Tập trung cứu người sau bão số 2

* Thủ tướng yêu cầu sơ tán dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ lũ quét. * Hơn 800 xã từ Thanh Hóa - Quảng Bình bị ảnh hưởng do bão số 2. * Quảng Bình: 19 người bị thương, 7 tàu hàng bị mắc cạn.

Trường Tiểu học Thạch Liên (Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị hư hại do bão số 2. Ảnh: Trần Tuấn

Sáng 17.7, tại cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tập trung mọi lực lượng, phương tiện để trong thời gian ngắn nhất tìm bằng được những thuyền viên bị nạn trên tàu VTB26 bị chìm tại vùng biển Cửa Lò.

Cứu sống 7 thuyền viên, phát hiện hai thi thể vụ chìm tàu tại Cửa Lò

Khoảng 1h ngày 17.7, bão số 2 đã đổ bộ vào đất liền Nghệ An. Hoàn lưu bão số 2 gây gió mạnh cấp 7, cấp 8; tại đảo Hòn Ngư có gió giật cấp 12, đất liền ven biển gió giật cấp 9, cấp 10 gây ra mưa lớn trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo sơ bộ, đến 16h ngày 17.7, bão đã làm 1 người chết (bà Nguyễn Thị Mai, sinh năm 1969, ở khối 8 phường Quỳnh Thiện, TX.Hoàng Mai) do sập xà mái tôn đè vào người; Có 2.872 nhà, kiốt quán bị tốc mái (trong đó có 1 trụ sở UBND xã, 1 trạm y tế, 2 trường học và 2 nhà tập thể).

152 cột điện bị đổ gãy; 350ha keo bị đổ, 100.000 cây xanh bị đổ; 2.000ha vừng bị đổ; 250ha ngô, 370ha dưa hấu, 350ha rau màu các loại, 4.550ha lúa hè thu bị ngập. Nhiều tuyến đường giao thông, hạ tầng bị sạt lở, ách tắc.

Theo báo cáo nhanh của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tàu VTP 26 có 13 thuyền viên, trọng tải hơn 5.000 tấn và 4.700 tấn than chạy theo lý trình Hải Phòng - Cửa Lò bị lật, nổi đuôi tàu cách đảo Hòn Ngư 800m về hướng bắc.

Đến chiều 17.7, đã cứu sống được 7 thuyền viên, phát hiện hai thi thể. Ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban chỉ huy PCLB tỉnh Nghệ An - cho biết: UBND tỉnh đã thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời cho những người dân thiệt hại do bão, đặc biệt gia đình có người gặp nạn bị chết; hỗ trợ người dân khắc phục nhà cửa để ổn định cuộc sống.

Các lực lượng chức năng, các tầng lớp nhân dân khẩn trương thu dọn sau bão, giải phóng ách tắc giao thông, giúp các gia đình bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống.

Các lực lượng chức năng và người dân TP. Vinh (Nghệ An) đang khẩn trương tập trung thu dọn và khắc phục hậu quả mưa bão để sớm ổn định cuộc sống. Ảnh: TTXVN

Vận hành các trạm bơm cứu Hà Nội khỏi úng ngập

Theo báo cáo của Cty thoát nước Hà Nội, từ 9h-12h30 ngày 17.7, lượng mưa tại Hà Nội nhiều nơi đạt ngưỡng trên 120mm khiến nhiều nơi bị ngập sâu. Do lượng mưa quá lớn, diễn ra liên tục nên tại thời điểm 12h30 ngày 17.7, mực nước tại một số vị trí như: Trên sông Tô Lịch tại Hoàng Quốc Việt 5,52m, tại đập Thanh Liệt 4,24m; trên sông Nhuệ tại trạm bơm Đồng Bông 5,10m, tại đập Thanh Liệt 4,24m; trên sông Kim Ngưu tại cống quay 4,18m; tại hồ Tây 5,89m, hồ Linh Đàm 2,59m, hồ Đống Đa 4,48m...

Trước tình trạng mưa lớn trên địa bàn, công ty đã tổ chức lực lượng ứng trực tại hiện trường thực hiện công tác tua vớt rác tại miệng thu hàm ếch, khơi thông dòng chảy và phối hợp hướng dẫn giao thông. Các dàn thiết bị cơ giới đã thực hiện ứng trực để kịp thời hỗ trợ thông tắc tại các vị trí được phân công. Các cửa phai hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa… và đập Thanh Liệt đã được mở để điều hòa nước theo quy trình. Trạm bơm Yên Sở, trạm bơm Đồng Bông I đang vận hành các bơm để tiêu thoát nước trên hệ thống.

Đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập

Sáng 17.7, tại cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, tập trung mọi lực lượng, phương tiện của biên phòng, hải quân, tìm kiếm cứu nạn, huy động cả tàu, thuyền trong khu vực để trong thời gian ngắn nhất tìm bằng được những thuyền viên bị nạn trên tàu VTB 26.

UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, đánh giá thiệt hại do bão số 2; kịp thời hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, trong đó tập trung cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên hỗ trợ gia đình có người bị thiệt mạng, hỗ trợ lương thực, thực phẩm (trong trường hợp cần thiết), không để người dân bị thiếu đói.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho đê điều, hồ đập.

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, các hồ chứa nước được vận hành cấp nước theo đúng quy trình điều tiết, hiện nay chưa có hồ chứa nào báo cáo về nguy cơ mất an toàn. Tình hình tích nước đến thời điểm hiện tại không có thay đổi đáng kể, một số hồ điều tiết nước bằng cửa van đã vận hành xả nước bảo đảm an toàn cho hồ.

