Tập tục kỳ bí của một tộc người

Muốn có gỗ cất nhà phải làm lễ xin thần rừng, thỉnh thoảng vào rừng ngủ vài đêm để tỏ lòng thành kính hay phụ nữ đến kỳ sinh nở đều được đưa vào rừng để “vượt cạn”… đó là những tập tục đầy kỳ bí của người T’ré sống dưới chân núi thiêng Ngọc Linh (huyện Đắk Glei, Kon Tum).

Ký ức về tập tục “vượt cạn” trong rừng

Người T’ré là một nhánh của người Xê Đăng sống quần cư dưới chân núi Ngọc Linh hùng vỹ thuộc huyện Đắk Glei. Với sự biến chuyển của đời sống, đã có nhiều nét đổi thay trong nếp sinh hoạt của người dân nơi đây. Tuy nhiên, trong tâm thức của những người lớn tuổi thì ký ức về các phong tục sinh hoạt vẫn hiển hiện đầy sống động. Khi chiều kéo ánh sáng vào đêm, buôn làng người T’ré chìm trong u uẩn, tĩnh mịch đến lạ thường. Những nếp nhà thấp lè tè, chỉ được ghép bằng các tấm ván thô sơ nhưng là nơi sinh hoạt của hàng chục người.

Đêm ấy, khi mặt trời lặn xuống chân núi, bên bếp lửa bập bùng, ông Y Thung chỉ cánh tay về phía rừng già nói với tôi một cách đầy ví von: “Rừng chính là cái bao tải khổng lồ bao bọc cuộc sống người dân T’ré. Muốn có gỗ cất nhà phải xin thần rừng. Buổi hành lễ xin gỗ phải diễn ra trang nghiêm trước hàng trăm người trong buôn. Người được cử đi đốn gỗ phải là người tốt, còn những kẻ xấu sẽ không được vào rừng”.

Giải thích với một kẻ đến từ phố thị như tôi, ông Thung chậm rãi nói: “Rừng cũng như con người, cũng biết buồn – vui đấy. Nếu để kẻ xấu bụng vào lấy gỗ, những cái cây tủi thân sẽ không chịu mọc lên nữa. Vì thế những ai từng làm điều sai trái khi xin gỗ phải nhờ người có cái bụng, cái dạ tốt vào rừng đốn hộ. Có thể nói, người dân nơi đây rất yêu rừng, để thể hiện tình cảm và niềm tin với những cánh rừng, người T’ré lâu lâu lại vào ngủ trong rừng vài đêm”.

Thông thường, dịp gần Tết, người T’ré mới tìm gỗ để thay những tấm ván đã cũ trong ngôi nhà của mình. Một người đàn ông trong làng cho tôi hay, cộng đồng người T’ré còn có một nguyên tắc bất di bất dịch khác khi xin gỗ thần rừng là chỉ chọn những cây gỗ có nhiều nhánh để chặt hạ một nhánh. Những cây không có nhánh thì tuyệt đối không được xâm phạm vì đốn xuống thì coi như mất cả cái cây. Thế nên, nhiều người chấp nhận đợi tới năm sau mới sửa nhà vì tìm mãi không gặp được cây có nhiều nhánh.

Bên bếp lửa rực đỏ, Anh Y Min góp chuyện: “Năm rồi tôi không được khỏe, không có sức đi sâu vào rừng tìm những cây có nhiều nhánh để chặt được nên đành chịu chưa sửa được nhà. Ngoài bìa rừng này toàn cây lên thẳng, nhánh còn rất bé. Nếu chặt cả cây là phạm trọng tội, có người lỡ vi phạm bị các già làng bắt vào rừng để chịu tội đấy mấy Tết”.

Khi tôi hỏi thêm về những tập tục độc đáo, những người có tuổi trong buôn kể, cách đây khoảng 10 năm, dường như rất hiếm có trường hợp sinh nở tìm đến trạm y tế. Họ lặng lẽ đưa nhau vào rừng. Khi người phụ nữ có dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh, người chồng sẽ đốt một đống lửa, lặng im nhắm nghiền mắt thể hiện sự tôn kính và nhờ thần rừng giúp đỡ rồi đưa vợ vào nơi chuẩn bị sẵn trong rừng. Già làng Y Mé cho hay: “Những phụ nữ người T’ré đều tự mình “vượt cạn”, khi nghe tiếng trẻ khóc thì người chồng mới mang sữa và các loại thức ăn tới. Thế hệ này sang thế hệ khác, những đứa con của người T’Ré được sinh ra như thế và lạ thay đều mẹ tròn con vuông”.

