Tẩy chay

Phàm đã bỏ vốn làm ăn, ai cũng sợ sản phẩm của mình bị người tiêu dùng tẩy chay. Trên khắp thế giới, tẩy chay sản phẩm đã trở thành một quyền lực đáng nể của người tiêu dùng trong việc chống lại các công ty chỉ biết có lợi nhuận mà bỏ qua hết mọi chuẩn mực đạo đức kinh doanh.

Hãng hàng không United Airlines bị kêu gọi tẩy chay do đối xử thô bạo với một hành khách của mình. Ảnh: internet

Gần đây nhất là lời kêu gọi tẩy chay hãng hàng không United Airlines do hãng này đã đối xử thô bạo với một hành khách của mình. Câu chuyện tưởng rằng “bé xíu” đang trở thành cơn ác mộng của hãng hàng không khổng lồ này. Theo báo mạng Business Insider, chỉ vài ngày sau sự cố, Chính phủ Mỹ đã chính thức nhận được yêu cầu lên tiếng. Đáng chú ý là yêu cầu đặt ra cho Chính phủ Mỹ xuất phát từ kiến nghị của một sinh viên 18 tuổi không đầy 24 giờ sau đã nhận được 100.000 người ký ủng hộ - mức cần thiết buộc chính phủ phải có hành động. Thậm chí, Quốc hội Mỹ đã yêu cầu United Airlines tường trình về sự việc dù hãng đã thông báo hủy kế hoạch đưa tổng giám đốc điều hành hiện nay giữ ghế chủ tịch tập đoàn vào năm tới. Cuộc khủng hoảng United Airlines đang hứng chịu phần nào cho thấy sức mạnh của người tiêu dùng đối với các công ty.

Ở Việt Nam, có thể nói người tiêu dùng cũng đã ý thức được và phần nào biết cách sử dụng sức mạnh này, điển hình là lần tẩy chay sản phẩm bột ngọt Vedan năm 2010 do gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, cũng đã xuất hiện những cảnh báo về thiệt hại doanh nghiệp phải gánh chịu nếu người tiêu dùng tẩy chay hàng hóa của họ thiếu công bằng. Đây là điều có thể xảy ra. Tuy nhiên, không thể vì lo rằng một số doanh nghiệp bị tổn hại mà chúng ta giới hạn quyền bày tỏ thái độ của người tiêu dùng. Thay vì e dè, ngần ngại trước làn sóng tẩy chay, các cơ quan Nhà nước liên quan phải tạo ra các cơ chế nhằm bảo vệ hài hòa và hiệu quả quyền lợi của cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.

Thiết nghĩ, trong vấn đề này xây dựng cho được các hội đoàn thực sự mạnh có khả năng tập họp và hướng dẫn người tiêu dùng nhờ tạo được niềm tin cho họ phải là một mục tiêu của Nhà nước. Việc kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty - như sử dụng các fanpage (trang tập họp người hâm mộ) nhằm làm hại đối thủ - phải là một nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, chứ không thể nói đây là chuyện khó, hoặc đổ lỗi cho người tiêu dùng, sợ họ không biết phân biệt đúng sai.

Sử dụng đúng quyền tẩy chay, người tiêu dùng cho thấy sức mạnh đoàn kết của mình chống lại thái độ vụ lợi vô trách nhiệm của các doanh nghiệp. Đây là điều cần thiết, đặc biệt khi các doanh nghiệp vi phạm là các tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực tài chính vô cùng mạnh mẽ, không loại trừ khả năng khuynh loát quan chức chính phủ. Đối với người Việt trong thời điểm hiện nay, có một cái tên khiến chúng ta phải suy nghĩ. Đó là công ty Mỹ Monsanto.

Chuyện Monsanto bị tòa án quốc tế tại Hà Lan kết tội hủy hoại môi trường tại Việt Nam hồi tuần trước một lần nữa khẳng định công lý vẫn đứng về phía chúng ta. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định đây là hậu quả chiến tranh do tác động của chất độc da cam do Monsanto sản xuất. Theo vị này, Việt Nam “đề nghị Monsanto tôn trọng kiến nghị tham vấn của tòa án và sớm có những hành động thiết thực góp phần giải quyết hậu quả do chất độc da cam/dioxin để lại”.

Monsanto đã chính thức trở lại Việt Nam từ năm 2010, cung cấp giống biến đổi gen và thuốc bảo vệ thực vật. Người Việt sẽ đối xử ra sao với sản phẩm Monsanto sẽ tùy thuộc vào thái độ của công ty này đối với phán quyết nói trên của tòa án quốc tế.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/159658/tay-chay.html/