Tất cả phụ huynh đều phản đối?

Trong khi ở một số địa phương có tình trạng dừng áp dụng mô hình trường học mới (VNEN) hoặc phụ huynh phản đối mô hình này thì trên phạm vi toàn quốc, số trường áp dụng mô hình VNEN trong năm học 2016-2017 vẫn tiếp tục tăng. Đáng chú ý, có tới 85% phụ huynh tham gia một cuộc khảo sát về vấn đề này lại bày tỏ sự ủng hộ.

Theo dữ liệu của cuộc nghiên cứu đánh giá tác động của Dự án VNEN do Viện Nghiên cứu Phát triển Mê kông (MDRI) - một tổ chức độc lập chuyên về khảo sát và nghiên cứu thị trường – thực hiện cho thấy, có tới 85% phụ huynh tham gia chương trình khảo sát và có biết về VNEN bày tỏ sự ủng hộ mô hình VNEN. Chỉ có 6% phụ huynh được hỏi là có ý kiến phản đối mô hình này.

Ba nhóm lý do hàng đầu phụ huynh ủng hộ mô hình VNEN bao gồm: Giúp cải thiện (1) kết quả học tập; (2) các kỹ năng xã hội và (3) phương pháp giảng dạy. Cụ thể, có tới 5.821người (trong số 10.832 phụ huynh tham gia khảo sát) bày tỏ sự ủng hộ mô hình VNEN. Họ được yêu cầu chọn ba trong số 12 lý do ủng hộ mô hình này. 12 lý do này được chia thành 5 nhóm chính: Cải thiện kết quả học tập; cải thiện các kỹ năng xã hội như giao tiếp, tổ chức, làm việc nhóm; áp dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến; chuẩn bị cho trẻ trong các cấp học tiếp theo và trong tương lai và giúp trẻ có niềm vui khi học tập. Trong đó, cải thiện các kỹ năng xã hội và kết quả học tập là hai nhóm lý do được chọn nhiều nhất.

Nguồn: MDRI– Trích số liệu sắp công bố trong “Nghiên cứu đánh giá tác động Dự án Mô hình trường học mới (VNEN)” .

Nguồn: MDRI– Trích số liệu sắp công bố trong “Nghiên cứu đánh giá tác động Dự án Mô hình trường học mới (VNEN)” .

Không chỉ tập trung đánh giá tác động dự án vào kết quả cuối cùng như các dự án khác, việc đánh giá tác động của dự án VNEN được đo theo sự phát triển của học sinh trong cả quá trình tham gia chương trình, thông qua quan sát hai nhóm học sinh có đặc điểm tương tự nhau. Trong đó, một nhóm học theo mô hình VNEN, còn nhóm kia thì không để so sánh sự phát triển về kiến thức và kỹ năng của các em trong suốt ba năm học từ lớp 3 tới lớp 5. Hình thức đánh giá này chưa được thực hiện ở bất cứ dự án giáo dục nào tại Việt Nam trước đây. Quá trình đánh giá tác động dự án được MDRI thực hiện trong ba năm liên tục, vào các thời điểm bắt đầu (năm học 2013 - 2014), giữa kì (2014 - 2015) và kết thúc dự án (2015-2016). Công cụ khảo sát gồm đề khảo sát lớp 3, 4, và 5 môn Toán và tiếng Việt, kết hợp với bảng hỏi hiệu trưởng, nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Cụ thể, cuộc điều tra thu thập số liệu ở 651 trường tiểu học tại 51 tỉnh thành đại diện cho tất cả các vùng miền trên cả nước với số mẫu đại diện là 322 trường VNEN và 329 trường không tham gia VNEN. Trong mỗi tỉnh khảo sát có cả các trường VNEN và trường không tham gia VNEN. Tại mỗi trường, 20 học sinh được khảo sát bắt đầu từ lớp 3 (năm học 2013-2014) và tiếp tục khảo sát vào năm lớp 4 và lớp 5. Danh sách học sinh được chọn ngẫu nhiên từ tổng số học sinh toàn khối 3, 4 và 5 của mỗi trường). Phụ huynh học sinh được phỏng vấn gồm cha mẹ hoặc người giám hộ của chính 20 học sinh đã tham gia khảo sát môn Toán và Tiếng Việt hàng năm…

Kết quả công bố ban đầu của cuộc khảo sát cũng phù hợp với con số cập nhật của Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GDĐT (tính đến hết tháng 8/2016) cho biết số trường áp dụng mô hình VNEN trong năm học 2016 - 2017 tiếp tục tăng. Cụ thể, ngoài các trường trong dự án, cả nước có 3014 trường đăng ký triển khai nhân rộng toàn phần mô hình VNEN năm học 2016 -2017 (tăng hơn 900 trường so với năm học 2015-2016). Nơi có số trường nhân rộng toàn phần năm học mới 2016-2017 tăng nhiều là: Hà Nam tăng 116 trường, Bạc Liêu 78 trường, Thái Bình 67 trường, Bắc Ninh 51 trường, Sóc Trăng 48 trường, Phú Thọ 43 trường, An Giang 33 trường, Tiền Giang 29 trường, Đắc Nông 28 trường…Ngoài ra, hơn 2700 trường tiểu học trong cả nước đăng ký áp dụng từng phần mô hình VNEN.

Được biết, Bộ GDĐT vẫn khuyến khích các cơ sở giáo dục đang triển khai mô hình VNEN tiếp tục triển khai trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo đạt hiệu quả thiết thực và duy trì trong suốt cấp học vì quyền lợi của học sinh. Những cơ sở giáo dục không áp dụng mô hình VNEN có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, đảm bảo nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm. Bên cạnh đó, địa phương các cơ sở giáo dục tiếp tục chủ động nghiên cứu đổi mới, sáng tạo trong tổ chức dạy và học; áp dụng những mô hình giáo dục tiên tiến khác phù hợp điều kiện thực tiễn.

Hữu Thành

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tat-ca-phu-huynh-deu-phan-doi-43710.html