Tàu ngầm lớp Akula - vũ khí hủy diệt mạnh gấp 6 lần bom nguyên tử

Tàu ngầm lớp Akula của Nga có thể nói là vũ khí đáng sợ nhất thế giới trong nhiều thập kỷ và cho đến ngày nay nó vẫn khiến đối phương phải "bối rối"

Theo các nhà phân tich quân sự, tàu ngầm lớp Akula này được coi là những con "thủy quái" thời Chiến tranh Lạnh có thể hủy diệt tới 200 mục tiêu bằng đầu đạn mạnh gấp 6 lần những quả bom nguyên tử Mỹ từng ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản, tin tức trên báo Trí Thức Trẻ.

Lý do ra đời của những chiếc tàu ngầm Akula đó là khi Hải quân Mỹ chế tạo tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio dài 170m và có thể mang 192 đầu đạn hạt nhân. Do đó, các nhà lãnh đạo Liên Xô quyết định rằng họ cần có một chiếc tàu ngầm có thể đáp trả mối đe dọa đó, và thế là tàu ngầm lớp Akula đã ra đời.

Tàu ngầm lớp Akula Nga. Ảnh: Infonet

Tàu ngầm lớp Akula được thiết kế để phóng tên lửa từ vị trí tương đối gần với lục địa Liên Xô, cho phép chúng hoạt động ở Vòng Bắc Cực, nơi lực lượng không quân và hải quân có thể bảo vệ chúng.

Những chiếc tàu ngầm này có khung thân được gia cố, cho phép nó xuyên qua lớp băng Bắc Cực. Sức nổi dự trữ lớn giúp con tàu trồi lên trên mặt băng và cặp chân vịt của tàu được che chắn để bảo vệ chúng trước các cú va chạm.

Chương trình phát triển tàu ngầm Akula còn cho ra đời một mẫu tên lửa mang đầu đạn hạt nhân mới, có tầm bắn đủ xa để tấn công nước Mỹ từ các thành trì ở Bắc Cực. R-39 Rif (NATO định danh: SS-NX-20 "Sturgeon") là tên lửa đạn đạo 3 tầng khổng lồ, dài 16m và nặng 84 tấn. Với tầm bắn 4.480 hải lý, R-39 có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào trong lục địa Mỹ.

Do tàu ngầm Akula chỉ có thể mang 20 tên lửa, ít hơn tàu ngầm Ohio 4 tên lửa nên mỗi tên lửa của Liên Xô phải mang nhiều đầu đạn hơn so với tên lửa Trident C-4 của Mỹ. Một tên lửa R-39 mang 10 đầu đạn có sức công phá 100 kiloton, mỗi đầu đạn có thể tấn công một mục tiêu khác nhau nên chỉ cần 1 tên lửa đã có thể tấn công 10 mục tiêu (nếu chúng tương đối gần nhau).

Điều này làm tăng kích cỡ và khối lượng của tên lửa nhưng nhờ thế, mỗi tàu ngầm Akula mang theo tổng cộng 200 đầu đạn, nhiều hơn tàu ngầm lớp Ohio 8 đầu đạn.

Tàu ngầm lớp Akula dài 175m, dài hơn tàu ngầm lớp Ohio 5m. Do cần mang tên lửa và đảm bảo sức nổi dự trữ lớn nên tàu ngầm Akula có độ mớn nước 23m, trong khi chỉ số này của tàu ngầm Ohio là 13m. Akula có lượng giãn nước khi lặn là 48.000 tấn, lớn hơn gấp 2 lần so với lượng giãn nước của tàu ngầm Mỹ.

Chiếc tàu ngầm khổng lồ có thể di chuyển với tốc độ 22 hải lý khi nổi và 27 hải lý khi lặn, nhờ trang bị lò phản ứng hạt nhân OKB-650 - cùng loại lò sử dụng trên tàu ngầm lớp Alfa và Mike, với công suất gần 100.000 mã lực.

Lịch sử ra đời của tàu ngầm lớp Akula

Theo báo Đất Việt, tàu ngầm lớp Akula được nghiên cứu và phát triển từ đầu những năm 70 của thế kỷ XX, với tên ban đầu là Projeckt 941 và được NATO định danh là Typhoon. Nó là thế hệ tiếp nối của tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Delta. Trong tiếng Nga nó mang cái tên “Акула” có nghĩa là "cá mập". Và quả đúng như cái tên, Akula là một con quái vật chính hiệu của các hạm đội Nga, với trọng tải choán nước lên đến 48.000 tấn khi lặn và 24.500 khi nổi, chiều dài lên đến 175m, còn lớn hơn cả một sân bóng đá (120m).

Tàu ngầm Akula là một tàu ngầm cực lớn với chiều cao tương đương tòa nhà 9 tầng . Ảnh: VTC News

Ngày 23/9/1980, Liên Xô đã cho hạ thủy tàu ngầm hạt nhân Akula– cho đến hôm nay nó vẫn là “người khổng lồ” chủ yếu trên biển. Công tác triển khai dự án 941 chế tạo tàu ngầm Akula (phân loại của NATO “Typhoon” được bắt đầu ngày 19/12/1973, sau khi Chính phủ Liên Xô ra quyết định đóng tàu ngầm mang tên lửa mới.

Dự án này do Phòng thiết kế phương tiện kỹ thuật biển trung ương (TSKB MT) Rubin (Thành phố Leningrad – nay là Sant – Peterburg) đứng đầu là Tổng công trình sư Igor Spasski thực hiện. Các tàu “Typhoon” được đóng tại nhà máy đóng tàu “Sevmash” thành phố Severodvinsk.

Chiếc tàu ngầm chiến lược đầu tiên được khởi công đóng ngày 30/6/1976 (sắp tròn 40 năm). Ngày 23/9/1980, nó được hạ thủy và sau đó 3 tháng được đưa vào trang bị cho Hạm đội Phương Bắc với số hiệu TK-208.

Trước khi được hạ thủy, ở phần mũi của tàu dưới đường mớn nước có sơn hình con cá mập, sau đó phù hiệu có hình cá mập được gắn trên quân phục của các thủy thủ tàu.

Được biết, đã có 7 chiếc “Typhoon” được khởi công đóng, nhưng chỉ có 6 chiếc được đóng hoàn chỉnh. Theo Hiệp ước về hạn chế vũ khí chiến lược, 3 trong 6 tàu đã được thanh lý. Trước đó, tất cả các tàu “Typhoon” đều nằm trong biên chế của Hạm đội Phương Bắc, căn cứ tại Cảng Nherpichia.

Tàu ngầm Akula là một tàu ngầm cực lớn với chiều cao tương đương tòa nhà 9 tầng. Người ta cũng nói rằng, nếu đặt Akula cạnh khẩu pháo Sa Hoàng (khẩu pháo 305 ly mẫu năm 1938 TM-3-12 của Liên Xô), thì sau khi được chiêm ngưỡng chúng, loài người sẽ không còn muốn chiến tranh nữa.

An Dương (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/tau-ngam-lop-akula-vu-khi-huy-diet-manh-gap-6-lan-bom-nguyen-tu-d108132.html