Tàu vỏ thép 67 hư hỏng: 'Truy' trách nhiệm hàng loạt địa chỉ

Sau khi có kết quả kiểm tra chi tiết từng con tàu vỏ thép 67 bị hư hỏng, Bộ NNPTNT sẽ “truy” trách nhiệm hàng loạt địa chỉ có liên quan

Liên quan đến vụ việc tàu vỏ thép 67 bị hư hỏng, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết: “Tại 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên đã xảy ra tình trạng nhiều tàu vỏ thép vừa đóng xong đã rỉ sét, hư hỏng khiến ngư dân bức xúc, đây là sự cố đáng tiếc. Vì vậy, Bộ NNPTNT đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường rà soát lại các cơ sở đóng tàu, đánh giá lại năng lực các cơ sở có đủ điều kiện theo quy định hay không. Chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm về việc công nhận các cơ sở đóng tàu đủ điều kiện”.

Tàu vỏ thép BĐ 99179 TS được đóng tại công ty TNHH Đại Nguyên Dương của ngư dân Mai Văn Chương đưa vào sử dụng vào tháng 8.2016, xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Dũ Tuấn

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Bộ NNPTNT đã cử đoàn công tác phối hợp với UBND tỉnh Bình Định kiểm tra cụ thể từng con tàu hư hỏng để có đánh giá thực tế và cơ sở phân định trách nhiệm đối với các đơn vị có liên quan. Trong đó, việc công ty có đóng tàu đúng chất lượng hay không sẽ được Bộ kiểm tra kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, Bộ sẽ kiểm tra toàn bộ mối liên quan trong bản hợp đồng giữa các chủ tàu và cơ sở đóng tàu, việc giám sát xuyên suốt quá trình đóng tàu thế nào. Trong đó, trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm ra sao, phải rạch ròi trách nhiệm của mỗi bên liên quan.

“Đối với cơ sở đóng tàu, ngoài trách nhiệm cam kết với chủ đầu tư (chủ tàu-PV) về chất lượng con tàu đúng yêu cầu thiết kế kỹ thuật theo quy định của Nhà nước. Còn có trách nhiệm về việc đảm bảo con tàu vận hành như thế nào, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và bồi dưỡng cho chủ tàu, thuyền viên từng vị trí để vận hành con tàu đã làm đầy đủ chưa?”-Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho hay.

Dù mới hạ thủy từ năm 2016 nhưng hiện nay nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định bị rỉ sét khắp nơi. Ảnh: Dũ Tuấn

Đối với trách nhiệm giám sát đóng tàu, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng đây là trách nhiệm chung, trong đó có trách nhiệm của ngư dân với vai trò là chủ tàu.

“Sự việc vừa qua cho thấy lỗ hổng của ngư dân trong công tác giám sát. Nếu ngư dân vì ở quá xa cơ sở đóng tàu và thiếu kinh nghiệm giám sát thì phải thuê 1 đơn vị tư vấn chịu trách nhiệm giám sát. Nếu làm được như vậy chưa chắc xảy ra chuyện tàu vỏ thép mới đóng đã rỉ sét, hư hỏng. Cũng có trường hợp thông qua môi giới và ngư dân quá tin vào đơn vị trung gian nên mới lâm cảnh tiền mất tật mang. Đây là bài học sâu sắc để giúp chúng ta hoàn thiện hơn trong việc thực hiện đóng tàu vỏ thép trong thời gian tới”- Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhận định.

Ngư dân Nguyễn Văn Lý- Chủ tàu BĐ 99004 TS (do công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng) buồn bã vì tàu vỏ thép hư hỏng, xuống cấp. Ảnh: Dũ Tuấn

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, sau khi kiểm tra chi tiết từng con tàu vỏ thép 67 đang hư hỏng, Bộ NNPTNT sẽ phân định trách nhiệm của các cơ sở đóng tàu, chủ tàu và cơ quan đăng kiểm.... Trong đó, nếu địa phương nào có cơ sở đóng tàu chưa đủ điều kiện theo quy định mà ngành chức năng công bố đủ điều kiện để ngư dân lựa chọn đóng tàu cũng sẽ có trách nhiệm.

Trước đó, Dân Việt đã có loạt bài phản ánh về tình trạng tàu vỏ thép 67 ở Bình Định bị hư hỏng hàng loạt. Theo Sở NN&PTNT Bình Định, qua kiểm tra 3 tàu vỏ tàu do công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng, tất cả đều có tình trạng thân vỏ tàu, trạng thiết bị đều bị rỉ sét, hư hỏng và xuống cấp trầm trọng, máy tàu hiệu Mitsubishi bị hư hỏng...

Qua kiểm tra 4 tàu đóng tại công ty TNHH MTV Nam Triệu thì thân, vỏ tàu bị rỉ sét, máy chính Mitsubishi đều bị sự cố và hư hỏng, máy phát điện bị hư hỏng, hầm bảo quản không giữ được lạnh, 1 tàu làm nghề lưới chụp có hệ thống gọn bị han rỉ, đứt gãy. Ngư dân phản ánh rằng trong hợp đồng: hộp số trang bị cho tàu đồng bộ với máy thủy chính nhưng thực tế công ty trang bị hộp số không đồng bộ dẫn đến hư hỏng, đề nghị công ty thay hộp số khác cho đồng bộ.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/tau-vo-thep-67-hu-hong-truy-trach-nhiem-hang-loat-dia-chi-773020.html