là xóm Cù Là (làng Vĩnh Hòa Hiệp) là nơi người Cù Là sinh sống. Ngày nay, xóm này ở Rạch Giá vẫn còn tên.

Từ tháng 11/1889 tới tháng 9/1921, hoàng thái tử Myingun Min đã sống lưu vong tại Sài Gòn sau một cuộc chính biến thất bại tại triều đình Myanmar. Người Pháp cho hoàng tử Myingun sống ở Sài Gòn và chu cấp tiền bạc cho ông để có thể sử dụng ông sau này. Bà Daw Phyu, con gái của hoàng thái tử Myingun đã lập gia đình với một người Việt nam và mở hãng dầu Mac Phsu có màu xanh lá cây nổi tiếng khắp Đông Dương (cạnh tranh trực tiếp với dầu Tiger Balm màu đỏ và dầu Nhị Thiên Đường). Dầu của bà Daw Phyu thời đó được quảng cáo khắp nơi ở miền Nam Việt Nam như trên báo, trên bảng quảng cáo đặt tại các chợ nổi tiếng như chợ An Đông, chợ Thái Bình … với tên gọi dầu cù là, dầu gió hay dầu bạc hà chữa trị “tứ thời cảm mạo”.

Sau này, Do vậy, trong Nam cũng gọi cả dầu của người Hoa sản xuất là dầu cù là (trong khi đó cộng đồng người Hoa gọi là Vạn Kim Du – Màn Cắm Yầu). Ngoài Bắc có hai nhãn hiệu dầu cù là là Sao Vàng và Bồ Câu Trắng cũng đã nổi tiếng khá lâu trước khi không còn thấy sản xuất trên thị trường.

Sưu Tầm (Theo Báo Đất Việt)

Nguồn The Box: http://thebox.vn/doi-song/ten-goi-dau-cu-la-xuat-phat-tu-dau-3046797/