Tây Ninh gặp khó trong dạy nghề cho lao động nông thôn

Đó là ý kiến nhận xét của Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Tây Ninh Dương Văn Phú về tình hình thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2016 đến nay.

Cụ thể, công tác đào tạo nghề hiện vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Kinh phí đào tạo nghề ngắn hạn vẫn dựa vào nguồn ngân sách, chưa có hướng đi trong thu hút các nguồn lực khác cùng tham gia; Trình độ học viên trong lớp không đồng đều, thời gian dự học không ổn định đã ảnh hưởng đến kết quả học nghề; Các đơn vị tuyển dụng và đơn vị đào tạo nghề vẫn chưa có “tiếng nói chung” để sử dụng số lao động đã qua đào tạo, nhiều người vẫn tự tìm việc làm sau khi bỏ thời gian để đi học nghề. Người lao động sau học nghề vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để lập nghiệp;

Trong việc phê duyệt cho học viên học nghề lần hai thì giữa hai quyết định của Chính phủ đang có những quy định khá mẫu thuẫn khiến các địa phương, cơ sở dạy nghề rất khó khăn trong việc trình cơ quan nào xem xét trong các trường hợp. Cụ thể, tại Quyết định số 46/2015/28-9-2015 quy định “Riêng những người đã được hỗ trợ đào tạo nhưng bị mất việc làm do lý do khách quan thì UBND cấp xã xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề để chuyển đổi, nhưng không được quá ba lần”. Tuy nhiên, cũng những quy định tương tự nhưng ở Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 thì đơn vị quyết định xem xét hỗ trợ học nghề cho học viên lại là “UBND tỉnh”.

Theo kế hoạch, năm 2016, các đơn vị chức năng của tỉnh thực hiện đào tạo 150 lớp với hơn 4.700 học viên (tổng kinh phí hơn 7,4 tỷ đồng). Đến hết tháng 10, các đơn vị đã tổ chức được 122 lớp/ 3.804 học viên (đạt 79,88% kế hoạch năm) với 23 nghề đào tạo, trong đó nghề đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp là 94 lớp, trong lĩnh vực phi nông nghiệp là 28 lớp.

Theo ông Phú, công tác đào tạo nghề thời gian qua góp phần nâng cao nhận thức của người lao động đối với nhu cầu, yêu cầu nhằm phát triển nguồn nhân lực nông thôn, giảm nghèo, nâng cao mức sống, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới; Người học nghề sẽ có cơ hội tiếp cận các kiến thức, kỹ thuật mới trong sản xuất để nâng cao hiệu quả đối với công việc;…

Dịp này, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Tây Ninh cũng kiến nghị nên xem xét việc cho mở lớp học cho nhiều học viên ở các địa phương khác nhau bởi hiện nay, ở một địa phương, do số lượng học viên ít nên để mở một lớp học thường mất nhiều thời gian chờ đợi để đủ sĩ số.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/31228602-tay-ninh-gap-kho-trong-day-nghe-cho-lao-dong-nong-thon.html