Tập trung đảm bảo an toàn những đê điều đã bị sự cố

Theo báo cáo của Vụ Quản lý đê điều, Tổng cục Thủy lợi, tính đến 7h00 ngày 21/8, các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Ninh Bình đã xảy ra một số sự cố trên tuyến đê từ cấp III trở lên.

Tập trung đảm bảo an toàn những đê điều đã bị sự cố. Ảnh minh họa:TTXVN

Cụ thể, trên tuyến đê tả Cầu thuộc địa bàn huyện Việt Yên, Bắc Giang đã xảy ra 2 sự cố sạt lở mái đê phía sông tại K40+080 và K49+700. Tại Hải Dương, sạt lở mang cống Đầm Tôm tại K4+970 đê tả Lạch Tray; sạt bãi sông tại cửa cống An Thổ tại K47+640 đê tả Luộc; sạt mái đê phía đồng tại K41+381 đê hữu Kinh Thầy.

Tỉnh Ninh Bình cũng xảy ra sự cố sạt lở 2 tuyến kè trên đê hữu Đáy thuộc địa bàn huyện Yên Khánh. Ngoài ra, có một số sự cố trên các tuyến dưới cấp III hoặc chưa phân cấp ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Thanh Hóa.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu các địa phương triển khai các phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu; trong đó tập trung các trọng điểm đê điều đã bị sự cố trong bão số 1 và 18 hồ chứa xung yếu đang tích nước cao.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, thiệt hại ban đầu tính đến 7h00 ngày 21/8 có khoảng 8.843 ha lúa và 1.189 ha hoa màu bị ngập úng. Có 61 con gia súc, 1.895 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Về thủy lợi, 4 đập xây bị hư hỏng, 4.482 m kênh mương, 3.445m kè bị sạt, trôi, hư hỏng.

Hiện ở hầu hết các địa phương không xảy ra tình trạng úng ngập. Các địa phương vẫn đang chủ động vận hành bơm để hạ thấp mực nước trong đồng và kênh. Riêng tại Vĩnh Phúc có 2.698 ha bị ảnh hưởng (2.560 ha lúa và 138 ha rau màu); trong đó bị mất trắng là 1018 ha (955 ha lúa và 63 ha rau màu); 211ha thủy sản bị ngập và 20m kênh mương bị sạt.

Vĩnh Phúc đang chỉ đạo điều tiết xả lũ các hồ chứa và vận hành các trạm bơm tiêu để hạn chế úng ngập trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc tiêu úng khu vực phía Nam của tỉnh qua sông Phan phụ thuộc vào mực nước sông Cầu (hiện đang ở mức cao) nên cần có các giải pháp chủ động tiêu thoát khác hỗ trợ.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, mực nước trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình đang lên nhanh. Mực nước sông Lô đang dao động theo điều tiết của các hồ thủy điện.

Lúc 7h00 ngày 21/8, mực nước tại Hà Nội là 6,6 m; sông Thái Bình tại Phả Lại là 3,68m. Dự báo mực nước hạ lưu sông Hồng và hạ lưu trên sông Thái Bình tại Phả Lại sẽ lên nhanh.

Đến nay các hồ chứa thủy lợi vẫn đảm bảo an toàn. Có 47/115 hồ thủy lợi khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã tích đầy nước và đang xả tràn, các hồ chứa khác đạt từ 60-85% dung tích thiết kế. Có18 hồ thủy lợi chứa xung yếu đang tích nước cao tại các địa phương: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc.

Trong 4 hồ chứa thủy điện cắt lũ trên hệ thống sông Hồng, hiện mực nước hồ Hòa Bình đang ở mức cao hơn quy định. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã liên hệ trực tiếp Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình yêu cầu triển khai biện pháp hạ thấp mực nước hồ đảm bảo theo quy trình vận hành./.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/tap-trung-dam-bao-an-toan-nhung-de-dieu-da-bi-su-co/22551.html