Tây Tạng: Tiễn đưa một chén quan hà

Những ngày cuối ở Tây Tạng, chúng tôi xuống núi, người thì tranh thủ mua một vài món hàng đặc sản, đồ lưu niệm; người thì thử sức leo lên những đỉnh núi cao ngất hoặc khám phá một vài tu viện cổ.

Tôi không dám trở thành người “xấu máu đòi ăn của độc”, chỉ quanh quẩn góc phố xem người qua lại, vừa đỡ mệt, vừa biết được thêm cuộc sống của dân tình.

Suốt nửa tháng có mặt nơi đây, tôi không thấy bóng dáng một cảnh sát, công an và dường như không thấy một cơ quan hành chính nào hiện hữu. Đại Thiền sư chính là người coi sóc, đóng vai trò lãnh đạo chính quyền, luật pháp chủ yếu được hóa thân vào tục lệ, đạo đức. Không có kẻ móc túi, không có người lường gạt, cũng không hề có một sự cãi lộn, ẩu đả nào ngoài phố. Bình yên và thân thiện; đức tin và hỷ xả, từ bi là những giá trị xã hội chỉ có ở miền đất xa xôi này. Người dân bằng lòng với những gì tạo hóa ban cho họ, không có đòi hỏi gì về vật chất, không tỵ ghen và đố kị: “Ai nhất thì ta thứ nhì – Ai mà hơn nữa, ta thì thứ ba” nên họ cảm thấy hạnh phúc.

Sản phẩm xa xỉ này chỉ cần xuôi về phía đông 700 km là mất dạng y như phép tráo hình của phù thủy!

Tôi đã lo hơi xa với quan điểm bảo thủ tiềm ẩn trong tư duy, nhưng tự biện bạch cho mình, không phải không có lý khi thả bước trên một đoạn phố ngắn duy nhất của Golog. Một Tây Tạng thuần khiết như trong quá khứ đang thay đổi nhanh chóng sang hướng khác, đang bị kỷ nguyên thông tin và những ý đồ được ngụy trang bằng sự biện minh của kẻ mạnh đã từng giờ làm biến dạng.

Các biển cửa hàng trên phố đều được ghi bằng tiếng Trung Quốc và vẽ các hình minh họa bắt mắt. Hàng thực phẩm thì vẽ một quả dưa to tướng; hàng lưu niệm thì vẽ vòng cổ, tràng hạt; hàng quần áo thì quảng cáo một thanh niên diện bộ Âu phục… và các quảng cáo hàng công nghệ. Chỉ dừng hơn nửa tiếng dưới phố, người tôi đã lầm bụi vì hàng chục chiếc xe máy phân khối lớn, nhãn hiệu Tàu, rú ga và nhả khói. Các chàng trai người Tạng đã nhanh chóng tiếp nhận văn minh thị thành trong cách ăn vận, để tóc và du nhập các cử chỉ cố tỏ ra galăng và sành điệu như những tay chơi tỉnh lẻ. Nhưng dẫu sao thì trên khuôn mặt của họ vẫn mang đậm sự chất phác, đôn hậu của người Tây Tạng, vẫn nhìn người ngoại quốc bằng con mắt xa lạ và khiêm cung.

Hàng Trung Quốc đã tràn lên Tây Tạng bằng những chuyến xe con thoi, buổi sáng xuất phát từ thủ phủ Thanh Hải, chập tối đã có mặt ở Lasha hoặc Golog. Đồ điện tử, đồ nhựa, đồ chơi, đồ lưu niệm, áo quần, thức ăn, muốn mua gì cũng có. Mấy thứ vòng, cườm, tràng hạt mà mấy du khách hí hửng mua ngoài tiệm, cứ tưởng là do dân Tây Tạng làm ra, nhưng thực chất là của mấy ông Tàu Trung Nguyên sản xuất.

Sự thâm nhập của văn minh công nghiệp đang theo thời gian biến cải truyền thống Tây Tạng, làm mai một cái Viện Bảo tàng Phật học sống của nhân loại. Đã nghe đâu đây tiếng nhạc xập xình chen lẫn với tiếng kinh kệ; đã nghe những tiếng còi xe máy chối tai át đi tiếng chuông thỉnh ngọ; đã nghe những tiếng gọi điện thoại oang oang giữa không gian trầm tịch…

Rồi tôi lại thấy một vài nhóm thanh niên diện quần bò rách, đội mũ Joke, cổ đeo tràng hạt, cưỡi xe máy phân khối lớn lượn đi, lượn lại, tụm năm, tụm ba. Và tôi bỗng sợ một ngày nào có dịp quay trở lại, biết đâu tại đây lại xuất hiện các quán nhậu, đỏ đen, cắt tóc gội đầu đèn mờ giữa miền đất thiêng này? Rồi biết đâu khi đó, ăn một bát mì, cắn một quả táo lại phải giật mình vì thuốc trừ sâu, tăng trọng của Trung Hoa? Bức tường truyền thống cũ kỹ làm sao mà chống chọi lại thế vỡ bờ của làn sóng thành thị hóa đang như thác lũ đổ về?
Mang nặng trong lòng những ý nghĩ ngổn ngang và mung lung, tôi trở về nhà khách để thu xếp hành trang. Thế là lại rời xa Tây Tạng, xa nỗi lo âu của người trần, để trở lại nơi mà công việc đầy áp lực theo sự dẫn dắt của manh áo, bát cơm; của những cung bậc tham, sân, si vô minh lúc nào cũng hiện diện.

