Tập trung đẩy mạnh bảo hiểm y tế toàn dân

BHXH, BHYT là 2 trụ cột chính trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của đất nước liên quan đến quyền lợi, sức khỏe, đảm bảo an toàn và chất lượng cuộc sống trọn đời của người tham gia.

Ảnh minh họa từ internet.

Thực hiện BHYT toàn dân là một chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước. Sau 25 năm thực hiện chính sách pháp luật về BHYT, đặc biệt sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, công tác BHYT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, cho đến nay tỷ lệ bao phủ BHYT trong dân số vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, nhiều thách thức trong triển khai BHYT bắt buộc, tình trạng trốn đóng, nợ BHYT còn diễn ra...

Trong buổi hội thảo “Bảo hiểm y tế toàn dân tại Việt Nam, thực trạng và giải pháp phát triển bền vững” diễn ra mới đây tại Đà Nẵng, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện BHYT toàn dân có nguyên nhân từ chính sách, pháp luật và cách thức tổ chức thực hiện.

Đó là mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BHYT đã được ban hành khá đầy đủ và kịp thời, tuy nhiên việc sửa đổi những bất cập và bổ sung các thiếu hụt phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện còn chậm, dẫn đến khó khăn cho các đơn vị tổ chức thực hiện. Việc hạn chế trong tuân thủ pháp luật về BHYT là vấn đề cần quan tâm. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thực hiện chính sách như nhà trường, chính quyền địa phương vẫn chưa được thể hiện rõ ràng. Một số hạn chế trong đáp ứng và tiếp cận dịch vụ y tế, nhất là ở các tuyến y tế cơ sở và các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, hay tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương… là nguyên nhân khiến người dân chưa tích cực tham gia BHYT. Bên cạnh đó, nhiều người dân vẫn còn suy nghĩ BHYT chỉ thực sự có giá trị khi bị mắc bệnh nặng, hoặc phải vào bệnh viện điều trị nội trú...

Năm 2016, với nhiều chính sách mở rộng về quyền lợi của người bệnh trong khám chữa bệnh BHYT nhưng tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ khám chữa bệnh có chiều hướng gia tăng với nhiều hình thức khác nhau cả từ phía người tham gia BHYT và cơ sở khám chữa bệnh như chính sách thông tuyến; sử dụng thuốc và vật tư y tế có giá cao không hợp lý; chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật quá mức cần thiết, không phù hợp với chẩn đoán; liên danh, liên kết lắp đặt máy móc, trang thiết bị theo hình thức xã hội hóa với những cam kết, ràng buộc làm gia tăng cung đối với dịch vụ kỹ thuật từ các máy móc này…

Để đạt mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2020, BHXH Việt Nam kiến nghị Quốc hội tăng cường công tác giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT ít nhất 1 năm/lần đối với các địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT dưới 80%. Đề xuất Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố cân đối ngân sách thực hiện hỗ trợ 100% mức đóng cho đối tượng cận nghèo tham gia BHYT, hỗ trợ tối thiểu 50% với các hộ gia đình nông – lâm – ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình; chỉ đạo các tỉnh, thành phố tăng cường các giải pháp quản lý quỹ BHYT…

BHXH Việt Nam đề nghị các bộ, ngành liên quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… phối hợp tăng tỷ lệ bao phủ BHYT đối với nhóm đối tượng đang quản lý; Bộ Y tế phối hợp hoàn thiện mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ KCB BHYT, đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHYT theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia.

Mai Hiền

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/camera-benh-vien/tap-trung-day-manh-bao-hiem-y-te-toan-dan-305421.html