Tập trung mũi nhọn công nghệ cao

Phát triển công nghệ cao (CNC) được xem là một trong những hướng đi hợp lý để nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của TP.HCM.

Chính vì thế, trong những năm qua TP đã tập trung đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này với một cơ sở hạ tầng lớn: Khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung, Khu y tế kỹ thuật cao, Khu nông nghiệp CNC, Trung tâm công nghệ sinh học, Trung tâm thiết kế chế tạo thiết bị mới… Góp ý cho Đại hội Đảng TP về chiến lược phát triển CNC, Pháp Luật TP.HCM ghi nhận ý kiến của Tiến sĩ Lê Thái Hỷ - Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM. Đến nay, Khu CNC TP.HCM đã định hình hoạt động giai đoạn I và triển khai xây dựng giai đoạn II. Ở giai đoạn I (300 ha), TP đã tổ chức khánh thành Phân khu sản xuất công nghiệp CNC. Về triển khai giai đoạn II (613 ha), vào cuối tháng 4-2010, Ban quản lý Khu CNC đã trình UBND TP dự án đầu tư xây dựng giai đoạn II, hiện đang được các sở, ngành thẩm định. Tính đến tháng 9-2010 đã có 20 dự án đi vào hoạt động, đóng góp gần 800 triệu USD xuất khẩu các hàng hóa, dịch vụ CNC. Hàng loạt sản phẩm xuất xưởng Chủ trương nâng dần hàm lượng khoa học-công nghệ trong sản phẩm được thực tiễn hóa ở khu CNC rõ nét và đáng kể với các sản phẩm CNC như chipset (Intel), module cảm biến kỹ thuật số (DGS), máy in (Jabil), thiết bị đọc mã vạch (Datalogic), thẻ thông minh các loại (MK, VTC), dược phẩm, thuốc chữa bệnh (Nanogen), động cơ bước cho đầu đọc DVD, máy ảnh kỹ thuật số (Nidec Sankyo), dịch vụ bảo hành, bảo trì máy móc, thiết bị trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn (GES)… Dây chuyền sản xuất đồ điện chính xác tại khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: CTV Ngoài khu sản xuất sản phẩm CNC, Khu CNC TP còn được quy hoạch phát triển khu nghiên cứu-triển khai (R&D), ươm tạo và đào tạo. Hiện đã triển khai hoạt động của ba đơn vị Trung tâm Nghiên cứu-triển khai, Trung tâm Đào tạo và Vườn ươm doanh nghiệp CNC. Thời gian qua, ngoài một số công ty CNC đã đầu tư cho hoạt động R&D, hoạt động của các đơn vị R&D, đào tạo, ươm tạo đã có những kết quả bước đầu như chuyển giao (cho doanh nghiệp - DN) ý tưởng công nghệ carbon nano tube và pin nhiên liệu; thực hiện hợp đồng (với DN) chuyển giao công nghệ than nano lỏng, mực in laser; ứng dụng công nghệ nano từ trong bộ kit chẩn đoán bệnh; nghiên cứu chế tạo chip sinh học, chip cảm biến áp suất, chip laser phát sáng UV; sản xuất đèn LED công suất cao. Ban quản lý Khu CNC đã quy hoạch chi tiết 1/500 khu không gian khoa học và đã cấp phép cho một dự án R&D; đang tiến hành thủ tục cấp phép cho một số dự án R&D khác; ký thỏa thuận đầu tư với một số viện nghiên cứu thuộc Viện KH&CN Việt Nam. Khu CNC cũng đã kết hợp với các trường góp phần đào tạo theo yêu cầu doanh nghiệp CNC với hơn 250 khóa và 3.000 học viên tham dự; cùng ĐH Quốc gia TP.HCM xây dựng đề án thành lập khoa CNC; cấp chứng nhận đầu tư cho ba dự án đào tạo nguồn nhân lực CNC. Quan tâm thu hút chất xám của Việt kiều Đối với việc phát triển CNC, thách thức hiện nay là đội ngũ nghiên cứu, nhất là chuyên gia đầu ngành còn thiếu; cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động R&D, ươm tạo chưa kịp thời và hấp dẫn, thủ tục hành chính trong hoạt động R&D chưa hợp lý. Lực lượng DN trong nước có dự án sản xuất sản phẩm CNC và có đầu tư cho R&D, đổi mới công nghệ còn ít; tính liên kết giữa DN với nhau, giữa DN với viện, trường còn hạn chế; thông tin và cách tiếp cận thị trường sản phẩm CNC cũng là thách thức lớn đối với DN. Để thúc đẩy phát triển ngành CNC, nhất là từ năng lực nội sinh (yếu tố đảm bảo phát triển bền vững) cần nỗ lực tập trung các nguồn lực, xác định lợi thế của TP, tranh thủ thời cơ của hội nhập cho các việc chính sau đây: Một là TP cần hoàn thiện hạ tầng phục vụ hoạt động CNC, trong đó có cả hạ tầng bên ngoài (hạ tầng kỹ thuật, các phòng thí nghiệm liên quan). Hai là cần xây dựng hoàn thiện thể chế đối với hoạt động CNC, làm sao cho ba thành phần chính tham gia hoạt động CNC (DN, viện nghiên cứu, trường đào tạo), nhất là các thành phần trong nước cảm thấy thuận tiện, hấp dẫn trong sản xuất, R&D, đào tạo, ươm tạo CNC. Ba là đào tạo, thu hút, sử dụng nguồn nhân lực bậc cao có hiệu quả, trong đó chú trọng thu hút chất xám từ người Việt Nam ở nước ngoài. Bốn là phát triển thị trường CNC, trong đó chú trọng thị trường nội địa. Năm là tiếp tục tập trung thu hút đầu tư - vừa thu hút các dự án CNC từ các tập đoàn có uy tín, vừa ưu tiên thu hút các dự án trong nước. Sáu là xác định các ngành, lĩnh vực thế mạnh của TP và tập trung phát triển thông qua các chương trình phát triển CNC cụ thể của TP. Ba nhiệm vụ chủ yếu Thực hiện đồng bộ ba nhiệm vụ chủ yếu để phát triển khoa học-công nghệ: nâng cao trình độ nghiên cứu và năng lực sáng tạo khoa học-công nghệ; đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý; đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ cao. Tăng đầu tư ngân sách hằng năm để phát triển khoa học-công nghệ, trong đó tập trung đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng những trung tâm khoa học-công nghệ tiêu biểu. Hình thành và khai thác có hiệu quả các quỹ phát triển khoa học-công nghệ, vườn ươm DN khoa học-công nghệ để thúc đẩy phát triển các DN công nghệ cao, công nghệ thông tin, vật liệu mới, công nghệ sinh học và tự động hóa... (Trích dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ IX nhiệm kỳ 2010-2015) MINH CƯỜNG ghi

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/201010021128830p0c1014/tap-trung-mui-nhon-cong-nghe-cao.htm