Tàu sân bay 13 tỷ đô của Mỹ chưa thể trực chiến

Mỹ lại hoãn chuyển giao tàu sân bay mới nhất USS Gerald R. Ford (CVN-78) trị giá 13 tỷ USD cho quân đội vì chưa thể đưa vào trực chiến.

Theo kênh truyền hình CNN, báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết có vấn đề trục trặc trong việc máy bay hạ cánh và cất cánh từ boong tàu sân bay USS Gerald R. Ford, trong khi có nhiều thiếu sót trong kiểm soát không lưu, hệ thống đảm bảo an toàn của tàu và cung cấp vũ khí.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford có giá khoảng 13 tỷ USD được coi là tàu chiến đắt nhất trên thế giới. Ảnh militaryfactory.com

"Nếu không được giải quyết, những vấn đề này sẽ hạn chế nghiêm trọng khả năng CVN-78 tiến hành hoạt động quân sự", báo cáo của Giám đốc hoạt động thử nghiệm thuộc Lầu Năm Góc Michael Gilmore cho biết. Theo ông Gilmore, hệ thống hạ cánh của tàu sân bay này sẽ phải thay đổi.

Đại diện Hải quân Mỹ nói với CNN rằng tàu sân bay USS Gerald R. Ford có thể được đưa vào phục vụ vào đầu năm 2017.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford có giá khoảng 13 tỷ USD được coi là tàu chiến đắt nhất thế giới. Tàu bắt đầu được đóng vào năm 2009. Tháng 9/2014, tàu sân bay USS Gerald R. Ford được cho là đã sẵn sàng trực chiến. Sau đó, thời hạn bị hoãn lại cho đến tháng 9 và rồi lại hoãn đến tháng 11/2016.

Chưa kịp bàn giao đã lỗi thời

Theo nhà phân tích quốc phòng Kazianis Harry viết trên tạp chí The National Interest, tàu sân bay Gerald R. Ford có nguy cơ trở nên lỗi thời trước khi bàn giao cho Hải quân Mỹ.

Gerald Ford có sức chứa hơn 75 máy bay và có thời hạn phục vụ là 50 năm. Năm 2014, Mỹ đã khởi công đóng tàu sân bay thứ hai John F. Kennedy cùng dự án tại nhà máy đóng tàu Newport News. Chiếc thứ ba được lên kế hoạch năm 2018. Chi phí đóng ba tàu sân bay nói trên khoảng 42 tỷ USD.

Tuy nhiên, kỳ quan công nghệ và những khoản đầu tư nhiều tỷ USD này có nguy cơ trở nên bất lực trước công nghệ quân sự của Nga.

Nga đang phát triển các hệ thống tên lửa tầm xa có khả năng tấn công ồ ạt từ nhiều phía cùng một lúc. Vũ khí như vậy kết hợp với phương tiện phát hiện mục tiêu trên đại dương có nguy cơ biến các tàu sân bay thành mồ chôn hàng ngàn thủy thủ Mỹ trên những tàu sân bay trị giá hàng chục tỷ USD.

Sau Thế chiến II, chiến lược của Hải quân Mỹ dựa vào các cụm tàu sân bay thực hiện nhiệm vụ tác chiến hiệu quả ở xa bờ biển nước Mỹ. Để đối phó với chúng, Nga đã chế tạo các máy bay mang tên lửa tầm xa Tu-22M3, trang bị tên lửa có cánh siêu thanh Kh-22. Chỉ cần một tên lửa như vậy là đủ để tiêu diệt bất kỳ tàu sân bay Mỹ nào vì tên lửa Kh-22 gắn đầu đạn nhiệt hạch công suất tới 1 megaton. Mỗi máy bay ném bom Tu-22 có thể mang theo 3 tên lửa Kh-22.

Chuyên gia hải quân Mỹ Jerry Hendrix thuộc New American Security Center cũng cho rằng sau vài năm nữa, các tàu sân bay của Mỹ có thể sẽ mất tính hiệu quả.

Trong một báo cáo, chuyên gia Jerry Hendrix nhấn mạnh những sai lầm chiến lược mà chính phủ Mỹ đã mắc phải trong nhiều năm qua.

Theo chuyên gia Hendrix, nhược điểm then chốt của các tàu sân bay là các loại máy bay trên tàu có tầm hoạt động khá hạn chế. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ tập trung chế tạo các chiến đấu cơ trên hạm loại nhẹ, không có khả năng tác chiến trong phạm vi lớn. Những máy bay này có giá rẻ và sẵn sàng cất cánh nhanh, những lại đặt Mỹ trước nhiều rủi ro an ninh.

Sự phát triển tên lửa chống hạm tầm trung của các đối thủ tiềm năng như Trung Quốc, Nga, Iran và CHDCND Triều Tiên đang đặt ra nhiều nghi vấn về tính hiệu quả chiến lược quốc phòng của Mỹ.

Minh Châu (Theo Sputnik)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/the-gioi/tau-san-bay-13-ty-do-cua-my-chua-the-truc-chien-718018.html