Tây Ninh: Còn nhiều vướng mắc trong xử lý buôn lậu thuốc lá

Ban chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh phản ánh, sự chồng chéo trong các văn bản pháp luật hiện nay khiến công tác xử lý vi phạm của cơ quan chức năng còn gặp nhiều khó khăn.

Đối tượng và tang vật do Cục Hải quan Tây Ninh bắt giữ. Ảnh: Văn Hiếu.

Trong 9 tháng đầu năm 2016, các lực lượng chức năng và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh đã phát hiện và bắt giữ 681.479 gói thuốc lá điếu. Trong số này, lực lượng Hải quan Tây Ninh đã phát hiện, bắt giữ 7.706 gói; khởi tố hình sự 2 vụ. Các đối tượng bị khởi tố hình sự là Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1979), ngụ tại huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh điều khiển ô tô đầu kéo cất giấu phía dưới gầm rơ móc sau đuôi xe 2.000 gói thuốc lá điếu và Trần Vũ Toàn (sinh năm 1974, ngụ tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cất giấu 4 thùng giấy bên trong chứa tổng cộng 2.000 bao thuốc lá điếu nhãn hiệu Jet, màu trắng…

Ông Huỳnh Văn Đức, Cục trưởng Cục Hải quan Tây Ninh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh cho biết, mặc dù các lực lượng chức năng đã mạnh tay xử lý các đối tượng buôn lậu thuốc lá, nhưng vì tiền lời cao, sức hút mạnh từ thị trường, nên tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp với tính chất, quy mô ngày càng nghiêm trọng.

Cụ thể, thuốc lá nhãn hiệu Hero chênh lệch từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng/bao, Jet chênh lệch từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng/bao, Esse chênh lệch khoảng 4.000 đồng/bao, trong khi đó, thuốc lá hợp pháp đang bị áp thuế cao (thuế Tiêu thụ đặc biệt 65%, thuế GTGT 10%, thuế Nhập khẩu 135%, thuế Thu nhập doanh nghiệp 22%, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá 1,5%, phải in hình cảnh báo...) với những lợi nhuận chênh lệch cao khiến các đối tượng tìm mọi cách, sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi để vận chuyển trái phép thuốc lá lậu từ Campuchia về Việt Nam để tiêu thụ.

Trong khi đó, các chế tài xử lý đang còn chồng chéo, bất cập, gây khó cho việc xử lý hình sự các đối tượng buôn lậu. Tại khoản 2, Điều 25 Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được sửa đổi theo hướng giảm định lượng hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu phải chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự từ 1.500 bao như trước đây xuống còn 500 bao. Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản hướng dẫn xác định thế nào là số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn để làm tình tiết định khung hình phạt nên khi chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan tiến hành tố tụng thì lại bị vướng bởi quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch số 36/2012 ngày 18-4-2012 của Bộ Công Thương- Bộ Công an- Bộ Tư pháp-Bộ Y tế- Tòa án Nhân dân tối cao- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (quy định số lượng từ 1.500 bao đến dưới 4.500 bao mới là số lượng lớn), nên không truy cứu trách nhiệm hình sự được.

Ngoài ra, theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh, Nghị định số 59/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện (được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 43/2009/NĐ-CP và hợp nhất theo Văn bản số 19/VBHN-BCT ngày 9-5-2014) thì “các loại pháo”, “thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu” thuộc Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014 không quy định cấm kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu, nhưng lại quy định sản xuất kinh doanh thuốc lá điếu là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đặc biệt, Hiệp hội Thuốc lá cho rằng một số quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 có thay đổi bất lợi đến công tác đấu tranh với vấn nạn này.

Theo đó, thuốc lá nhập lậu vào nhóm B. Đối với hàng hóa thuộc nhóm B để xử lý hình sự theo Điều 190 và 191 thì hàng giá trị phạm pháp phải tối thiểu bằng 100 triệu đồng đối với khung hình phạt 1; Giá trị hàng hóa 300 triệu đồng trở lên với khung hình phạt 2 và 500 triệu đồng đối với khung hình phạt 3. Đối với thuốc lá nhập lậu, mức này là rất cao.

Do các văn bản pháp luật không thống nhất như trên nên hiện nay việc xác định “hàng cấm” và xem xét trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi vận chuyển, tàng trữ pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu gây khó khăn cho các cơ quan áp dụng pháp luật.

Vẫn còn lúng túng trong xử lý thuốc lá lậu

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã bắt giữ rất nhiều vụ buôn lậu thuốc lá, trong đó có nhiều vụ mua bán, vận chuyển với số lượng lớn, nhiều vụ bị khởi tố hình sự. Thế nhưng, theo phản ánh của các địa phương, việc xử lý đối với hành vi mua bán, vận chuyển thuốc lá lậu vẫn còn nhiều lúng túng do các quy định chồng chéo.

Ban Chỉ đạo 389 một số tỉnh như Bình Phước, An Giang cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, thuốc lá là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nhưng Nghị định số 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lại quy định thuốc lá nhập lậu là hàng cấm, nên không có sự thống nhất giữa Luật và Nghị định, đã gây ra khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý, nhất là đối với các trường hợp đủ định lượng truy cứu trách nhiệm hình sự theo Nghị định 124. Bà Phạm Thị Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Bình Phước cho biết: “ Việc chồng chéo giữa quy định tại Luật Đầu tư 2014 và Nghị định 124/2015/NĐ-CP đã khiến công tác xử lý các vụ thuốc lá lậu rất khó khăn, nhất là việc xử lý giữa hành chính và hình sự cực kỳ nhạy cảm. Làm sao để đảm bảo xử lý đúng người, đúng hành vi là một vấn đề khó khăn”.

Đ.Nguyên

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tay-ninh-con-nhieu-vuong-mac-trong-xu-ly-buon-lau-thuoc-la.aspx