Tất cả đã sẵn sàng cho Đại lễ

(Chinhphu.vn) - Chiều 27/9, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì buổi họp cuối cùng của Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, hoàn tất việc chuẩn bị để tiến hành Đại lễ thành công.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, toàn bộ công việc chuẩn bị cho 10 ngày Đại lễ đã hoàn thành. Kịch bản chi tiết cho các sự kiện đã được duyệt. Tất cả các lực lượng đều đã và đang tập luyện rất tích cực, công phu. Hoàn tất công tác chuẩn bị Lãnh đạo Công an TP.Hà Nội đã làm việc với 8 tỉnh giáp ranh với Thủ đô để lên các phương án phối hợp bảo vệ chi tiết, kể cả việc bảo đảm an ninh trong các buổi diễn tập, sơ duyệt, tổng duyệt. Tiểu ban An ninh lên những phương án phân luồng giao thông cụ thể, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, nhất là trong các ngày 1, 9, 10/10. Theo Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh, 300 cảnh sát giao thông sẽ được tăng cường để phân luồng giao thông. Từng phương án bảo vệ cụ thể cũng được bố trí cho 54 sự kiện chính, đặc biệt là 3 sự kiện quan trọng nhất là lễ khai mạc, lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành và lễ bế mạc. Một số phương án chống khủng bố, phòng chống cháy nổ... đã được diễn tập. Phương tiện ôtô, môtô dẫn đường, thông tin liên lạc đã được trang bị đầy đủ. Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng cho biết, trong 10 ngày diễn ra Đại lễ sẽ có hơn 1.000 nhà báo tham gia đưa tin về các sự kiện, trong đó có hơn 100 phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài. Trung tâm báo chí sẽ được đặt tại 75 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội và bắt đầu hoạt động từ 30/9. Quan tâm đặc biệt công tác tuyên truyền Ngoài các công tác an ninh, lễ tân, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng lưu ý Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đặc biệt chú ý công tác tuyên truyền. ”Cần có kế hoạch tuyên truyền cụ thể, sâu rộng, nêu bật được hết ý nghĩa của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Phải tuyên truyền chi tiết từng lễ hội, từng sự kiện của Đại lễ”, Phó Thủ tướng nói. Phó Thủ tướng đề nghị UBND TP.Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Ban tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai công tác tuyên truyền thật tốt, đặc biệt quan tâm, tạo thuận lợi cho các nhà báo tác nghiệp. Cuộc họp báo chung cho các cơ quan báo chí trong và ngoài nước để thông báo cụ thể, chi tiết những thông tin, sự kiện liên quan đến Đại lễ sẽ sớm được tổ chức. Phó Thủ tướng cũng lưu ý nghi thức đón tiếp, ngoại giao, nhất là trong các sự kiện: Khai mạc Đại lễ sáng 1/10, Lễ diễu binh, diễu hành tại Quảng trường Ba Đình sáng 10/10, Đêm văn hóa nghệ thuật tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình tối 10/10. Việc giới thiệu các lực lượng tham gia trong Lễ diễu binh, diễu hành tại Quảng trường Ba Đình sáng 10/10 phải được chuẩn bị chu đáo. “Không chỉ đơn thuần là giới thiệu về các khối diễu hành mà phải diễn tả được văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến, mang tính trang trọng, có ý nghĩa tôn vinh”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Đặc biệt, sau khi Đại lễ kết thúc, Ban Chỉ đạo cần tổng kết, đánh giá, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa mới tạo ra trong dịp Đại lễ, xây dựng kỷ yếu về công tác tổ chức Đại lễ của Ban Chỉ đạo dành cho các thế hệ mai sau. Kiều Liên – Thu Cúc

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/tat-ca-da-san-sang-cho-dai-le/20109/36810.vgp