Tất bật lễ chùa đầu năm

Ra giêng, các đền chùa miếu phủ ở Hà Nội và các tỉnh lân cận luôn đông đúc. Người người chen nhau cầu an, cầu phúc, cầu tài với những mâm lễ chất cao ngang người.

Mới mùng 4 Tết, gia đình chị Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) đã chia nhau đi lễ. Chồng đi chùa Hương, chị Minh lên Tuyên Quang đi đền ông Hoàng Bảy, chưa kể hai vợ chồng đi hầu hết chùa nổi tiếng ở Hà Nội như phủ Tây Hồ, Quán Thánh, Quán Sứ... trong dịp Tết để cầu phúc cầu an. Đến mỗi đền chùa, chị Minh đều sắm sửa lễ chay, lễ mặn, tiền vàng, đóng tiền làm lễ giải sao tốn cả triệu đồng. "Vợ chồng là công chức, chẳng buôn bán gì, nhưng năm nay mình đứng sao Thái Bạch, có câu sao Thái Bạch quét sạch cửa nhà, nên phải siêng đi lễ cầu an. Tiền bạc có tốn nhưng đưa vào nhà chùa thì cũng không sao", chị Minh nói. Chồng là phó giám đốc một công ty xây dựng, ngấp nghé chức giám đốc đã mấy năm nay nên chị Yến (quận Thanh Xuân, Hà Nội) năm nào cũng sắm sửa lễ vật đến dâng Đức Thánh Trần (Nam Định). Sau Tết Tân Mão chị sắm lễ vật hảo hạng, còn nhờ các nhà sư làm lễ. Chị Yến cho biết, thường phải dậy 2-3 giờ sáng để lên đường, đến nơi thì luôn phải chen lấn xô đẩy, có năm còn bị kẻ gian móc ví tiền song vợ chồng chị vẫn phải cố gắng "để các thần soi xét vì công danh sự nghiệp". Phủ Tây Hồ luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Hồng Quyên. Tình trạng nhân viên công sở trốn việc đi lễ chùa đầu năm khá phổ biến. Nếu không xin được nghỉ cả ngày để đến chùa chiền ở xa, nhiều người thường tranh thủ vài giờ đến thăm đền chùa ở Hà Nội như chùa Hà, Quán Sứ, phủ Tây Hồ... "Đầu năm, cơ quan mình vắng tanh, gần nửa con số đi chùa, người thì tranh thủ vài giờ, người thì xin nghỉ cả ngày đi lễ chùa Hương, Yên Tử. May mà đầu năm nên các sếp thông cảm. Người ta đi nhiều mà mình không đi thì cảm thấy áy náy", chị Thu, một cán bộ cấp sở ở Hà Nội nói. Mùng 6 là ngày phủ Tây Hồ (Hà Nội) đông khách đi lễ nhất trong dịp Tết, các bãi xe lớn nhỏ ken đặc. Người người chen nhau giữa sân phủ và phải hành lễ từ xa giữa khói hương nghi ngút. Toát mồ hôi mới chen ra khỏi đám đông, chị Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) ca thán đi lễ mà như hành xác, suýt nữa thì ngất giữa đám đông. Các chùa như chùa Hương, Bái Đính, Yên Tử từ sau Tết luôn tấp nập người hành hương lễ Phật. Người dân chen lấn để vào động Hương Tích, thi nhau thả tiền trước những đụn vàng, đụn bạc để cầu tài lộc. Ở chùa Bái Đính, du khách thi nhau nhét tiền vào tay, vai, bụng các pho tượng bằng đá. Chùa Hương ngày khai hội. Ảnh: Bá Đô. Lượng người đi lễ hội quá đông nên tình trạng "cháy" xảy ra triền miên. Xí nghiệp kinh doanh tổng hợp Hà Nội có đội xe hợp đồng với 160 chiếc song luôn trong tình trạng hết xe. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, phụ trách kinh doanh, ngoài việc cho thuê xe, xí nghiệp còn bán vé lẻ. Hiện mỗi ngày có 7-8 xe loại 45 chỗ, cuối tuần có hơn 10 xe đi chùa Hương và 2-3 xe đi chùa Bái Đính. Các đơn vị lữ hành cũng cho biết, lượng khách đi lễ năm nay ước tăng 20% so với năm ngoái. Ông Nguyễn Hồng Thái, Trưởng phòng nội địa, Hanoitourist, cho biết tuần này đơn vị tổ chức cho hơn 200 khách đi Yên Tử, Bái Đính. Tuần tới, số du khách tăng đến gần 500, phần lớn là các công ty tổ chức cho cán bộ công nhân viên đi lễ hội. Ông Thái cho rằng, người đi lễ hội đầu năm khá đông nên tình trạng ùn tắc giao thông, cáp treo rất dễ xảy ra. Do vậy, tốt nhất người dân không nên đi vào ngày cuối tuần và sắm đồ lễ ở nhà, đi tập trung theo nhóm, đoàn để tránh bị lạc. Theo Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Viện phó Phật giáo, tâm trong lòng mỗi người. Người đi lễ không cần sắm mâm cao cỗ đầy, đốt nhiều vàng mã, chỉ cần đốt tượng trưng. Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa có công điện gửi các cơ quan trực thuộc, yêu cầu xử lý nghiêm cá nhân, tập thể sử dụng xe công đi lễ hội và lễ chùa trong giờ làm việc. Chủ tịch thành phố giao Sở Nội vụ thanh tra công vụ, kiểm tra đột xuất việc thực hiện kỷ luật hành chính, đặc biệt với các bộ phận giải quyết công việc thường xuyên của người dân, doanh nghiệp. Đoàn Loan

Nguồn VnExpress: http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/02/tat-bat-le-chua-dau-nam/