Tàu thủy sắt, món đồ chơi trung thu hạng sang còn sót lại

Làng Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) xưa kia từng vang danh khắp đất Hà thành bởi nghề làm tàu thủy đồ chơi bằng sắt, có thể chạy được như tàu thật bằng động cơ hơi nước. Mỗi độ trung thu về, trong xóm ngoài làng tất bật người buôn kẻ bán món đồ chơi trung thu được coi là hạng sang một thời.

Tuy nhiên, theo thời gian cùng với sự xâm nhập của những đồ chơi hiện đại, nghề làm tàu thủy sắt đã dần mai một và hiện nay, cả làng Khương Hạ chỉ còn duy nhất một người còn gắn bó với nghề đó là ông Nguyễn Mạnh Hùng (50 tuổi).

Hàng ngày, trong ngôi nhà số 30, nằm sâu trong ngõ 29/68 Khương Hạ, ông Hùng vẫn cặm cụi làm tàu thủy. Vì là người duy nhất còn gắn bó với nghề và quanh năm ông cũng chỉ sống bằng nghề này nên ông được mọi người mệnh danh là “ông vua tàu thủy”.

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến trung thu, ông Hùng lại tất bật làm hàng để kịp giao đủ số lượng cho khách. Ông chia sẻ, đây là nghề gia truyền mà ông học lại từ bố mẹ. Ông bắt đầu tập làm tàu thủy từ khi lên 7, 8 tuổi và gắn bó với nghề đến tận bây giờ.

Nguyên liệu để làm ra những chiếc tàu thủy sắt cũng rất đơn giản, đó là những phế thải như ống bơ, hộp sữa bằng sắt…vừa tiết kiệm chi phí vừa để bảo vệ môi trường.

Để làm ra chiếc tàu thủy chạy bằng hơi nước phải rất công phu. Bắt đầu từ khâu đo khung, thiết kế mẫu, cắt và tỉa từng chi tiết như thân thuyền, ống khói, nồi hơi rồi nối các chi tiết lại với nhau.

Đây là một quá trình dài và khá kì công đòi hỏi người thợ phải có sự kiên nhẫn, tỉ mỉ cùng với đôi bàn tay khéo léo mới làm được.

Trong quá trình làm, điều cần nhất là phải chú ý đến yếu tố thăng bằng, tàu có chạy được hay không phụ thuộc và hai ống phao ở hai bên thành tàu. Đặc biệt, nồi hơi bên trong lòng thuyền phải được làm chính xác từng chi tiết nhỏ thì tàu mới có thể chạy được dưới nước và phát ra tiếng kêu y như tàu thật.

Tiếp theo là công đoạn sơn màu để cho chiếc tàu thủy sặc sỡ bắt mắt hơn. Tàu thủy được sơn 3 màu chủ đạo đó là vàng, đỏ và xanh dương.

Giá bán của những chiếc tàu thủy này dao động từ 150.000 – 300.000 đồng/ chiếc tùy vào kích cỡ. Ông Hùng cho biết, trước đây, ông có làm cả tàu thủy chạy bằng pin, giá từ 2-3 triệu đồng/ chiếc nhưng ít người mua, vì vậy, ông lại quay trở về làm tàu thủy truyền thống chạy bằng động cơ hơi nước.

Động cơ của tàu thủy nằm trong thân, gồm ba phần: Nồi hơi, bình dầu hỏa và ống dẫn nước. Muốn tàu thủy chạy, trước hết phải đổ đầy 2 ống dẫn nước, sau đó đốt lửa bình dầu hỏa, đợi khoảng 30 giây tàu sẽ bắt đầu chạy.

Nguyên lý hoạt động của tàu là lửa đốt nóng nồi hơi, truyền nhiệt vào ống dẫn nước khiến nước trong ống sôi lên và tạo lực đẩy giúp tàu di chuyển được trên mặt nước.

Tàu thủy sắt đã từng là một món đồ chơi trung thu hạng sang không thể thiếu mỗi mùa trung thu ở những năm đầu thập niên 90. Tuy nhiên, trước sự xâm nhập của đồ chơi hiện đại thì món đồ chơi này ngày càng vắng bóng trên thị trường đồ chơi trung thu hiện nay.

“Không nhiều trẻ em bây giờ còn biết đến món đồ chơi trung thu này. Nếu không được lưu giữ và phát triển thì một ngày không xa, Tết trung thu sẽ vắng bóng tàu thủy sắt” - đó là điều mà ông Hùng luôn trăn trở..

Triệu Quang

Nguồn Thanh Niên: http://motthegioi.vn/xa-hoi/tau-thuy-sat-mon-do-choi-trung-thu-hang-sang-con-sot-lai-98333.html