Cụ thể: Mực nước trung bình các hồ ở khu vực Bắc Bộ đạt 45-55% dung tích thiết kế. Các hồ chứa của các tỉnh Bắc Trung Bộ trung bình đạt từ 55-65% dung tích thiết kế.

Tại Thanh Hóa, các hồ mới đạt trung bình 35% dung tích thiết kế.

Thủ tướng yêu cầu sơ tán dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ lũ quét

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan khắc phục hậu quả bão số 2 năm 2017.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Tiếp tục huy động phương tiện, lực lượng tập trung tìm kiếm, cứu nạn các thuyền viên của tàu vận tải biển VTB 26 còn đang gặp nạn; Tập trung cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình có người bị thiệt mạng, hỗ trợ người dân ổn định đời sống, không để người dân bị thiếu đói.

Tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các khu vực có nguy cơ ngập lụt để bảo đảm an toàn. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động vận hành các hồ chứa và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho đê điều, hồ đập. X.Q - N.Phong

Thống kê sơ bộ thiệt hại ban đầu do bão số 2

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cơn bão số 2 đã gây thiệt hai cho các tỉnh từ Thanh Hóa - Hà Tĩnh.

Tại tỉnh Thanh Hóa: Tính đến 7h ngày 17.7, bão đã làm 96 nhà, trường học bị tốc mái; 590ha lúa bị ngập úng, đổ gãy; 980ha hoa màu bị đổ gãy, hư hỏng; 1.023 cây lâm nghiệp và cây xanh đô thị bị đổ gãy; 110m kênh mương bị sạt đổ; 33 cột điện bị đổ.

Tỉnh Nghệ An: Tính đến 5h ngày 17.7 bão đã làm 1 người chết, 2.751 nhà, quán (kiot) bị tốc mái, trong đó có 1 trụ sở UBND, 1 trạm y tế và 1 trường học; trên 2.000ha vừng bị đổ; 300ha dưa hấu bị ngập; 350ha keo và hàng nghìn cây xanh bị đổ. Mưa lớn đã làm sạt lở một số điểm trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ gây ách tắc giao thông.

Tỉnh Hà Tĩnh: 1 nhà dân và 45 kiot bị sập đổ; 31 nhà dân, 4 trường học và 1 trụ sở UBND xã bị tốc mái; 8 cột điện bị đổ; 607ha lúa và 290ha hoa màu bị ngập úng, nhiều cây cối bị gãy đổ; 4 tàu bị chìm trong khu vực tránh trú bão.

Trong ngày các hãng hàng không đã phải hủy 18 chuyến bay từ Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đi Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới và ngược lại. Hải Yến

Bão số 2 khiến hơn 4.000 hành khách bị ảnh hưởng

Do ảnh hưởng của bão số 2, từ 23h ngày 16.7, trên đoạn đường sắt từ Thanh Hóa - Vinh có nhiều cây, cột điện hạ thế và cao thế bị đổ, chắn ngang đường sắt, gây ảnh hưởng đến chạy tàu. Việc này làm ảnh hưởng tới hơn 4.000 hành khách.

Chiều 17.7, Tổng cục Đường bộ đã có thống kê sơ bộ về những đoạn quốc lộ, tỉnh lộ bị hư hỏng, ngập úng do bão số 2. Theo đó, hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có thiệt hại nhiều nhất về hạ tầng giao thông. Tổng kinh phí ước tính để khắc phục thiệt hại ban đầu trên hệ thống quốc lộ và đường địa phương vào khoảng 55 tỉ đồng. Khánh Hòa

Hơn 800 xã từ Thanh Hóa - Quảng Bình chịu ảnh hưởng do bão số 2

Theo báo cáo của EVN, tính đến 10h ngày 17.7, có hai nhà máy thủy điện trong khu vực ảnh hưởng bão đổ bộ tiến hành xả lũ. Hơn 800 xã tại các địa phương từ Thanh Hóa - Quảng Bình chịu ảnh hưởng. Trong đó, nặng nề nhất là tỉnh Nghệ An, toàn bộ lưới điện ở đây đều gặp sự cố, 298/299 xã bị ảnh hưởng.

Đến 9h ngày 17.7, các đơn vị đã khắc phục được 53 đường dây trung áp trên toàn tuyến, chỉ riêng Nghệ An mới khôi phục cấp điện được cho TP.Vinh. Đ.Thành

Quảng Bình: 19 người bị thương, 7 tàu hàng bị mắc cạn

Chiều tối 17.7 Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Bình cho biết, ước tính thiệt hại ban đầu do hoàn lưu bão số 2 gây ra gần 56 tỉ đồng. Lốc xoáy xảy ra tại xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) đã gây ra thiệt hại nặng.

Thống kê cho thấy, bão số 2 đã khiến 19 người bị thương; 7 tàu hàng bị mắc cạn; 2 sà lan của cảng Hòn La bị chìm; 43 tàu cá bị chìm; 1 tàu lai dắt của Hải quân bị chìm; 16,8ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 25ha rừng bị gãy đổ; nhiều hécta hoa màu bị thiệt hại nặng; 450m3 hệ thống kênh mương bị hư hỏng, sạt lở; 2 chiếc cầu bị cuốn trôi, xói lở; 200m3 đường giao thông nông thôn bị sạt lở, vùi lấp… LÊ PHI LONG

Nhóm phóng viên

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/tap-trung-cuu-nguoi-sau-bao-so-2-684210.bld