Tây Ninh tìm hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp bền vững

Toàn tỉnh Tây Ninh hiện có quỹ đất nông nghiệp hơn 346 nghìn ha; hệ thống tưới tiêu phong phú với hồ Dầu Tiếng, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Ðông; lượng mưa trung bình đạt 1.600 đến 1.800 mm/năm... Song những năm qua, tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ khiến năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi chưa cao. Nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nền nông nghiệp, Tây Ninh đang thực hiện những hướng đi mới giúp người nông dân làm giàu ngay trên mảnh đất của mình.

Toàn tỉnh Tây Ninh hiện có quỹ đất nông nghiệp hơn 346 nghìn ha; hệ thống tưới tiêu phong phú với hồ Dầu Tiếng, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Ðông; lượng mưa trung bình đạt 1.600 đến 1.800 mm/năm... Song những năm qua, tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ khiến năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi chưa cao. Nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nền nông nghiệp, Tây Ninh đang thực hiện những hướng đi mới giúp người nông dân làm giàu ngay trên mảnh đất của mình.

Xác định cây trồng, vật nuôi chủ lực

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Võ Ðức Trong cho biết, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tỉnh đã đề ra những mục tiêu cụ thể, như quy hoạch các vùng sản xuất để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 800 ha (đến năm 2020) và 1.800 ha (đến năm 2030). Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 40% diện tích các loại nông sản là thực phẩm được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, Organic, tỷ lệ này đến năm 2030 sẽ tăng lên 60%. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm hơn 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh, năm 2030 sẽ tăng lên 50%. Tương tự, ngành nông nghiệp Tây Ninh phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất mỗi ha đất nông nghiệp đạt 130 triệu đồng và 264 triệu đồng vào năm 2030.

Ðể đưa kế hoạch này vào thực tế, ngành nông nghiệp xác định các cây trồng, vật nuôi chủ lực để đầu tư trong tương lai. Như tập trung một số loại cây trồng: khoai mì (sắn), rau củ, cây ăn quả đặc sản (mãng cầu (na), chuối, xoài, bưởi, thơm (dứa)), cây cao-su, cây mía; các loại con: gà, heo, bò. Trong số này, tỉnh giảm diện tích các loại cây trồng truyền thống như lúa, mì, cao-su để phát triển mạnh các cây trồng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, chế biến và xuất khẩu. Ðơn cử, đối với các loại rau, củ, trên cơ sở cân đối diện tích trồng lúa, cây hằng năm khác, ngành nông nghiệp sẽ dành khoảng 1.000 đến 1.500 ha đất chuyên canh trồng rau. Ngoài ra, cũng bố trí khoảng 25 nghìn ha trồng cây khác luân canh với cây lúa. Ðến năm 2020, các loại cây ăn quả đặc sản sẽ tăng thêm diện tích, như: mãng cầu tăng lên hơn 5.100 ha, chuối là 6.000 ha, bưởi lên 1.500 ha,…

Theo kế hoạch, khi đã xác định được các loại cây trồng chủ lực, tỉnh phân vùng cây trồng chuyên canh. Cụ thể, đối với vùng một, với diện tích khoảng 286 nghìn ha (hơn 69% đất tự nhiên của tỉnh) ở các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, một phần Bến Cầu, Trảng Bàng sẽ sản xuất các loại cây trồng tập trung. Trong khi đó, ở vùng hai, diện tích đất sẽ tập trung cho sản xuất nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao và chăn nuôi. Trong lĩnh vực chăn nuôi, Sở NN và PTNT trình UBND tỉnh xem xét giảm quy mô đàn trâu, tăng quy mô đàn bò, lợn, gia cầm. Hiện toàn tỉnh có khoảng 10 nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ðể áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, tăng năng suất, giảm giá thành, tỉnh triển khai áp dụng hình thức chăn nuôi trang trại, theo phương thức bán công nghiệp và công nghiệp với mục tiêu chăn nuôi trang trại và gia trại đạt 20 đến 25%, bò sữa 100%, nuôi lợn 80 đến 85%, nuôi gà 90 đến 95% và nuôi vịt là 75 đến 80% vào năm 2020.

