Tây Ninh 'đặt cược' vào chuỗi giá trị nông nghiệp

Gần 2 tỉ USD là khoản tiền mà các nhà đầu tư trong nước và quốc tế cam kết đổ vào nông nghiệp Tây Ninh trong giai đoạn 2017 - 2020. Con số này được công bố tại Hội thảo quốc tế “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và mô hình điểm tại Tây Ninh” sáng 6.1.2017.

Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư vào chuỗi giá trị nông nghiệp tại Tây Ninh và xúc tiến thương mại tại Hoa Kỳ.

Chính quyền địa phương cam kết dành 1.800ha đất sạch, đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh. Sự hiện diện của những nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ… tại hội thảo phần nào cho thấy Tây Ninh định hướng tiếp cận những thị trường quốc tế có tiêu chuẩn chất lượng rất cao. Định vị thị trường đích là cơ sở để tính toán những ưu tiên, thực hiện cơ chế khuyến khích đầu tư quy mô và bài bản.

Từ một định hướng sai lầm...

Bí thư Tỉnh ủy Trần Lưu Quang thừa nhận Tây Ninh tụt hậu so với nhiều địa phương. Trữ lượng khoáng sản hóa thạch không đáng kể cả về lượng và giá trị, vô hình trung khiến địa phương tránh sập bẫy “lời nguyền tài nguyên”. Cơ sở hạ tầng cũng chưa thể so sánh với nhiều địa phương khác trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Là tỉnh biên giới, Tây Ninh cũng từng bị cuốn vào phong trào xây dựng khu kinh tế cửa khẩu. Tuy nhiên, mô hình duy ý chí này phá sản, lãng phí nguồn lực quốc gia. Vị trí địa lý bám trục đường xuyên Á tạo ra sự hưng phấn về tinh thần nhiều hơn là hiệu quả kinh tế khi mà bên kia biên giới là Campuchia.

Năm 2010, Việt Nam có kim ngạch thặng dư đáng kể với Campuchia nhưng cán cân thương mại qua cửa khẩu Mộc Bài lại thâm hụt. Nên chăng, ngừng tiếp “sâm” duy trì cơn hấp hối kéo dài của khu kinh tế có diện tích quy hoạch 21.300ha này. Nhìn tổng thể, lợi thế cạnh tranh tương đối duy nhất còn lại của Tây Ninh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có lẽ là cơ hội trong nông nghiệp.

Về lý thuyết, khi chỉ có một lựa chọn thì chính sách, nguồn lực khó bị phân tán. Diện tích đất nông nghiệp của Tây Ninh đạt 270.000ha, địa hình bằng phẳng, thuận lợi cho cơ giới hóa. Lợi thế đáng kể là tài nguyên nước, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Mạng lưới kênh rạch, đầm lầy nhận nước từ hai con sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông.

Ngược lên thượng lưu sông Sài Gòn là hồ Dầu Tiếng có dung tích hữu hiệu 1,45 tỉ mét khối. Trữ lượng nước ngầm có công suất khai thác 50.000-100.000m3/g đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tưới tiêu trong mùa khô. Tầng nước ngầm được bổ sung với lượng mưa trung bình hằng năm khoảng 2.000mm. Đây là nền tảng để Tây Ninh phát triển nhiều loại nông sản nhiệt đới, cụ thể là rau củ quả theo định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có nông nghiệp hữu cơ.

Định hướng phát triển nông nghiệp của Tây Ninh thuận theo diễn biến thị trường. Theo Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15.12.2016, rau củ quả có kim ngạch xuất khẩu đạt 2,3 tỉ USD, lần đầu tiên qua mặt dầu thô và gạo. Dù sự sụt giảm của dầu thô được giải thích rằng Việt Nam chủ động cắt giảm sản lượng do giá thành vẫn cao hơn giá thế giới, trong khi thất bại của ngành gạo chủ yếu là hệ quả của sai lầm chính sách tích tụ qua nhiều nhiệm kỳ thì cũng không thể phủ nhận được tốc độ tăng trưởng trên 36% của ngành hàng rau củ quả. “Rau củ quả nhiệt đới (Việt Nam) là nông sản mà nhiều quốc gia ôn đới không tự cung ứng được” - ông Raj Sharma - Chủ tịch Sunrise Orchards (Hoa Kỳ) - phát biểu.

Những tín hiệu vĩ mô có vẻ cũng đang ủng hộ vùng đất phên giậu phía Tây Nam. Gói tín dụng 60.000 tỉ đồng dành cho nông nghiệp công nghệ cao là kết luận quan trọng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam.

Đáng chú ý là Chính phủ sẽ hoàn thiện thể chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đầu tư các khu nông nghiệp công nghệ cao ở tất cả địa phương trên cả nước, và đặc biệt là “không bắt buộc phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 4.5.2015”. Hàm ý rằng những địa phương có tên trong quy hoạch cũng không còn “rung đùi” chờ tài trợ, mà phải cạnh tranh sòng phẳng để nhận được nguồn tín dụng hữu hạn này.

