Tàu lạ không người lái trên biển ở Bình Thuận là của Trung Quốc

Tàu lạ không người lái được ngư dân thị xã La Gi (Bình Thuận) phát hiện trôi dạt trên biển vào ngày 16/11 được xác định đến từ đảo Hải Nam (Trung Quốc)...Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa

Tin tức trên báo Giao thông cho biết, chiều 17/11, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận bước đầu xác định chiếc tàu lạ trên đến từ đảo Hải Nam (Trung Quốc) không có dấu hiệu bị cướp biển và có thể là do trôi dạt vì bão.

Công tác kiểm tra sơ bộ của các cơ quan chức năng tỉnh này cho thấy, tàu có tên là Quỳnh Lâm Ngư (Qiong Lin Yu), số hiệu tàu 19007. Đây là dạng tàu đánh cá hoặc có thể là tàu thu mua hải sản. Đuôi tàu có chữ “Lâm Cao” nên có khả năng đây là tàu được đăng ký tại huyện Lâm Cao, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc).

Tàu lạ được ngư dân dân thị xã La Gi (Bình Thuận) phát hiện trôi dạt trên biển vào ngày 16/11. Ảnh: Báo Giao thông.

Tàu lạ được ngư dân dân thị xã La Gi (Bình Thuận) phát hiện trôi dạt trên biển vào ngày 16/11. Ảnh: Báo Giao thông.

Trên tàu có 4 tủ cấp đông hiện đã hỏng, không có ngư lưới cụ, trụ tời đã hỏng và không có neo. Hầm nước và dầu không có dầu và nước. Tại 12 phòng nghỉ của thủy thủ đoàn, không phát hiện các giấy tờ liên quan đến con người và phương tiện, trên boong và thân tàu không có dấu vết đạn bắn, máu hoặc các dấu vết khác nên loại trừ việc xảy ra vụ cướp biển.

Nguồn tin cho hay, trên tàu có một bằng khen có nội dung “Tàu cá Qiong Lin Yu 19007 trong quá trình nhận nhiệm vụ đảm bảo an toàn thi công dự án “Trung Kiến Nam” đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được huy chương hạng 3 tập thể 1 lần của tỉnh Hải Nam”. Trên tàu hệ thống động lực có 2 máy chính, tổng công suất 1.000CV, loại Z 170 do Trung Quốc sản xuất, 1 máy phụ.

Kiểm tra cho thấy các thiết bị máy móc đã lâu không hoạt động, không có thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị hàng hải và chỉ còn 1 la bàn từ.

Cơ quan chức năng nhận định, tàu đã lâu không hoạt động, chủ tàu đã tháo dỡ các thiết bị hàng hải có giá trị. Trong quá trình neo đậu có khả năng gặp sự cố như ảnh hưởng các cơn bão số 7 và 8 vừa qua đổ bộ vào Trung Quốc nên dẫn đến trôi tự do vào vùng biển của Việt Nam.

Ngay sau đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo cho Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và UBND tỉnh Bình Thuận. Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận đã tiến hành lai dắt tàu về khu vực cảng Phú Hài (TP Phan Thiết) để quản lý, bảo vệ, phục vụ công tác điều tra.

Trước đó, báo Tri thức trực tuyến đưa tin, ngày 16/11, UBND thị xã La Gi (Bình Thuận) cho biết 2 tàu cá ngư dân phường Bình Tân (La Gi) khi đang đánh bắt hải sản trên biển đã phát hiện một tàu sắt lớn trôi dạt ngoài khơi, điều đặc biệt là trên tàu không một bóng người.

Hai con tàu đánh cá phát hiện là tàu BTH-97859TS và tàu BTH-97947 của ông Hoàng Ngọc Phương (ngụ khu phố 8, phường Bình Tân). Theo một ngư dân, trên tàu, con tàu vỏ sắt có chiều dài hơn 50m và ngang 8m, phía sau tàu có 2 chữ tiếng Trung và không treo cờ nước nào.

Điều 19. Vi phạm quy định về neo đậu, cập cầu, cập mạn, lai dắt của tàu thuyền trong vùng nước cảng biển

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Neo đậu, cập cầu, cập mạn, di chuyển vị trí hoặc tiến hành các hoạt động tương tự khác trong vùng nước cảng biển khi chưa được phép của Cảng vụ hàng hải;

b) Không bố trí đủ đèn chiếu sáng, tín hiệu, báo hiệu theo quy định khi tàu làm hàng, neo đậu, cập cầu, cập mạn, di chuyển vị trí;

c) Không có đệm chống va theo quy định;

d) Không thông báo kịp thời cho Cảng vụ hàng hải khi phát hiện thấy sự sai lệch, hư hỏng của các báo hiệu hàng hải tại vùng nước cảng biển và khu vực quản lý của Cảng vụ hàng hải.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Không chấp hành hoặc thực hiện sai lệnh điều động của Cảng vụ hàng hải;

b) Buộc tàu thuyền vào các báo hiệu hàng hải hoặc các kết cấu khác không dùng để buộc tàu theo quy định.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không sử dụng tàu lai dắt, hỗ trợ theo quy định hoặc sử dụng tàu lai dắt, hỗ trợ không theo quy định.

4. Đối với hành vi tàu thuyền vào neo đậu, làm hàng, đón trả hành khách hoặc thực hiện các dịch vụ hàng hải khác tại vị trí chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích dưới 500 GT;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích từ 500 GT đến dưới 3.000 GT;

c) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích từ 3.000 GT trở lên.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm được quy định tại Điểm a Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tàu thuyền phải rời khỏi vị trí đối với các hành vi vi phạm được quy định tại Điểm b Khoản 2 và Khoản 4 Điều này.

BẢO KHÁNH (Tổng hợp)

Xem thêm video:

[mecloud]pUnXk6GUvN[/mecloud]

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/tau-la-khong-nguoi-lai-tren-bien-o-binh-thuan-la-cua-trung-quoc-a170546.html