'Tàu 67' gặp khó khi vào cảng Hà Tĩnh

Nghị định 67/NĐ-CP ra đời, ngư dân cả nước phấn khởi khi được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện đóng tàu thuyền công suất lớn để vươn khơi, đánh bắt xa bờ. Thế nhưng...

Thế nhưng, ở Hà Tĩnh, hệ thống các cảng cá chỉ đáp ứng cho tàu công suất dưới 300CV. Những tàu có công suất lớn “chết đứng” vì không thể chủ động ra vào các cảng cá.

Ngư dân khốn đốn

Cảng Cửa Sót (Thạch Kim) được xây dựng vào năm 2002 với tổng số vốn 46 tỷ đồng gồm 80m cầu cảng và 80m bến nghiêng bờ. Sau khi đi vào hoạt động, cảng thu hút hàng trăm tàu thuyền trong và ngoài tỉnh như Nghệ An, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi… vào cảng đổ hàng và tiếp tế nhiên liệu mỗi ngày, đồng thời cảng còn là nơi trú bão cho tàu cá của ngư dân.

Luồng chính của cảng Cửa Sót bị bồi lấp thành cồn

Thế nhưng, khoảng 3 năm trở lại nay, tình trạng bồi lắng ngày càng nghiêm trọng khiến cảng Cửa Sót không còn sầm uất như trước. Những tàu có công suất lớn khi ra vào cảng đều phải “canh” chừng chờ lúc triều cường đạt đỉnh mới có thể quay trở được, ảnh hưởng rất lớn đến việc đánh bắt và hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư dân.

Dù con tàu 800CV đã hạ thủy cách đây hơn 6 tháng, trên gương mặt anh Trần Xuân Sinh (xã Thạch Bằng) vẫn hiện lên niềm vui, phấn khởi. Mỗi chuyến ra khơi trở về anh luôn chăm chút cho nó như chăm chính đứa con cưng của mình.

Anh vui vẻ: “Bao nhiêu năm quanh quẩn ở trong lộng, tôi không dám mơ đến một ngày có thể “cưỡi” trên con tàu trị giá gần 14 tỷ đồng vươn khơi bám biển. Từ khi con tàu được hạ thủy chúng tôi ra khơi nhiều hơn, sản lượng cũng tăng hơn nhiều so với trước”.

Nhưng khi được hỏi về vấn đề cập cảng, giọng anh chợt chùng xuống: “Lạch cảng Cửa Sót quá cạn nên tàu lớn không thể vào tận nơi được, mỗi chuyến ra khơi trở về chúng tôi phải đậu cách cảng khoảng 3 – 4km chờ thủy triều lên. Nhiều khi về đến đây vào buổi sáng nhưng phải chờ đến chiều tối mới cho tàu vào được cảng. Có khi thủy triều nhỏ quá phải đợi vài ngày, hàng hải sản tươi sống vì thế mà rớt giá hơn...”.

Không chỉ cảng Cửa Sót mà cảng cá Xuân Hội (Nghi Xuân) vừa được đưa vào sử dụng hơn 3 năm, là nơi quy tụ những tàu công suất lớn trong và ngoài tỉnh cũng bị bồi lắng nghiêm trọng.

Ngư dân Nguyễn Đức Huy (xã Xuân Hội), chủ con tàu vỏ thép HT 96718TS cho biết, tàu của anh tháng trước bị hư hỏng mũi tàu do vướng phải dây neo.

Các tàu thuyền phải đi vòng theo luồng phụ vừa cạn, chật hẹp lại xa hơn

“Có tàu vỏ thép chúng tôi tự tin vươn khơi hơn nhưng vướng víu nhất là mỗi lần ra vào cảng. Cực khổ không nói hết được, mỗi lần cho tàu ra vào cảng phải mất cả tiếng đồng hồ là ít. Tàu thuyền neo đậu thì đông, luồng lạch thì cạn nên việc điều khiển, xử lý rất khó khăn. Nhiều khi thủy triều không đạt đỉnh tàu chúng tôi phải chờ cả tuần mới ra khơi được...”.

