Tay trắng lập nghiệp, giúp người lao động nghèo

Từ tay trắng, anh Nguyễn Trọng Duật (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) đã mạnh dạn tìm hướng đi mới, lập cơ sở sản xuất tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nghèo.

Sản phẩm của cơ sở Duật Phượng có chất lượng cao, giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp nên bán rất chạy. Ảnh: MINH LÝ

Cơ duyên với nghề chổi đót

Tốt nghiệp Cao đẳng Xây dựng Hà Nội (năm 2011), anh Nguyễn Trọng Duật, (SN 1989, trú thôn 8, Sơn Trường, Hương Sơn, Hà Tĩnh), theo nghề xây dựng một thời gian rồi nghỉ. Phần vì lý do sức khỏe, phần do lương thấp không đảm bảo cuộc sống. Trong một lần đến chơi nhà một người quen là chủ xưởng làm chổi đót ở Hà Nội, Duật thấy thích thú và quan tâm tìm hiểu. Anh ngồi chăm chú quan sát từng công đoạn, nhận thấy nghề này phù hợp với điều kiện và nhu cầu cuộc sống người dân miền sơn cước.

Thấy Duật có hứng thú đặc biệt, chủ cơ sở là bà Nguyễn Thị Liên chân tình: “Nếu cháu thích nghề này, dì truyền nghề cho, rồi về quê làm ăn lập nghiệp”. Duật nhận lời. Được sự hướng dẫn tận tình của bà Liên, Duật làm quen với các nguyên liệu, rồi tự tay kết thử một cái chổi từ đầu đến cuối. Về quê, Duật xây dựng gia đình với chị Nguyễn Thị Bích Phượng - quê ở Nga Lộc, huyện Can Lộc - người bạn gái đã gắn bó với anh trong những giai đoạn rất khó khăn.

Gian nan lập nghiệp

Ổn định cuộc sống, đôi vợ chồng trẻ bắt tay vào làm nghề từ con số không. Không có vốn, vợ chồng Duật gặp rất nhiều khó khăn. Hai vợ chồng xin bố mẹ cầm sổ đỏ để vay vốn ngân hàng, nhưng cũng chưa đủ, nên phải nhờ cậy anh em, bạn bè. Bước đầu, Duật làm một số cái để thăm dò thị trường, bằng cách mang chổi ra gửi tại các kiốt quen biết nhờ bán hộ… Sau một thời gian mỏi mòn chờ đợi, cuối cùng sản phẩm của Nguyễn Trọng Duật cũng có người mua. Vui mừng trước những sản phẩm của mình đã được người tiêu dùng đón nhận, Nguyễn Trọng Duật quyết định mở xưởng dịch vụ làm nghề đan chổi đót.

Giải quyết nguyên liệu đầu vào, Nguyễn Trọng Duật xuống huyện Thạch Hà để tìm mua nguyên liệu, nhưng giá quá cao. Duật phải nhờ người mua từ Lào với giá 34 triệu đồng/tấn. Chưa bằng lòng, để sản phẩm có giá thành cạnh tranh, Nguyễn Trọng Duật tự mình sang Lào tìm mua cây đót với giá 25 triệu đồng/tấn. Nhập hàng về, Duật dùng máy tuốt đập sạch hoa cây đót, rồi xử lý thuốc chống nấm mốc và cho vào kho bảo quản để làm quanh năm.

Việc cần người, anh chọn các lao động thuộc hộ nghèo, già cả trong địa phương, với tâm niệm: “Tôi muốn giúp bà con có thu nhập, cải thiện cuộc sống”. Nghề này không cần thể lực to khỏe, mà cần sự cần cù, cẩn thận, chịu khó, nên phụ nữ, người già đều có thể làm.

Sau gần 5 năm làm nghề, cơ sở làm chổi đót của vợ chồng Duật - Phượng đã có chỗ đứng trên thị trường, sản phẩm bền, đẹp, giá cả hợp lý, nên được khách hàng ưa chuộng. Các bạn hàng từ Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình tìm đến mua sỉ.

Hiện tại, cơ sở chổi đót Duật - Phượng đã tạo công ăn việc làm cho 5 lao động thuộc diện hộ nghèo, mức thu nhập ổn định từ 4,5 triệu đồng/người/tháng. Bình quân mỗi tháng 2 lần xuất hàng, mỗi lần xuất từ 2.000-2.200 chổi với giá bán 20.000đ-22.000đ/chiếc. Doanh thu từ 45-50 triệu đồng/tháng, trừ các chi phí khác mức thu nhập bình quân của gia đình đạt từ 15-20 triệu đồng/tháng. Tuy chưa phải “đại gia”, song mức đó quả là đáng mơ ước ở vùng quê nghèo.

Nguyễn Trọng Duật chia sẻ: “Thành quả bước đầu đã có, nhưng còn khiêm tốn. Nhu cầu thị trường hiện rất lớn, sản phẩm của cơ sở tôi có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập (Thái Lan). Tôi mong muốn các cơ quan chức năng ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh tạo điều kiện, quan tâm cho vay vốn mở rộng quy mô sản xuất, để tạo thêm nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các lao động nghèo ở địa phương”.

MINH LÝ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/tay-trang-lap-nghiep-giup-nguoi-lao-dong-ngheo-550190.ldo