Tàu chiến suýt trúng tên lửa: Sao Mỹ không thừa nhận đã bắn SM-2?

Nguồn tin của USNI News tiết lộ rằng, tàu Mason đã phóng 2 tên lửa Standard Missile-2 (SM-2) và 1 tên lửa Enhanced Sea Sparrow (ESSM) để đánh chặn 2 tên lửa mà Houthi bắn ra.

Tàu chiến suýt trúng tên lửa: Sao Mỹ không thừa nhận đã bắn SM-2?

Theo nguồn tin của website Viện Hải quân Mỹ (USNI News), tàu khu trục USS Mason (DDG-87) đã bắn ra 3 quả tên lửa để tự vệ và bảo vệ tàu USS Ponce (AFSB(I)-15) ở gần đó sau khi bị lực lượng Houthi (do Iran hậu thuẫn) tấn công bằng 2 tên lửa hành trình hôm Chủ Nhật vừa qua.

Hai quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, 2 quả tên lửa hành trình trong vụ tấn công được bắn đi từ vùng lãnh thổ do Houthi kiểm soát tại Yemen.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mason (DDG-87)

Theo nguồn tin, tàu Mason đã phóng 2 tên lửa Standard Missile-2 (SM-2) và 1 tên lửa Enhanced Sea Sparrow (ESSM) để đánh chặn 2 tên lửa mà Houthi bắn ra vào khoảng 07g00 tối (giờ địa phương). Ngoài các tên lửa, con tàu còn sử dụng mồi bẫy tên lửa chống hạm Nulka.

Tại thời điểm bị tấn công, tàu Mason đang hoạt động ở vùng biển quốc tế, phía Bắc eo Bab el-Mandeb.

Nguồn tin từ quan chức quốc phòng Mỹ hôm thứ Hai cho biết, tàu Mason đã "sử dụng các biện pháp phòng thủ trên tàu" nhằm đánh chặn quả tên lửa đầu tiên, "mặc dù không rõ vì thế mà quả tên lửa lao xuống biển hay vốn dĩ nó đã không nhắm trúng". Song ông này không nói rõ biện pháp phòng thủ là phóng tên lửa đánh chặn.

Theo USNI News, kíp thủy thủ trên tàu Mason cũng không chắc liệu quả tên lửa hành trình của Houthi đã bị tên lửa SM-2 đánh chặn hay nó tự rơi xuống biển.

Trong thông báo hôm thứ Hai, Lầu Năm Góc cho biết, một cuộc điều tra đang được tiến hành để làm rõ diễn tiến vụ việc, đồng thời cho biết thêm rằng quả tên lửa thứ 2 phóng từ Yemen đã tự lao xuống biển mà không bị tên lửa Mỹ đánh chặn.

Tàu căn cứ nổi USS Ponce (AFSB(I)-15).

Phát ngôn viên của Lầu Năm Góc - Đại úy Jeff Davis không xác nhận thông tin tàu Mason phóng tên lửa.

Hôm thứ Ba, ông Davis cho biết, 2 quả tên lửa từ Yemen có thể nhằm vào tàu Ponce và Mỹ "sẽ có hành động thích hợp" khi có kết quả của cuộc điều tra.

Mặc dù Lầu Năm Góc không xác nhận biện pháp phòng thủ mà tàu Mason đã triển khai nhưng theo chuyên gia Bryan Clark tại Trung tâm đánh giá Ngân sách và Chiến lược đánh giá, việc sử dụng cả 2 loại tên lửa "rất có ý nghĩa".

"Có lẽ đây là lần đầu tiên SM-2 được sử dụng để chống lại một mối đe dọa thực sự, đúng với mục đích thiết kế của nó", ông Clark nói, "và chắc chắn đây là lần đầu tiên tên lửa ESSM được triển khai..."

We are the Mighty là một trang tin chuyên về thông tin giải trí và đời sống của cộng đồng quân đội Mỹ. Facebook của trang hiện có hơn 700.000 lượt like.

Trước đó, theo trang mạng We are the Mighty, tàu Mason đã sử dụng phương thức "bảo vệ mềm" (soft-kill), thay vì "bảo vệ cứng" (hard-kill, gồm tên lửa đánh chặn, phòng không, hệ thống phòng thủ tầm gần... để tránh cuộc tấn công).

Trang mạng này cho biết, hệ thống "soft-kill" hoạt động bằng cách đánh lừa tên lửa đang lao tới và khiến nó chệch sang hướng khác.

USS Mason được trang bị 2 hệ thống đánh lừa như vậy trên tàu, gồm bộ gây nhiễu điện tử AN/SLQ-32 và hệ thống mồi bẫy Mk 36 Super RBOC.

Bộ gây nhiễu điện tử AN/SLQ-32 đã có mặt trên hầu hết các tàu của Hải quân Mỹ. Hệ thống này làm nhiễu đầu dò radar của tên lửa chống hạm, khiến chúng bám theo các mục tiêu ảo hoặc giảm tầm hiệu quả của đầu dò, cho phép tàu tránh được tên lửa.

Hệ thống Mk 36 Super RBOC thường kết hợp với bộ AN/SLQ-32. Cơ chế hoạt động của nó là phóng ra các rocket thả lá nhôm, tạo ra mục tiêu giả, gây nhầm lẫn cho đầu dò của tên lửa đang hướng đến.

theo Trí Thức Trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/tau-chien-suyt-trung-ten-lua-sao-my-khong-thua-nhan-da-ban-sm-2-20161012092745457.htm