Tất bật vụ đào, quất mới

Chưa kịp nghỉ ngơi sau một mùa bận rộn chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán, ngay từ những ngày đầu Xuân, người trồng đào, quất ở ngoại thành lại tất bật bước vào vụ mới.

Hối hả vào vụ

Trái với suy nghĩ của nhiều người là nghề trồng đào, quất chỉ bận rộn vào dịp cuối năm, thời điểm ra Tết khi bắt đầu vào mùa vụ mới cũng “ngốn” khá nhiều công sức của người nông dân. Những ngày này, đến các vùng chuyên canh đào, quất của huyện Đông Anh như Vĩnh Ngọc, Tiên Dương, Uy Nỗ đều được chứng kiến không khí làm việc tất bật, khẩn trương.

Anh Nguyễn Văn Ngát, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh chăm sóc gốc đào mới trồng.

Quệt mồ hôi trên trán, anh Nguyễn Văn Ngát, thôn Phúc Lộc, xã Uy Nỗ cho biết, nếu như cuối vụ vất vả khoảng 20 ngày thì đầu vụ mất khoảng 1 – 1,5 tháng trồng và chăm sóc. Với diện tích 8 sào trồng đào, anh Ngát phải huy động cả 4 nhân lực trong nhà ra đồng làm việc cho kịp thời vụ. Anh chia sẻ, vụ Tết Nguyên đán vừa qua, dù tỷ lệ đậu hoa đúng dịp đạt 60%, thấp hơn năm trước nhưng gia đình anh cũng thu được hơn 100 triệu đồng từ trồng đào nên rất phấn khởi khi bước vào vụ mới. “Với kinh nghiệm trồng đào 17 năm, chúng tôi biết cách để điều tiết, hãm cây phát triển đúng theo ý muốn nhưng nghề này vẫn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết” – anh Ngát cho hay.

Giống như cây đào, thời điểm này, người trồng quất cảnh cũng khá bận rộn với việc đi mua cây giống, mua đất màu, đào hố trồng cây mới. Ông Hoàng Văn Hòa, thôn Lễ Pháp, xã Tiên Dương cho biết, ngoài việc mua cây giống nhỏ ở Văn Giang (Hưng Yên) với giá khoảng 30.000 đồng/cây, ông còn đi thu gom, mua lại của nhiều gia đình chơi quất Tết bán lại. Giá của những cây quất “đã qua sử dụng” tùy thuộc vào kích thước cũng như hình dáng của từng cây, dao động từ 100.000 - 250.000/cây, nếu may mắn có thể xin được, không mất tiền. Ông Hòa tính toán, từ lúc ra Tết đến nay, gia đình ông đã đầu tư khoảng 10 triệu đồng mua cây giống và đất phù sa để trồng vụ quất mới.

Mong một mùa bội thu

Năm nay, thời tiết nắng ấm, không có mưa Xuân nên việc chăm sóc đào, quất sau Tết cũng vất vả hơn. Để giúp cây tăng trưởng và phát triển tốt cũng như ra hoa, đậu quả đúng dịp, ngay từ bây giờ, người nông dân đã phải chú trọng đến khâu tỉa cành, tưới nước, bón phân… Chị Hoàng Thị Thúy, một hộ trồng đào thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc cho biết, do không có mưa Xuân nên khi ghép mắt đào, cây phát triển không nhanh như mọi năm. Bên cạnh đó, vào thời điểm này, người trồng đào thường xuyên phải chú ý phun thuốc chống gỉ sắt, chống sương, sâu đục ngọn để giữ được cây phát triển ổn định đến hết tháng 2 mới bấm ngọn, tạo cành dăm cho tán đào đẹp. Đối với cây quất, cần chú ý đến lượng nước tưới giữ ẩm cho cây, tránh tình trạng cây bị thiếu nước, vàng lá, chột rễ… Đặc biệt, năm nay nhuận hai tháng 6 nên nhiều nông dân đã tính toán đến thời điểm tỉa cành, tuốt lá sao cho cây cho thu hoạch đúng vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất - 2018.

Mặc dù phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện thời tiết, song nghề trồng đào, quất cảnh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Phần lớn diện tích đất trồng đào, quất trên địa bàn Đông Anh đều được chuyển đổi từ trồng lúa, lạc kém hiệu quả. Hơn nữa, ngoài thời điểm bận rộn vào đầu và cuối vụ, trong năm, người dân có nhiều thời gian nông nhàn để đi làm công việc khác, kiếm thêm thu nhập. Với kinh nghiệm trên dưới 10 năm trồng đào, quất cảnh, nhiều nông dân Đông Anh tự tin với hướng đi của gia đình mình. Hiện thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc có khoảng 50 hộ trồng đào, mỗi hộ bình quân 2 – 3 sào hay như thôn Phúc Lộc, xã Uy Nỗ có 150 hộ dân thì tất cả đều trồng đào với diện tích khoảng 30 mẫu… Thu nhập bình quân đạt 20 – 30 triệu đồng/sào/năm.

Bước vào vụ mới, cũng như rất nhiều hộ nông dân trồng đào, quất ở nơi khác, những chủ vườn ở Đông Anh hy vọng vào một năm mưa thuận gió hòa, được mùa, được giá để đón một cái Tết đủ đầy.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tat-bat-vu-dao-quat-moi-280955.html