Tây Phong - 'Gã điên' và tác phẩm nhạc kịch không hề 'điên'

Tối 19, 20/11, trong giờ giải lao của buổi công chiếu vở nhạc kịch Cuộc sống Paris (La Vie Parisienne) do Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HSBO) dàn dựng và biểu diễn, nhiều khán giả hỏi nhau Tây Phong - đạo diễn của vở là ai?

Những câu hỏi đó xuất phát từ cảm giác hài lòng khi được thưởng thức một vở nhạc kịch made in Việt Nam bài bản, đồng đều từ nhạc đến kịch và diễn xuất.

Nhạc kịch opera mang phong cách Broadway

Cuộc sống Paris là vở opera nổi tiếng ra đời từ năm 1866, do nhà soạn nhạc người gốc Đức Jacques Offenbach - một tên tuổi được kính trọng trong làng nhạc cổ điển Pháp - soạn nhạc với phần kịch bản và lời hát của Henri và Ludovic Halévy. Vở được xếp vào dòng operetta - thể loại mà âm nhạc không quá nặng nề và nội dung dễ hiểu hơn opera thật sự.

Câu chuyện được đề cập trong vở diễn là cuộc sống của người dân Paris thuộc đủ tầng lớp ở thế kỷ 19 với những trò đùa, âm mưu tình ái. Đã có rất nhiều bản dựng của vở này được ra đời trên khắp thế giới, và câu chuyện mà Cuộc sống Paris đề cập đến dường như là câu chuyện phổ quát của nhiều đô thị luôn sục sôi không khí của bon chen và tham vọng.

Một cảnh hấp dẫn, kịch tính trong vở nhạc kịch "Cuộc sống Paris" (Ảnh: Hữu Thuận)

Vở diễn này cũng đã từng được Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng từ nhiều năm trước với một bản dựng hoàn toàn bằng tiếng Việt. Còn bản dựng của HSBO vẫn sử dụng tiếng Pháp ở phần ca khúc và diễn viên chỉ thoại bằng tiếng Việt để giữ được sự hài hước trong các ca khúc một cách nguyên bản.

Để dựng được vở diễn này, HBSO đã huy động toàn bộ diễn viên ở cả 3 đội nhạc, vũ và kịch tập luyện và tham gia. Ngoài ra còn những cái tên nổi trội trong làng nghệ thuật hàn lâm Việt Nam như các ca sĩ Duyên Huyền, Khánh Ngọc, Đào Mác, Trung Kiệt, Thành Tâm… Nam Khánh - cựu thành viên nhóm nhạc AC&M cũng tham gia một vai diễn trong vở. Bên cạnh đó, HBSO còn mời nhạc trưởng Patrick Souillot từ Pháp sang chỉ huy dàn nhạc.

Tuy có bối cảnh đơn sơ và chủ yếu mang tính ước lệ, nhưng sự đồng đều từ âm nhạc, diễn xuất và giọng ca của các diễn viên đã tạo ra một vở nhạc kịch hấp dẫn, dễ cảm với khán giả Việt Nam.

Tây Phong - Nhân vật đáng để tò mò

Tây Phong tên thật là Lê Thanh Phong, kẻ được bạn bè gọi là “Phong điên” với sự trìu mến, trân trọng. Bởi Phong đẹp trai, “manly”, hát hay và có rất nhiều ý tưởng điên rồ.

Ngay cái tên Tây Phong cũng gây tò mò nhưng thật ra cũng rất dễ lý giải. Đây là cái tên được đặt từ khi anh tham gia nhóm nhạc rock Containner - nhóm nhạc đã giành giải nhất cuộc thi Battle of the Band 2011. Ở nhóm nhạc này, 4 thành viên lấy tên đệm là 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.

Đạo diễn Tây Phong

Nhóm nhạc này đã không còn nhưng con đường âm nhạc của Tây Phong thì tiếp diễn đầy sóng gió, giống như cách Phong bước chân vào nghệ thuật. Tây Phong học khoa Thanh nhạc của Nhạc viện TP.HCM. Đang học, Phong cũng đi hát và đã kinh qua đủ các sân khấu ca nhạc lớn ở Sài Gòn, từng lập nhóm hát là tiền thân của nhóm AC&M sau này, rồi lại chuyển qua nhạc rock.

Thế nhưng, thể loại mà Phong say mê lại là jazz, thứ âm nhạc gần như không còn chút đất nào ở Việt Nam hiện nay. Vậy là Phong học tiếp ngành sư phạm thanh nhạc và trở thành thầy giáo dạy thanh nhạc của nhiều ca sĩ trẻ.

Nhưng Phong chưa dừng nghiệp học ở đó, anh đầu quân vào trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, theo học ngành đạo diễn sân khấu và đã tốt nghiệp. Vở diễn tốt nghiệp của Tây Phong mới được sân khấu Hồng Hạc dàn dựng và đưa vào biểu diễn từ tháng 12 tới đây.

Quá nhiều bước đi và những điều kiện để Tây Phong có thể lao vào nhạc kịch. Phong nói rằng anh rất may mắn khi niềm đam mê của mình gặp được ý tưởng lớn của HBSO - tập thể của những nhà cầm quân rất coi trọng việc thể nghiệm. Họ đã tin tưởng mời Tây Phong cộng tác thực hiện vở diễn này.

3 tháng tập luyện và chỉ tận dụng được vài ba buổi chạy chương trình trên sân khấu Nhà hát TP.HCM nhưng những gì Tây Phong và các nghệ sĩ cho khán giả thấy trong hai đêm công diễn vừa rồi rất đáng để hy vọng vào những tác phẩm lớn hơn. Và cao hơn là một nền móng cho những vở nhạc kịch made in Việt Nam.

Dương Vân Anh
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/tay-phong-ga-dien-va-tac-pham-nhac-kich-khong-he-dien-n20161121070242125.htm