Tàu vỏ thép đóng hỏng: Tổng cục Hậu cần vào cuộc nóng

Tổng cục Hậu cầu thống nhất với tỉnh Bình Định trong tháng 6 này công ty Nam Triệu phải hoàn thành việc khắc phục sự cố tàu vỏ thép cho ngư dân.

Thay máy mới chứ không sửa chữa, chắp vá

Chiều 18/6, trao đổi với Đất Việt, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết Thiếu tướng Nguyễn Văn Dư, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần (Bộ Công an) đã trực tiếp vào Bình Định nắm tình hình vụ việc hàng loạt tàu thép do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng mới bàn giao đã gặp sự cố hỏng hóc.

Theo ông Châu, tại buổi làm việc, ông Dư thống nhất với tỉnh Bình Định trong tháng 6 này Công ty TNHH MTV Nam Triệu phải hoàn thành việc khắc phục sự cố tàu thép cho các ngư dân.

“Tàu nào không đúng quy định thì phải gỡ ra đóng lại. Máy móc không đúng quy định thì cũng tháo ra thay mới hoàn toàn chứ không sửa chữa chắp vá”, ông Châu khẳng định.

Tổng cục hậu cầu thống nhất với tỉnh Bình Định trong tháng 6 này công ty Nam Triệu phải hoàn thành việc khắc phục sự cố tàu vỏ thép cho ngư dân.

Đặc biệt, trong thời gian tàu hỏng hóc nằm bờ, Công ty Nam Triệu có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ngư dân.

Trước đó, đại diện nhà cung cấp máy Doosan (Hàn Quốc) tại Việt Nam đã đến Bình Định để làm việc với ngư dân Trần Đình Sơn (trú xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định), chủ tàu vỏ thép số hiệu BĐ 99245 TS đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu (thuộc Bộ Công an) được lắp máy của hãng Doosan. Tuy nhiên, ông Sơn không đồng ý và yêu cầu thay máy mới.

Trao đổi với báo chí ngày 16/6, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết, Công ty Hoàng Gia Phát và Công ty Đông Hải ký hợp đồng cung cấp máy với Công ty TNHH MTV Nam Triệu để đóng tàu vỏ thép cho ngư dân.

Vì vậy, 2 công ty này có trách nhiệm bảo hành với Công ty TNHH MTV Nam Triệu.

Tuy nhiên, theo ông Hổ, các chủ tàu vỏ thép ký hợp đồng với công ty đóng tàu thì đơn vị này có trách nhiệm bảo hành cho ngư dân chứ không phải 2 công ty trên.

“Chúng tôi đã giải thích cho các chủ tàu, nếu đơn vị cung cấp máy thay máy thì kiên quyết không cho, phải để Công ty TNHH MTV Nam Triệu thay, đây là trách nhiệm của họ.

Chúng tôi rất thông cảm cho hãng máy, nhưng nếu ngư dân để họ thay sau này có vấn đề gì phía công ty Nam Triệu nói họ không thay thì ai chịu trách nhiệm”, ông Hổ nói.

Năn nỉ chủ tàu xin sửa chữa máy hỏng

Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn cho biết, những ngày qua, bà Nguyễn Thị Sinh, vợ ông Lê Hoàng Phong, Giám đốc Công ty Hoàng Gia Phát đã gặp gỡ, năn nỉ chủ tàu xin sửa chữa máy hỏng.

Bà Sinh nói rằng nếu thay toàn bộ 9 máy thủy chính hãng Mitsubishi thì công ty Hoàng Gia Phát không đủ khả năng nên xin được sửa chữa, cải hoán máy bộ đã lắp trước đây để ngư dân có tàu đi biển.

“Tôi trả lời dứt khoát là không chấp nhận sửa chữa. Trong hợp đồng đóng tàu với ngư dân, công ty Nam Triệu phải lắp máy thủy mới chính hãng Mitsubishi nhưng đã lắp máy cải tạo, không chính hãng, gây hư hỏng liên tục thì buộc phải thay máy mới, chưa kể còn phải xử lý theo quy định pháp luật”, ông Công nói.

Cũng liên quan đến vụ việc này, sáng 9/6, trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị Chuyên đề đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/CP về một số chính sách phát triển thủy sản do Bộ NNPTNT tổ chức, ông Trần Châu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, đã gọi điện chỉ đạo Công an tỉnh báo cáo Bộ Công an vào cuộc điều tra.

Hà Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tau-vo-thep-dong-hong-do-loi-nan-ni-3337520/