Tay trắng thành tỷ phú nhờ nuôi cá trên sông Hồng

Phạm Đình Chiểu tỷ phú làm giàu từ cá là 1 trong 63 'Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016'..

Ông Phạm Đình Chiểu đến từ Thái Bình là 1 trong 63 nông dân vừa được Chủ tịch nuớc trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016 trong chương trình Tự hào nông dân Việt Nam do Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo tổ chức. Chia sẻ với chúng tôi, ông cho biết, trên đất Thái Bình hiện nay có rất nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, thậm chí làm giàu nhờ nuôi cá lồng bè.

Lực lượng Công an xã Vũ Đoài đến thăm hỏi mô hình làm giàu của ông Phạm Đình Chiểu. Ảnh CA Tỉnh Thái Bình

Lực lượng Công an xã Vũ Đoài đến thăm hỏi mô hình làm giàu của ông Phạm Đình Chiểu. Ảnh CA Tỉnh Thái Bình

Ông Phạm Đình Chiểu, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình là một trong những người đầu tiên thực hiện mô hình nuôi cá lồng trên sông thành công, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Trong chương trình Tự hào nông dân Việt Nam, ông Chiểu chia sẻ với chúng tôi, 5 năm về trước ông từ phu vàng trở về quê hương Thái Bình trong tay không một tấc đất cắm dùi, cuộc sống nghèo đói. Sau được chính quyền ủng hộ, ông nhận thầu khu đất diện tích 17 mẫu bỏ hoang. Với 17 mẫu đất thầu, ông Chiểu bắt tay làm theo mô hình VAC, dưới ao thả cá còn trên cạn khoảng 3 -4 nghìn m2 xây trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm và trồng cây dược liệu, cây hòe và một số cây gỗ quý như cây sưa.

Thời gian đầu với kinh nghiệm ít ỏi ông Chiểu gặp rất nhiều khó khăn. Ông trồng hoa rồi thất bại, sau đó ông nuôi gà giống cũng tay trắng. Sau ông Chiểu đi tham quan học hỏi khắp nơi, nhận thấy mô hình nuôi cá lồng rất hiệu quả nên quyết tâm theo đuổi.

Ngày ấy, ai cũng chỉ lắc đầu cho rằng viển vông khi mà ông Phạm Đình Chiểu đóng những lồng cá lớn, thả hàng chục vạn con cá giống xuống nuôi. Bởi nuôi trồng thủy sản trong những ao đầm nhỏ chắc chắn vẫn xảy ra thất thoát, dịch bệnh, huống chi trôi nổi trên sông. “Lúc đầu tôi đưa cá lồng về nuôi con giống chết, thất thoát, bão lũ thiên tai không khắc phục được. Năm đầu tiên, tôi bị thất thoát khoảng 700- 800 triệu đồng” - Ông Chiểu tâm sự.

Vì là người tiên phong nên một mình ông phải tự mày mò học hỏi. Ông lặn lội vào miền Nam để xem bà con trong đó làm, tìm hiểu những phương pháp khoa học mới. Từ tìm hiểu dòng chảy sông, đến cách đóng khung, làm lồng, chế độ chăm sóc, phòng dịch bệnh.. tất cả đều được ông nghiên cứu kỹ lưỡng. Lúc đó lại được bạn bè giúp đỡ về vốn, như cá gặp nước ông đóng 24 lồng hết 1,7 tỷ đồng trên sông Hồng, sau nâng dần số lồng lên 52 và trở thành một lão nông làm giàu giỏi của tỉnh.

Nghề nuôi cá lồng bè cho thu nhập cao nhưng theo ông Chiểu cũng nhiều rủi ro vì phụ thuộc vào thời tiết. Trước khi cơn bão số 1 tràn qua, gia đình ông thuộc hộ nuôi cá lồng bè lớn nhất tỉnh Thái Bình. Ước tính thiệt hại toàn tỉnh là 100 lồng bè bị trôi dạt thì gia đình ông Chiểu chiếm 75 lồng bè, thất thoát 5-6 nghìn tấn cá ước tính gần 20 tỷ đồng. Đến nay, gia đình ông đang đóng lại lồng bè và ổn định chăn nuôi như trước, trang trại của ông hiện nay đã có khoảng 300 lợn nái đẻ, hơn 1000 con lợn thịt và 7 lợn đựa lấy phối giống. Bên cạnh các chi phí chăn nuôi thì thu nhập của gia đình ông Chiểu hiện nay khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Hoàng Linh - Đức Mậu

Hoàng Linh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/lam-giau-tay-trang-thanh-ty-phu-nho-nuoi-ca-tren-song-hong-d106853.html