Chúng tôi rời Golog từ sáng tinh mơ, các Lama chuyển đồ đoàn ra tận xe và vái chào cung kính. Đức Hungkar Dorje Rinpoche đang đi giảng pháp ở xa, một Thiền sư thay mặt Ngài đến gặp từng người choàng khăn và trao lời chúc phúc. Tên của người Tạng khó nhớ, nhưng chúng tôi nhớ từng khuôn mặt mộc mạc luôn toát lên sự mộ đạo thành kính, từng cử chỉ chậm rãi, không vồn vã bao giờ và dáng người cao ráo của họ. Món quà duy nhất họ có và tặng lại cho chúng tôi là những vòng tay hay tràng hạt như là sự gửi gắm tình cảm và lời chúc lên đường mà họ đã âm thầm chuẩn bị sẵn trước đó.

Những ngôi chùa đã xa dần, những người dân cần mẫn đi nhiễu tháp đã mờ xa trông như những chấm đen di động, những con chó nòi Tây Tạng nằm bên vệ cỏ ngước đôi mắt vô hồn sau một đêm lạnh giá, và cho đến khi ngọn Bảo Tháp dát vàng cao ngất đã khất hẳn sau những khúc ngoặt, tôi mới thấy lòng mình se lại.

Con đường xuống núi cũng “vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh” không kém lúc lên núi. Nghe nói năm sau, Trung Quốc sẽ khánh thành một sân bay ở Tây Tạng để đón khách du lịch, lúc đó, chắc con đường này chỉ dùng cho khách nội địa, còn du khách ngoại quốc chủ yếu sẽ chọn con đường hàng không vừa nhanh vừa đỡ tổn hao sức khỏe.

Nghỉ lại Xining một đêm và hôm sau chúng tôi ra sân bay. bay theo hướng Nội Mông, không quay về Vũ Hán.

Sau bốn tiếng bay, chúng tôi đến sân bay Urumchi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương ở phía Tây Bắc Trung Quốc. Đây là một sân bay lớn và quan trọng, là trung tâm hoạt động của. Đây là trung tâm hoạt động của các hãng hàng không China Southern Airlines và Hainan Airlines. Một số chuyến bay sang Nga của Kazakstan và ngược lại cũng transit qua sân bay này. Cũng như ở Vũ Hán, Urumchi nóng kinh hoàng. Chúng tôi chọn một của hàng ăn nhanh, gọi một cốc nước lấy lệ để có ghế ngồi. Trong số khách đông nghịt gọi nhau í ới, có cả khách Nga và một số khách Ấn Độ.

Tôi cứ tưởng ở Vũ Hán, người ta làm thủ tục an ninh hàng không đã là kinh khủng, nhưng so với Urumchi, thì quá đỗi nhẹ nhàng: hai lần nhân viên tự tay kiểm tra, soi xét tỉ mỉ đến tận gấu áo, lót đế giày. Đây là vùng cư dân Ngô Duy Nhĩ sinh sống và không ít lần đã có những vụ khủng bố máy bay và đánh bom ngay tại Bắc Kinh, nên các động thái của an ninh Trung Quốc thận trọng và kiên quyết hơn các sân bay thành phố khác.

So với khoản phục vụ thì máy bay hãng Aeroflot của Nga hơn hẳn hãng China Southern Airlines nhiều bậc, nhân tiện cũng quảng cáo cho họ một chút, mùa hè năm nay, Aeroflot được xếp hạng là hãng máy bay có chất lượng phục vụ tốt nhất châu Âu, và thành phố Matxcova được đánh giá là một trong 16 thành phố đẹp nhất thế giới.

Mặc dù tình yêu với nước Nga trong tôi bấy nhiêu năm dường như chưa suy suyển, nhưng tự nơi thẳm sâu của trái tim đã xuất hiện những vết dằm. Ba chục năm qua, mỗi lần qua Nga, tôi lại được tận mắt chứng kiến cảnh đồng bào Việt bị hành ở sân bay mà chua xót. Người Việt sang Nga thường đáp xuống hai sân bay lớn là Đomođeđovo ở phía Tây Nam và và Seremetievo ở phía đông Bắc. Mỗi chuyến bay bây giờ chí ít cũng gần ba trăm rưỡi hành khách, thế nhưng qua Seremetivo gần một tram cửa ra vào, thì người Việt được dành “duy nhất” hai cửa kiểm tra biên phòng 15 và 16. Mỗi người qua cửa đều bị soi đi, soi lại mươi phút, có người những nửa giờ, khi ra đến chỗ lấy hàng thì chỉ còn một đống lù lù những va ly, hòm giấy bị gạt ra khỏi đường chuyền. Đấy là chưa kể mỗi chuyến thường có mươi người bị nazad, nôm na là trục xuất trở lại.

