Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ ở các địa phương

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương, từ hôm nay 8-11 đến ngày 13-11, do ảnh hưởng của không khí lạnh sẽ xuất hiện đợt mưa ở Bắc Bộ, sau đó mở rộng xuống Bắc Trung Bộ đến Quảng Bình. Lượng mưa cả đợt ở phía tây Bắc Bộ từ 50 đến 150 mm; phía đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ 50 đến 100 mm.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 4, cấp 5. Từ ngày và đêm nay, ở Vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Sóng biển cao từ 2 đến 4 m.

* Để khắc phục nhanh hậu quả áp thấp nhiệt đới và mưa lũ tại Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương tập trung tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ gia đình có người chết, bị thương theo quy định; tổ chức dọn dẹp bùn đất, vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước đối với những khu vực nước đã rút; khẩn trương khắc phục các sự cố giao thông, thủy lợi,.... sớm ổn định đời sống sản xuất của nhân dân; đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến của đợt không khí lạnh tăng cường.

* Sáng 7-11, Chi cục Phòng, chống thiên tai khu vực miền trung - Tây Nguyên cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay đã có 15 người chết, sáu người mất tích do mưa lũ ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Đác Lắc, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Kon Tum. Có 227 nhà bị sập, hư hỏng; 41.041 nhà bị ngập. Ngoài ra, có 7.102 ha lúa, 4.918 ha hoa màu bị ngập, hư hại; 440 con gia súc và 42.724 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

* Ngày 7-11, quốc lộ 40B nối Quảng Nam với các tỉnh Tây Nguyên đã thông xe. Để bảo đảm an toàn giao thông trên quốc lộ 40B, tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ kinh phí khoảng 25,5 tỷ đồng để sửa chữa, xây mới và nâng cấp các công trình.

* Hiện, các công ty điện lực khu vực miền trung - Tây Nguyên đang tiếp tục theo dõi tình hình để khôi phục cung cấp điện cho phụ tải trong thời gian sớm nhất. Tại Quảng Nam, do sạt lở đường, cơ quan chức năng chưa thể tiếp cận hiện trường và khôi phục sự cố ở ba trạm biến áp, gây mất điện một phần xã Trà Leng, huyện Nam Trà My. Ở Bình Định, một số phụ tải của TP Quy Nhơn, huyện Hoài Ân vẫn còn ngập nước, phía điện lực chưa thể tiếp cận hiện trường để khôi phục lưới điện. Tại tỉnh Phú Yên, một số khu vực thuộc các huyện Phú Hòa, Đồng Xuân, Đông Hòa, Tuy An, thị xã Sông Cầu và TP Tuy Hòa chưa thể khôi phục cung cấp điện. Tỉnh Đác Lắc hiện có 34 trong số 2.800 trạm biến áp đang bị cô lập, chưa khôi phục cấp điện, gây mất điện một số khu vực thuộc các huyện Krông Pác, Ea Kar và Cư Kuin.

* Trận lũ vừa qua, toàn tỉnh Lâm Đồng có một người bị lũ cuốn mất tích; tại huyện Lạc Dương, hơn 132,5 ha bị ngập, bốn cây cầu bị hư hỏng; huyện Đức Trọng thiệt hại khoảng 50 ha rau màu, hồ tiêu, cà-phê; huyện Đam Rông bị nước lũ gây hư hại hơn 84 ha ngô, cà-phê, lúa chuẩn bị cho thu hoạch, thiệt hại hơn ba tỷ đồng. Hiện công tác khắc phục hậu quả đang được các địa phương triển khai tích cực, đồng thời, tiến hành kiểm tra, thống kê thiệt hại để có phương án xử lý, hỗ trợ phù hợp.

* Bảo đảm an toàn hồ đập và các công trình điện: Theo Vụ Quản lý công trình thủy lợi và An toàn đập, hiện các hồ chứa ở khu vực miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đạt từ 70 đến 90% dung tích thiết kế. Tại Nam Trung Bộ, nhiều hồ chứa đã đạt ở mức cao như Phú Yên đạt 90%, Khánh Hòa đạt 85%, Ninh Thuận đạt 86%, Bình Thuận đạt 99%. Để bảo đảm an toàn các công trình hồ, đập, các địa phương tổ chức trực ban suốt 24 giờ hằng ngày, thường xuyên theo dõi diễn biến mực nước trong các hồ chứa để có biện pháp điều tiết kịp thời.

* Từ ngày 7 đến ngày 10-11, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh quyết định tăng lưu lượng xả lũ hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) ra sông Sài Gòn từ 200 m3/giây lên 300 m3/giây để hạ thấp mức nước, bảo vệ an toàn cho hồ. Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP Hồ Chí Minh đã đề nghị UBND các quận, huyện, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi TP Hồ Chí Minh và các đơn vị có liên quan sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để chủ động phòng, chống, ứng phó khi xảy ra tình huống bất lợi.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/31201202-tap-trung-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-o-cac-dia-phuong.html