Tàu hỏa Ấn Độ (II)

Có một điều bạn nên trải nghiệm ở Ấn Độ là ĐI TÀU LỬA. Chúng tôi đã đi tàu hỏa để đến với sông Hằng.

Sân ga Ấn Độ Với dân số quá đông, người Ấn Độ thường phải đặt chỗ trước nhiều ngày mới mua được vé tàu. Nhưng các nhà ga ở Ấn luôn có khu vực riêng để bán vé cho người nước ngoài. Chỉ cần tìm được đến đó, bạn trình passport và nhân viên nhà ga sẽ giúp bạn có được một tấm vé ưu tiên. Tuy nhiên đó là nếu bạn tìm được đến đó. Vì nhà ga thường rất rộng, rất nhiều cổng, không có biển tiếng Anh cho từng khu vực. Do đó luôn có rất nhiều cò bao vây và giăng bẫy bạn. Khi bạn hỏi thăm, họ có thể viện đủ lý do để làm bạn tuyệt vọng: khu vực này đã bị dẹp, gần đây bị… cháy nên ngừng hoạt động và may mắn làm sao, họ có thể giúp bạn có được tấm vé cuối cùng. Tất nhiên, số tiền bạn phải trả sẽ là gấp đôi, gấp ba giá vé. Cách tốt nhất là bạn phải phi thẳng vào bên trong một căn phòng bất kỳ, gặp người mà bạn chắc chắn là nhân viên làm việc tại đó và nhờ họ chỉ đến nơi cần đến. Sân ga tàu ở Ấn Độ lúc nào cũng đông nghẹt hành khách và hành khất. Nhiều người cải trang thành người tàn tật để ăn xin. Khi chúng tôi bối rối trước một người phụ nữ ngồi lê trên một tấm ván trượt với đôi chân bị liệt thì anh bạn người Ấn lao đến, phanh kít lại, và gào lên bằng giọng chế giễu: “skate-boooard?”. Người phụ nữ nọ bực bội lủi mất. Tàu hỏa Ấn Độ Đoàn tàu đi Varanasi như mới được lôi ra từ kho, không thể cũ kỹ hơn. Chúng tôi mua vé hạng đắt nhất, khoang nằm điều hòa nhưng vẫn sốc khi lên tàu. Những chiếc giường được kê ở 3 mặt: 2 mặt dựa vào vách ngăn và một mặt chạy dọc theo chân tàu. Những đôi mắt đen lay láy nhìn chòng chọc vào bạn từ mọi phía như một thử thách thần kinh. Đối diện giường của tôi là một cô gái Ấn mới kết hôn. Dấu hiệu nhận biết là những họa tiết Hina vẽ trên bàn tay của cô, được thực hiện trong lễ cưới và sẽ lưu dấu lại khoảng vài tuần sau đó. Cô tỏ vẻ bẽn lẽn. Chồng của cô nằm ở giường trên. Vậy là mọi ánh mắt đổ về phía chúng tôi, thay vì cô gái Ấn. Đàn ông Ấn thường tạo cảm giác họ rất thô lỗ với phụ nữ nhưng đối với phụ nữ đã có chồng, họ luôn tỏ ra lịch sự và thận trọng. Đầu năm, thời tiết vùng Bắc Ấn mát mẻ vào ban ngày và lạnh giá về ban đêm và sáng sớm. Vậy nên trong hành lý không thể thiếu những chiếc chăn hàng không siêu nhẹ hoặc khăn choàng lớn. Chúng tôi xuống Varanasi vào lúc 7 giờ sáng, ai cũng vài vòng khăn choàng quanh người. Mất khoảng nửa tiếng trên auto-rickshaw để ra đến khu vực bờ sông Hằng. Dân cư ở đây là những người thu nhập thấp. Những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo chi chít “bom”- phân bò. Đôi lúc từ những khúc ngoặt của những con hẻm hiện ra những cửa tiệm nhỏ bán khăn, vải, phụ kiện tuyệt đẹp, như một phép mầu kỳ diệu cho mọi cô gái. Sông Hằng là đây - Tái sinh mỗi ngày Luồn lách qua những con hẻm hun hút, sông Hằng hiện ra trong ánh hoàng hôn tuyệt đẹp. Dòng sông và hai bên bờ tắm trong anh mặt trời tàn dịu dàng. Bước xuống những bậc thang tưởng như bất tận, bạn xuống bờ kè rộng thênh như một đại lộ. Những đứa trẻ đá bóng cười vang một góc. Mấy cô thiếu nữ Ấn ngồi tám bên những tấm vải trải đủ các loại vòng vèo. Những ông già trông như những nhà hiền triết với chiếc khăn quấn thành những vòng tròn lớn quanh đầu như tổ ong tò mò nhìn đám khách du lịch. Các bà nội trợ giặt giũ bên bờ sông. Tất cả hòa vào giai điệu của hoàng hôn, yên ả. Dọc theo bờ sông là những tường thành cao tráng lệ, kéo dài tưởng như vô tận. Bóng tối xuống rất nhanh và đám đông bắt đầu túa ra từ những ô hẻm lỗ chỗ. Đám đông đàn ông nhanh chóng kê ra những tấm phản dài hướng ra sông Hằng. Người ta kê lên đó một chiếc bàn gỗ nhỏ phủ nhiễu vàng và bày lên những vỏ ốc lớn, hoa, nến, bát hương. Trên mỗi tấm phản như thế có kê một phù điêu có hình giống như đầu rắn hổ mang. Đám đông vây xung quanh và bắt đầu đàn hát. Năm cô gái bước lên một bục cao và bắt đầu điệu múa lửa. Cách đó vài trăm mét, những xác người bó gọn được đưa lên đài củi. Nghi lễ thiêu xác bắt đầu. Cảnh tượng ấy khiến tất cả chúng tôi lặng người. Một vài người đàn ông tiến đến và đề nghị chúng tôi quyên góp cho những người hấp hối mua củi. Có một tòa nhà hoang phế ở nơi người ta thiêu xác. Những người neo đơn già yếu, bệnh tật, cảm thấy mình không thể qua khỏi về sống ở đó, chờ đến ngày trở về với dòng sông mẹ linh thiêng. Vậy mà chỉ sáng hôm sau, dòng sông dường như tái sinh. Trong bình minh rạng rỡ, già trẻ gái trai ùa ra bờ sông gội rửa. Những bậc thang được sơn màu rực rỡ khiến dòng sông tươi tắn, kể câu chuyện về sức sống mãnh liệt của những người Ấn cùng khổ. Phương Minh (Bài đăng trên Người Đẹp Tết Tân Mão)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1988/201102/Tau-hoa-an-do-ii-1788943/