'Tê liệt' trong giám sát tài sản công

Cho thuê trụ sở, công sở cùng vấn đề khoán xe công là những vấn đề được thảo luận sôi nổi khi Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) sáng 31/10.

Đầu xe và lái xe không giảm còn tăng phí cá nhân?

Đi vào những vấn đề cụ thể, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, tài sản sử dụng không hết thì cho thuê thể hiện mong muốn được “khoan sức dân” để có thêm nguồn thu cho ngân sách đang khó khăn. “Nhưng nếu ta không quy định chặt thì nhà nước sẽ không được lợi, đáng ra việc cho thuê trụ sở thu được 10 đồng nhưng chỉ 1 đồng cho thuê về được nhà nước thì rất lãng phí. Ở đây cần phải có chế tài chặt để giám sát được việc này”, ĐB Hải nói.

Song cũng có ý kiến cho rằng nếu quy định không rõ và chặt chẽ thì người ta sẽ xây một trụ sở thật to, rộng rồi khi hoạt động, họ nói không sử dụng hết lại đem cho thuê.

Đại biểu Phùng Quốc Hiển (Lai Châu) cho rằng cần phải phân loại tài sản, trụ sở được cho thuê, loại nào không được cho thuê. Ông Hiển nêu dẫn chứng Hội trường Thống Nhất nếu không có cơ chế thì xập xệ lắm, nhưng khi cho thuê thì tái đầu tư.

Đề cập đến khoán, định mức sử dụng tài sản, ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng, cái này trước đây cũng đã có đưa ra bàn nhưng làm một hồi rồi thôi. Mới đây, Bộ Tài chính làm lại, khoán xe công. Nghe có vẻ hay, song dư luận bình luận rằng, đầu xe không giảm, lái xe không giảm nhưng lại tăng chi phí vào cho cá nhân. Cái đó có phải là sự lãng phí mới không?

Đại biểu Vũ Trọng Kim

“Vậy thì giảm ở đây, là không lấy nhà ra phục vụ nữa chứ không phải giảm những suất đó. Bây giờ tăng lên cho cá nhân 9 - 10 triệu/tháng, bọc được trong túi chừng ấy mỗi tháng rồi thì không thể nói là giảm chi phí. Dư luận họ theo dõi sát lắm đấy. Cho nên, kiểu khoán này phải coi chừng, không là từ quản lý kiểu này sang quản lý kiểu khác, từ hình thức lãng phí này chuyển sang hình thức lãng phí khác là người dân họ không nghe đâu. Mị dân là không được”, ông Kim nói.

Giám sát: Tê liệt hết rồi!

Một vấn đề khác cũng được ĐB Vũ Trọng Kim đặt ra đó là khấu hao tài sản. Ông Kim cho rằng, thực tế lâu nay việc này không minh bạch, nếu quy định chiếc xe trị giá 0 đồng, cũng đưa ra đấu thầu, bỏ phiếu như ai, thu được 5 hay 7 chục triệu thậm chí trăm triệu, tiền đó vào đâu thì quy định chưa rõ nên thấy họ làm cứ nhẹ tênh.

Ngắt lời ĐB Kim, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội hỏi lại ông Kim rằng, dự thảo Luật có điều 9 quy định về giám sát cộng đồng, liệu có tác dụng gì không? "Không", ĐB Vũ Trọng Kim trả lời. Ông Kim thẳng thắn cho rằng, đó là một điều khoản chẳng ăn thua gì.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội

“Vì làm gì, quy trình, quy định, các bước ra sao, người dân có được tham gia đâu mà biết, có nắm được thế nào đâu. Đưa quy định vào cho vui thôi”, ông Kim nói. ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nói chen vào: “Ngoài cửa có chữ Không phận sự miễn vào” thì sao mà giám sát được.

ĐB Vũ Trọng Kim tiếp tục phát biểu: “Ngay trong cơ quan, cán bộ, công nhân viên chức có giám sát được không? Giả sử biết có dám nói không? Chính vì thế, việc này, tôi khẳng định là tê liệt rồi”.

"Muôn thuở không thể nào thực hiện được"

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nói: “Ngay tại địa bàn quận 8, hàng loạt nhà kho, bãi ven sông, thuộc quyền quản lý của bộ, ngành đang để lãng phí, gây ô nhiễm môi trường, người dân rất bức xúc. Nhưng muốn thu hồi hay điều chuyển phải được sự đồng ý của bộ, ngành quản lý lẫn Bộ Tài chính nên TP.HCM bó tay”.

Cũng về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM nói: “Phải quy định khác thôi chứ quy định thế này thì muôn thuở không thể nào thực hiện được”.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/te-liet-trong-giam-sat-tai-san-cong-post179113.html