Còn tại sân bay Đomođeđovo, khi hành khách Việt Nam ra khỏi cửa máy bay, chạy đôn, chạy đáo ra gần cửa biên phòng, thì hình ảnh ấn tượng nhất là bao giờ cũng có một nữ nhân viên công lực đứng sắn trước lối rẽ giơ tay hét rất to như hô khẩu hiệu: Việt Nam! Việt Nam!, có nghĩa là lối này chỉ để cho người Việt Nam làm thủ tục, còn các quốc gia khác thì tự do, tùy chọn. Và cung cách kiểm tra ở sân bay, cũng như ở Seremetievo, thậm chí có phần nghiệt ngã hơn.

Về cái câu trả lời, tại sao lại dẫn đến đến cơ sự này, thì có thể dùng một câu ngạn ngữ Việt là “tại anh, tại ả, tại cả hai bên” và đi ngược lại thời gian ba chục năm mới thấu tỏ.

Theo dòng người từ Nội Mông - Trung Hoa, tôi cùng mấy bạn đồng hương rời khỏi máy bay tiến nhanh về các cửa biên phòng bật đèn xanh chờ sẵn. Những hành khách Trung Hoa xếp hàng, chìa hộ chiếu ra, một phút, đóng dấu cộp và đi ra nhận hành lý. Đến lượt tôi, một nữ nhân viên biên phòng, cầm lấy quyển hộ chiếu có màu xanh không lẫn được, buông ra hai tiếng: Việt Nam!? không hiểu là để hỏi hay bày tỏ thái độ ngạc nhiên. Tôi trả lời cũng ngắn và gọn: Đa! Việt Nam! nghĩa là: Vâng, Việt Nam!

Cô ta săm soi tấm hộ chiếu cho qua máy, sau đó lại dùng kính lúp soi từng chữ, từng nét, từng chữ trên con dấu một hồi lâu rồi lạnh lùng bảo tôi đứng chờ. Và những hành khách Trung Hoa lại lần lượt đợi một tiếng cộp để đi qua. Còn mấy người bạn Việt của tôi cũng rơi vào cảnh tựa lưng đứng chờ tương tự.

Tôi không nói, cũng không biểu lộ một thái độ gì, không bực dọc, không sốt ruột, lặng lẽ mở cặp lấy sách ra để đọc, một phần giết thời gian, một phần tránh cái nhìn của mấy ông Trung Hoa như chực hỏi vì sao vậy. Trong những năm ở Nga, tôi đã sáu lần hết hạn hộ chiếu và đổi lại, đã qua sân bay không dưới một trăm lần, nhưng cái cảm giác đã qua là sẽ bị hành vẫn còn nguyên vẹn. Tôi thông cảm với các vị công an biên phòng Nga ở chỗ tên của người Việt có các dấu khó tra tìm, ví dụ Tú, cũng có thể là Tư, cũng có thể là Từ, cũng có thể là Tự; họ người Việt thì đa phần là họ Nguyễn. Nhưng quả thật khó chấp nhận được thái độ “mục hạ vô nhân”, khó tìm ra trên khuôn mặt băng giá của họ một sự động đậy của các cơ tung, cơ hoành cái mà người ta gọi là cười. Ai đã từng qua châu Âu, rồi sau đó qua lại Nga thì mới rõ ràng hơn trong sự so sánh!

Cuối cùng, còn mình tôi, cô nhân viên mắt xanh lè không nói gì, gật đầu và đóng cộp cái dấu hình chữ nhật sáng loáng. Tôi cũng không nói gì, với tay lấy cái bảo bối màu xanh sau bốn chục phút đứng chờ, chân tê dại, lặng lẽ rời khỏi cửa biên phòng.

Và Tây Tạng giờ đây đã cách xa vời vợi. Suốt hai tuần, dù mệt nhọc, dù thiếu thốn, nhưng tôi được hưởng sự bình an, xa hẳn bụi trần với bao lo toan, bận rộn; được chiêm nghiệm cuộc sống của những lương dân nơi đất Phật; được thấu tỏ một phần duyên kiếp và ý nghĩa của cuộc đời để hiểu hơn về giáo lý “có Trời mà cũng có ta” mà cụ Tố Như đã viết ra cách đây hơn hai thế kỷ.

Nhà Thơ Nguyễn Huy Hoàng

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/tay-tang-tien-dua-mot-chen-quan-ha-n125207.html