Già làng Y Mé cho biết thêm: “Trước khi người phụ nữ sắp sinh được đưa vào rừng thì từ những chiếc lều đã được dựng sẵn. Cũng có khi là chiếc ổ được lót trong các hốc cây kín gió, xung quanh được mắc màn”. Họ nghĩ rằng, làm như thế khi đứa trẻ cất tiếng khóc đầu tiên cũng là tiếng báo hiệu để mẹ thiên nhiên và thần rừng bảo vệ, ban cho sức khỏe.

Trước khi đưa vợ và con về nhà, người chồng phải kiếm đủ 10 rổ rau rừng về cho các bà đẻ ăn. Anh Y Hbao - một người đàn ông trong buôn ghé tai tôi giải thích: “Món rau rừng cho người phụ nữ mới sinh sức khỏe, món rau này bây giờ là đặc sản mà người thành phố hay tìm mua. Ăn loại rau này, những đứa con sẽ lớn lên khỏe mạnh”.

Ngoài ra còn có một món ăn rất đặc biệt được chế biến từ thịt lợn rừng. Người chồng sẽ cùng những người đàn ông trong buôn tổ chức đi săn để chuẩn bị cho người vợ sắp sinh. Thịt lợn rừng sẽ được cắt nhỏ rồi ướp với một loại lá cây rừng mà chỉ những người T’ré mới biết sau đó nướng rồi treo lên gác bếp.

Ông Nguyễn Văn Hòa, người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa các tộc người ở Tây Nguyên cho biết: “Cộng đồng người T’ré sống quần cư ở huyện Đắk Glei nói riêng và cả cả vùng nói chung còn nhiều tập tục kỳ bí nhưng rất nghĩa tình, đậm chất Tây Nguyên. Nhưng đáng buồn là những nét đặc sắc này đang có nguy cơ mai một”.

Ông Hòa nhớ lại câu chuyện mà mình từng chứng kiến: “Đó là một buổi chiều muộn , trong nhà bố con ông Y Nâm chỉ còn chút mỳ và vài bắp ngô. Mấy cha con Y Nâm cho biết, cả nhà “nằm rừng” suốt tuần để săn thú. Đêm nào cũng có hàng chục con sóc, con lợn rừng xuất hiện nhưng khi biết đều đang có chửa nên không ai dám đụng đến. Đó là nguyên tắc truyền đời”.

Tìm đến văn minh

Vài năm trở lại đây, khi trạm y tế xã Xốp, huyện Đắk Glei đi vào hoạt động, nhiều y sỹ vào tận các buôn vận động nên nhiều người trẻ đã ra trung tâm y tế để sinh đẻ chứ không lầm lũi vào rừng sâu nữa. Ấy thế nhưng trong ý nghĩ của họ vẫn còn mơ hồ lắm. Chị Y Toan chia sẻ: “Nghe các cán bộ nói mãi với lại chồng đang bị bệnh nên tôi mới ra trạm y tế đẻ thôi, vẫn thích đẻ trong rừng hơn. Vì đó là tục lệ đã có từ lâu lắm rồi. Nhưng sinh ở trạm y tế được cho thêm sữa nữa về uống, ban đầu lạ lắm, uống không vào nhưng rồi cũng quen”.

Những luật lệ tốt đẹp thì người già vẫn giữ, nhưng có nhiều người được tiếp cận cuộc sống văn minh nên cũng bắt đầu thay đổi nếp sống. Ông Đinh Rươn, một người từng đi đây, đi đó bộc bạch: “Cách sống của người Kinh dưới xuôi hay lắm. Điện sáng trưng, làm ruộng lại có máy cày. Nhìn thích lắm nên tôi đã cố mày mò học đấy. Giờ nhiều buôn làng người T’ré rành làm lúa nước rồi. Mà thực ra, cây lúa nước ở đây đã có từ nhiều năm lắm rồi, có điều trải qua nhiều biến cố nên người ta không mặn mà mấy. Giống lúa nước được mang về trồng đầu tiên tại xã Mường Hoong sâu trong núi Ngọc Linh”.

Không chỉ trồng lúa, rất nhiều gia đình người T’ré còn xây nhà kiên cố bằng gạch giống người Kinh. Ông Rươn bảo, cái bụng người T’ré giờ sáng dần ra rồi, làm lúa theo hướng dẫn kỹ thuật nhanh có tiền hơn, xây nhà gạch ở thích hơn nhà gỗ. Với sự đổi thay này, chẳng mấy chốc các buôn làng người T’ré sẽ khang trang như dưới xuôi.

Ở nhiều buôn làng, ngoài các cây lương thực, người T’ré đã phát triển các cây công nghiệp như cà phê. Công tác chăm sóc sức khỏe, sự nghiệp giáo dục cũng ngày càng phát triển. Các công trình hạ tầng cơ sở cầu, đường giao thông, điện, thủy lợi được quan tâm đầu tư, trường, trạm khang trang nhờ các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án đầu tư xây dựng của địa phương.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/tap-tuc-ky-bi-cua-mot-toc-nguoi/710057.antd