Những kết quả bước đầu

Nhận thấy những tín hiệu tích cực từ việc thay đổi chính sách thu hút đầu tư của chính quyền, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đã đến "dạm ngõ" với những cam kết đầu tư nghiêm túc. Dự án của Công ty Borna VN (công ty 100% vốn Hàn Quốc) đã chính thức ký cam kết hợp tác đầu tư trồng mới và bao tiêu sản phẩm chuối Cavendish xuất khẩu trên diện tích 200 ha; Công ty CP Lavifood (chuyên xuất khẩu trái cây đông lạnh) tại Long An cũng đã đầu tư trồng và bao tiêu các loại sản phẩm trái cây như thơm (dứa), xoài… với sản lượng khoảng 25 nghìn tấn/năm... Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư từ châu Âu, Nhật Bản cũng đã có những cuộc khảo sát, tìm hiểu về mảnh đất đầy tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp này.

Khoảng cách từ kế hoạch, dự tính đến thực tế là một bước đi rất dài, nếu không muốn nói là khó khăn. Ðể vượt qua thử thách này, ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh nói riêng, chính quyền tỉnh Tây Ninh nói chung đang có những bước đi cụ thể, cẩn trọng để hiện thực hóa giấc mơ đưa ngành nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai. Triển khai bước đầu cho mơ ước này, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện nhiều đề án kêu gọi người dân cùng tham gia thực hiện các dự án cánh đồng lớn với cây mía, lúa. Với sự đồng hành của các doanh nghiệp, hiện Tây Ninh đã xây dựng được ba cánh đồng mẫu lớn tại các xã Trà Vong (huyện Tân Biên), xã Cầu Khởi (huyện Dương Minh Châu) và xã Long Phước (huyện Bến Cầu). Ðây là mô hình có sự tham gia liên kết của "bốn nhà" (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và Nhà nước) nhằm nâng cao giá trị sản xuất, giá thành và chất lượng sản phẩm. Với cây lúa, trong năm 2016, tỉnh vận động nông dân tham gia cánh đồng lớn, bước đầu đạt được những kết quả thuận lợi. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức đi đến các địa phương học tập kinh nghiệm các mô hình điểm về nông nghiệp công nghệ cao ở trong nước và nước ngoài. Nhấn mạnh điều này, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Trần Lưu Quang cho biết: Trong thế giới phẳng hôm nay, để thấy được cái hay, cái tốt cho địa phương, chúng ta phải kết nối với thế giới chung quanh. Tây Ninh đang nỗ lực đưa nông nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nên những chuyến đi tham quan học hỏi sẽ cung cấp cho tỉnh những cái nhìn mới và chọn lọc để phát triển.

Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo chủ trương của Chính phủ và Bộ NN và PTNT, các cơ quan chức năng cũng tiến hành tái cơ cấu trong nhiều lĩnh vực liên quan, tạo thành một khối thống nhất, đồng thuận để đạt mục tiêu đề ra. Tỉnh đẩy mạnh áp dụng các công nghệ tiên tiến, xây dựng khu chế biến rau an toàn, khép kín, đúng quy trình; liên kết với các trường đại học, cao đẳng, nhất là các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển để đào tạo lao động trực tiếp tại các nông hộ, trang trại, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bộ máy các cơ quan chức năng... Chủ tịch HÐQT Công ty Organic Life Lê Thành, đơn vị đang hợp tác với Công ty TNHH Hưng Thịnh thực hiện các dự án nông nghiệp công nghệ cao nhấn mạnh: Một trong những yếu tố quyết định việc thành công khi làm nông nghiệp công nghệ cao là nhân lực. Lĩnh vực này đòi hỏi những người có trình độ chuyên sâu để có thể chuyển giao, hướng dẫn nông dân trồng trọt, chăn nuôi một cách hiệu quả.

Theo Giám đốc Sở NN và PTNT Tây Ninh Võ Ðức Trong, một trong những bài toán đặt ra trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp là nguồn vốn thực hiện. Theo dự toán, trong hai giai đoạn thực hiện (2016 - 2020 và 2021 - 2030), ngành nông nghiệp cần hơn 89 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn ngân sách địa phương còn khó khăn, tỉnh sẽ tính đến việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp bằng những chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp; đồng thời có những chính sách hỗ trợ khuyến khích, tạo động lực cho nông dân tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Bài và ảnh: QUANG QUÝ

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/31656102-tay-ninh-tim-huong-di-moi-trong-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung.html