... Và sự lựa chọn không thể khác

Giới quan sát kỳ vọng Tây Ninh buộc phải cải cách thể chế để phục vụ chương trình công nghiệp hóa nông nghiệp. Xem xét chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Tây Ninh còn nhiều chỉ số thành phần cần cải thiện dù địa phương này đã thăng hạng đáng kể từ vị trí 54 (năm 2007) lên 16 (năm 2015). Tuy nhiên, quyết tâm cải cách có thể được thúc đẩy mạnh hơn do áp lực từ bên ngoài. Tại hội thảo, ban tổ chức công bố hợp tác xúc tiến tài trợ của Quỹ khí hậu xanh - Liên Hợp Quốc vào phát triển hệ thống chuỗi cung ứng lạnh cùng Tập đoàn United Technologies - Carrier - Mỹ.

Một kết thúc có hậu không chỉ tăng cường sức mạnh cho khâu chế biến, mảnh ghép có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị nông nghiệp, mà còn đồng nghĩa với đòi hỏi công khai minh bạch để nhà tài trợ thực hiện chức năng giám sát. Cũng đáng chú ý là ký kết hợp tác phát triển ứng dụng tiêu chuẩn GlobalGAP và Organic tại Tây Ninh với Control Union Việt Nam, ký kết hợp tác với Viện Rodale (Hoa Kỳ) về ứng dụng phát triển nông nghiệp hữu cơ… hay hợp tác xây dựng chợ đầu mối giữa Saigon Co-op và Công ty cổ phần đầu tư Kết nối xanh với tổng đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng. Dự án này sẽ thừa hưởng kinh nghiệm phát triển mô hình OTM - một trong những chợ đầu mối lớn nhất Nhật Bản.

Nông dân Tây Ninh thu hoạch bí xanh sản xuất theo chương trình VietGAP.

Một thách thức rất lớn đối với Tây Ninh là nguồn nhân lực. Chỉ tiêu “di cư thuần” của Tây Ninh có những năm bị âm (chẳng hạn như 2007 và 2010) phơi bày thực tế rằng cơ hội kinh tế tại địa phương này ít ỏi, để lại khoảng trống về lực lượng lao động có năng lực. Chính quyền địa phương đang đặt nhiều kỳ vọng vào dự án trường công nhân nông nghiệp do DIK - một tập đoàn Nhật Bản đầu tư tại Tây Ninh.

Đại diện DIK cho biết học viên của trường sau khi được đào tạo nghề và ngôn ngữ (tiếng Nhật) sẽ được gửi qua những trang trại của Nhật Bản thực hành rồi mới quay lại Tây Ninh làm việc. Dù nhiều thông tin chi tiết chưa được công bố nhưng người ta cho rằng dự án có triển vọng thành công khi đôi bên cùng thắng (win-win). Nông nghiệp Nhật Bản đang đối mặt với thách thức dân số già. Thời gian thực tập của học viên vô hình trung là một nguồn lao động bổ sung thường xuyên cho Nhật Bản, vừa trở thành một kênh giám sát chất lượng nông sản hữu cơ Tây Ninh khi tiếp cận thị trường này.

Ông Lê Thành - Viện trưởng Viện Nông nghiệp hữu cơ - trình bày một vài con số cũng rất đáng chú ý. Nếu lúa, khoai mì, caosu, mía đường hiện mang lại doanh thu xuất khẩu bình quân khoảng 2.410USD/ha thì rau củ quả là 6.000USD/ha. Quy mô thị trường cũng có sự khác biệt đáng kể. Thị trường rau củ quả toàn cầu khoảng 310 tỉ USD (trong đó chế biến chiếm 270 tỉ USD) so với 90 tỉ USD của lúa, khoai mì, caosu, mía đường gộp lại.

Nhiều năm qua, Tây Ninh đã quy hoạch các vùng trồng cây công nghiệp ngắn và dài ngày. Bốn loại cây chuyên canh gồm mía, khoai mì, caosu và đậu phộng với diện tích khoảng 150.000ha, theo một nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright công bố năm 2010. Khoai mì là loại cây công nghiệp gây xói mòn đất.

Định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có nông nghiệp hữu cơ, có thể gây ra xung đột lợi ích với nhóm cây công nghiệp truyền thống. Giải quyết mâu thuẫn tiềm tàng này như thế nào đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao của lãnh đạo chính quyền Tây Ninh. Có ý kiến cho rằng việc quyết định “thí điểm” chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập quốc tế cũng đồng nghĩa với việc những nhà lãnh đạo cao nhất Tây Ninh đã đặt cược sinh mệnh chính trị vào chương trình này.

Thượng Tùng

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/tay-ninh-dat-cuoc-vao-chuoi-gia-tri-nong-nghiep-630070.bld