Anh Đinh Sỹ Long, Cảng trưởng cảng cá Xuân Hội chia sẻ: “Cảng Xuân Hội chỉ thiết kế cho tàu thuyền dưới 250CV nhưng thời gian qua BQL cảng thường xuyên tiếp nhận 25 chiếc tàu từ 100CV đến 829CV, trong đó có 5 chiếc 829CV, 11 chiếc trên 250CV và 7 chiếc dưới 250CV. Nếu tính độ dài của cảng so với thiết kế thì đúng, nhưng so với sự phát triển của các tàu thuyền đánh bắt xa bờ thì không đủ rộng để các tàu này vào cập cảng. Chúng tôi cũng cố gắng sắp xếp để tàu thuyền thuận lợi trong việc ra vào nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn”.

Hạ tầng không theo kịp

Hà Tĩnh hiện có 2 cảng cá Xuân Hội (Nghi Xuân), Cửa Sót (Lộc Hà) và 2 bến Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), Kỳ Ninh (Kỳ Anh) và âu thuyền Kỳ Lợi với gần 300 tàu đánh bắt xa bờ, nhờ hoạt động hiệu quả nên đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con ngư dân.

Tuy nhiên, bên cạnh công tác phát triển đội tàu có công suất lớn thì việc phát triển hệ thống cầu cảng cũng cần phải có cái nhìn bao quát để đầu tư một cách đồng bộ, phù hợp với sự phát triển.

Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc các cảng cá Hà Tĩnh cho biết: “Các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá, trước đây Hà Tĩnh đều thiết kế cho tàu 250CV đến 300CV ra vào cập cảng. Thế nhưng thực tế hiện nay trên địa bàn Hà Tĩnh đã có nhiều tàu thuyền công suất từ 250CV đến 1.000CV. Khi hạ tầng không theo kịp tốc độ phát triển thì tất yếu sẽ xảy ra nhiều bất cập”.

Cơ sở hạ tầng không theo kịp sự phát triển của các tàu thuyền

Ngoài ra, trong vòng 3 năm trở lại nay tình trạng luồng lạch vào các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão bị bồi lắng phù sa ngày càng nhanh và nghiêm trọng. Tàu thuyền ra vào thường xuyên bị mắc cạn, gãy chân vịt, bánh lái gây ra nhiều khó khăn, nguy hiểm cho ngư dân. Nhiều nơi ngay cả tàu thuyền có công suất trên 90CV cũng chỉ vào được cảng lúc triều cường lên, còn khi triều xuống, các tàu cá đều phải neo đậu ngoài xa chờ con nước lên mới vào bốc dỡ được hàng khiến chi phí đội lên rất cao.

Theo tính toán của Viện Khoa học Thủy sản Việt Nam thì mỗi năm cảng Cửa Sót bị bồi lắng khoảng 100.000m3. Luồng chính tại cảng Cửa Sót theo thiết kế hiện đã bị bồi lấp thành cồn, tàu thuyền muốn vào cảng phải đi theo luồng phụ, vừa xa, vừa hẹp và cạn hơn. Ngoài ra, tốc độ bồi lắng tại cảng Xuân Hội và bến Cẩm Nhượng cũng đáng báo động .

“Tình trạng này diễn ra đã lâu, ngư dân phản ánh nhiều nhưng cũng đành chịu. Nhiều tàu các tỉnh bạn đã phải bỏ cảng, đi neo đậu ở địa phương khác. Chúng tôi đang xin chủ trương xã hội hóa việc nạo vét cảng nhưng chưa nhận được câu trả lời từ cấp trên”, ông Sơn cho biết thêm.

TÂM ĐAN

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/tau-67-gap-kho-khi-vao-cang-ha-tinh-post192225.html